Sau thời gian tạm lắng, hiện nay ở một số địa phương trong tỉnh lại tiếp tục xuất hiện các ổ dịch dại mới trên đàn chó nuôi. Theo số liệu ghi nhận của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, đã có 34 trường hợp chó dại tấn công người, gây không ít hoang mang trong cộng đồng.
Tính đến trung tuần tháng 9, trên địa bàn toàn tỉnh đã xuất hiện 19 ổ dịch dại trên đàn chó nuôi. Trong đó, nhiều nhất là huyện Thới Bình 7 ổ, tại thị trấn Thới Bình và xã Biển Bạch Đông; tiếp đến là huyện Đầm Dơi với 6 ổ, ở các xã: Quách Phẩm, Nguyễn Huân, Ngọc Chánh. Các huyện: Ngọc Hiển, Phú Tân, Cái Nước, Trần Văn Thời, U Minh và TP Cà Mau cũng đều xuất hiện các ổ dại. Đáng báo động hơn, huyện Đầm Dơi là địa phương có số người bị chó dại tấn công nhiều nhất, với 10 trường hợp được ghi nhận. Tất cả các trường hợp sau khi bị chó dại tấn công đều đã được ngành chức năng khuyến cáo tiêm vắc-xin phòng ngừa và huyết thanh kháng dại kịp thời.
Ngành thú y huyện Trần Văn Thời tiêm vắc-xin phòng dại cho đàn chó nuôi của người dân ở ấp Lung Tràm, xã Khánh Hải.
Bác sĩ Nguyễn Văn Đọc, Trưởng khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm - Kiểm dịch y tế Quốc tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho biết: “Bệnh dại lây từ nước bọt của động vật nuôi như chó, mèo bị dại qua vết cắn, liếm hoặc tiếp xúc với nước bọt của chó, mèo qua các vết thương hở. Ngoài ra, vi-rút dại cũng được phát hiện ở chồn, dơi và các động vật có vú khác. Thời gian ủ bệnh ở người thường từ 2-8 tuần và có thể kéo dài đến trên 1 năm, phụ thuộc vào lượng vi-rút xâm nhập vào cơ thể, sự nặng nhẹ của vết thương, khoảng cách từ vết thương đến hệ thần kinh trung ương… Vết thương càng ở gần hệ thần kinh trung ương như mặt, cổ, đầu, ngón tay, cơ quan sinh dục ngoài… thì thời gian ủ bệnh càng ngắn. Tất cả các bệnh nhân một khi đã lên cơn dại thì đều bị tử vong”.
Hiện tại, không có cách điều trị hiệu quả cho bệnh dại sau khi các dấu hiệu lâm sàng xuất hiện. Tuy nhiên, bệnh có thể phòng ngừa được bằng cách tiêm vắc-xin phòng dại trước hoặc ngay sau khi bị phơi nhiễm.
Về các biểu hiện lâm sàng thường thấy trong các trường hợp dương tính với bệnh dại, đầu tiên là người bệnh có biểu hiện sốt, nhức đầu hoặc kiệt sức, kèm theo chán ăn, mất ngủ, bồn chồn, đồng thời xuất hiện triệu chứng sợ nước, sợ gió. Ở giai đoạn tiến triển, bệnh nhân tăng tiết nước bọt nên không thể nhai, nuốt và thường xuyên khạc nhổ. Sau đó, đồng tử bệnh nhân sẽ bị giãn nên mắt nhìn sáng long lanh, co thắt cơ hầu họng, xuất tinh tự nhiên, cường dương và sẽ tử vong nhanh chóng. Giai đoạn tiếp theo là sẽ xuất hiện liệt từ tay, chân đến các cơ, rối loạn tiểu tiện, đại tiện. Ngay khi liệt lan đến cơ hô hấp thì bệnh nhân sẽ tử vong. Bệnh thường kéo dài từ 2-6 ngày.
Đối với các trường hợp nghi ngờ bị chó, mèo dại tấn công (cắn, liếm, cào xước…), thì việc đầu tiên cần làm là phải nhanh chóng rửa ngay thật kỹ vết thương bằng nước xà phòng đặc, nước muối hoà đặc, dội nước sạch nhiều lần, bôi chất sát khuẩn như cồn, cồn iốt đậm đặc. Cần lưu ý, khi rửa vết thương tuyệt đối không được làm dập vết thương và nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế để được kiểm tra và tiêm vắc-xin phòng dại. Những người bị con vật cắn nhưng đến tiêm muộn thì việc tiêm huyết thanh kháng dại sẽ không còn tác dụng nữa.
Bác sĩ Hồ Thanh Đảm, Trưởng khoa Truyền thông - Giáo dục sức khoẻ, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, khuyến cáo các cơ sở y tế địa phương cần cung cấp những thông tin cần thiết về bệnh dại và cách phòng chống bệnh dại, nhất là việc phát hiện vật nuôi bị bệnh dại (chó, mèo, chồn…), cách xử lý ngay sau khi bị cắn hoặc tiếp xúc. Với những người bị con vật cắn, cần nhanh chóng đến các cơ sở y tế dự phòng để khám, tư vấn và điều trị dự phòng kịp thời.
Giải pháp phòng ngừa dại hiệu quả nhất trong cộng đồng hiện nay vẫn là tiến hành tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo và các con vật nuôi khác và cần phải tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y; không thả rông chó, mèo (phải xích, nhốt); nếu cho chó ra đường phải được rọ mõm. Diệt ngay chó và động vật nuôi khác khi phát hiện chúng đã lên cơn dại hoặc nghi ngờ chúng đã mắc bệnh dại trong khu vực có ổ dịch./.
Phương Vũ