Hiện nay, với sự phát triển nhanh của công nghệ thì việc mua hàng Online đã và đang trở thành xu hướng lựa chọn của nhiều người, tuy nhiên, hình thức này cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro cao do vấn đề dễ lộ thông tin cá nhân của người mua hàng. Câu chuyện làm thế nào để có thể mua sắm an toàn, không ảnh hưởng đến quyền lợi, cũng như lợi ích cá nhân trên nền tảng mua sắm trực tuyến vẫn đang là bài toán nan giải đối với cơ quan quản lý và người tiêu dùng.
Theo đó, với sự phát triển của công nghệ mua sắm trực tuyến thì việc mua một món đồ trên nền tảng mạng xã hội đã không còn là vấn đề khó đối với nhiều người. Người dùng mạng có thể ngồi tại nhà, thông qua vài thao tác trên máy tính hoặc các thiết bị di động thông minh là có thể đặt những món đồ yêu thích của mình và chỉ trong vài giờ thì hàng sẽ được giao tận tay người tiêu dùng, từ nhu yếu phẩm đến các món hàng đắt tiền.
Tuy nhiên, để làm được điều này, người tiêu dùng phải khai báo đầy đủ thông tin để đơn vị cung cấp hàng có thể biết để giao tận nơi, thông thường là số điện thoại, địa chỉ nơi ở, có khi là tài khoản thanh toán trực tuyến... Ðây là việc làm tưởng như đơn giản, thế nhưng, nếu người dùng không tìm hiểu kỹ sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro cao do lộ thông tin cá nhân của mình. Trong đó, người tiêu dùng có thể gặp phải một số tình trạng như: trang web giả mạo được lập ra để lừa người dùng cung cấp thông tin cá nhân; phần mềm độc hại khi truy cập vào những trang không đáng tin cậy; các trang web không có biện pháp bảo mật tốt, rõ ràng...
Do đó, người tiêu dùng cần thận trọng khi chọn phương thức mua hàng Online, sử dụng các phương thức thanh toán an toàn qua các cổng thông tin có uy tín, không chia sẻ quá nhiều thông tin cá nhân, chỉ cung cấp những thông tin cần thiết. Nguy cơ lộ thông tin từ các đơn vị giao hàng cũng là mối lo ngại lớn khi mua hàng Online. Các thông tin quan trọng của khách hàng như: số điện thoại, địa chỉ nơi ở và cả thông tin thanh toán đều được các đơn vị giao hàng tiếp nhận khi giao hàng đến tay khách hàng.
Một doanh nghiệp trên địa bàn Phường 9, TP Cà Mau, hoạt động chuyển phát nhanh cho các đối tác kinh doanh Online.
Ông Huỳnh Quang Tiến, Giám đốc J&T, Chi nhánh Phường 9, TP Cà Mau, cho biết: “Công ty chúng tôi cũng đã và đang quản lý chặt việc đảm bảo thông tin khách hàng. Tuy nhiên, việc biến động nhân sự trong quá trình hoạt động cũng khó có thể kiểm soát được việc rò rỉ thông tin từ các nhân viên giao hàng đã nghỉ hoặc chuyển việc, bởi mình không loại trừ việc họ sẽ bán thông tin cho các công ty quảng cáo khi có đề nghị. Bên cạnh đó, một số nhân viên giao hàng cũng dễ dàng truy cập thông tin của khách hàng và sử dụng cho mục đích riêng mà phía đơn vị quản lý cũng khó có thể kiểm soát được”.
Ðó cũng là một trong nhiều bất cập hiện nay đối với người tiêu dùng khi mua hàng trực tuyến. Theo số liệu thống kê của Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, gần 78 triệu người Việt Nam hằng ngày sử dụng Internet và 2/3 dân số bị thu thập, chia sẻ thông tin, dữ liệu cá nhân nghiêm trọng. Trong đó có nhiều nguyên nhân, như việc các cơ quan, tổ chức thu thập nhiều thông tin cá nhân nhưng không có biện pháp bảo vệ, bán trái phép cho bên thứ ba hoặc lộ lọt từ nhân viên quản lý dữ liệu, lừa đảo trực tuyến.
Từ thực tế trên có thể thấy, vấn đề lộ thông tin cá nhân thực sự đáng báo động, trong đó, những rủi ro lộ thông tin từ việc mua hàng trực tuyến đang là bài toán nan giải đối với ngành chức năng. Thiết nghĩ, ngoài việc cẩn trọng trong lựa chọn của người tiêu dùng khi mua sắm trực tuyến thì cũng cần có sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của đơn vị quản lý chuyên ngành, qua đó, từng bước bảo đảm quyền riêng tư và thông tin cá nhân của người tiêu dùng trong thời đại công nghệ số như hiện nay./.
Lê Chí