Một thực tế hết sức đáng báo động là những năm gần đây, số ca mắc bệnh ung thư khởi phát sớm (độ tuổi từ 15-39) có chiều hướng gia tăng khá cao. Các trường hợp ung thư mới có tỷ lệ tử vong cao nhất ở người trẻ tuổi là ung thư vú, khí quản, ung thư phổi, ruột và dạ dày.
Nói đến căn bệnh ung thư, thường người ta chỉ nghĩ ngay đến đối tượng dễ mắc phải thuộc nhóm người lớn tuổi. Các loại bệnh ung thư phổ biến ở độ tuổi trên 40 thường là ung thư phổi, ruột kết, dạ dày, trực tràng, ung thư vú… Trong đó, nhiều yếu tố có nguy cơ gây nên căn bệnh ung thư đều có liên quan đến lối sống, như: thừa cân hoặc béo phì, có thói quen hút thuốc lá, ít hoạt động thể chất; môi trường sống tác động bởi sự ô nhiễm…
Tiến sĩ, Bác sĩ Tô Minh Nghị, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau. cho biết: “Bệnh ung thư trước đây được coi là khá phổ biến ở nhóm người lớn tuổi, thì hiện nay qua chẩn đoán lâm sàng và các xét nghiệm sinh thiết của y học hiện đại, lại phát hiện có sự dịch chuyển sang nhóm người trẻ tuổi hơn. Trong đó, đáng chú ý là ung thư đại trực tràng, ung thư vú, thực quản, dạ dày, tuyến tuỵ… cùng nhiều loại ung thư nguy hiểm khác”.
Nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng đáng kể về số lượng ca mắc ung thư vào giai đoạn sớm ở người trẻ tuổi, qua nghiên cứu của các nhà khoa học cho thấy, ngoài khả năng di truyền thì thói quen nghiện thuốc lá sớm (kể cả thuốc lá điện tử), lạm dụng rượu bia, điều chỉnh chế độ ăn nhiều thịt, muối nhưng lại ít ăn các loại rau, củ, quả kết hợp với việc thường xuyên uống sữa nguyên chất, được xem là một trong những yếu tố có nguy cơ chính dẫn đến gia tăng tỷ lệ ung thư trong giới trẻ hiện nay. Ngoài ra, tình trạng thừa cân, béo phì, hoạt động thể chất thấp và lượng đường trong máu cao cũng góp phần gây ra tình trạng ung thư phổ biến trong giới trẻ.
Ăn uống lành mạnh, thường xuyên luyện tập thể chất… sẽ góp phần hạn chế tình trạng ung thư giai đoạn sớm ở lứa tuổi thanh thiếu niên.
Ghi nhận trường hợp này, là bệnh nhân T.T.T, sinh năm 1995, ngụ ấp Ông Định, xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển. Trước đây anh thường xuyên bị ho với những cơn ho nhẹ, kéo dài. Nhưng do anh đang làm công nhân cho một nhà máy chế biến gỗ tại Bình Dương, nghĩ là bị ảnh hưởng từ khói bụi của nhà máy, nên chủ quan không đi kiểm tra. Bệnh ngày một nặng hơn, khi đến Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch thăm khám, anh được các bác sĩ ở đây cho biết, anh đã mắc phải căn bệnh lao phổi vào giai đoạn 2.
Anh T.T.T cho biết: “Tôi thấy mình còn trẻ, sức khoẻ còn tốt, nhiều năm làm công nhân cho nhà máy chế biến gỗ mọi sinh hoạt, ăn uống đều bình thường nên không nghĩ mình bệnh ung thư. Có điều tôi bị nghiện thuốc lá từ rất sớm. Hiện nay, tôi đang được điều trị bằng phương pháp hoá trị và xạ trị kết hợp tại Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh, sức khoẻ cũng tạm ổn định”.
Khác với người lớn, ung thư ở trẻ em hoặc thanh thiếu niên thường là do kết quả của những đột biến gen diễn ra rất sớm, đôi khi còn xảy ra trước khi sinh; do một số bộ phận trong cơ thể bị lão hoá sớm (hậu quả của việc thường xuyên thức khuya, ngủ không đủ giấc, ăn uống các loại thực phẩm chế biến sẵn có nhiều hoá chất…).
Ung thư ở lứa tuổi này thường ít có mối liên quan nhiều đến lối sống hoặc các yếu tố có nguy cơ tác động trực tiếp về môi trường. Tuy nhiên, theo Tiến sĩ, Bác sĩ Tô Minh Nghị: “Dù các yếu tố nguy cơ có liên quan đến lối sống và môi trường không ảnh hưởng nhiều đến nguyên nhân dẫn đến căn bệnh ung thư ở người trẻ tuổi. Thế nhưng, việc tiếp xúc với các yếu tố có nguy cơ này trong độ tuổi thanh thiếu niên vẫn có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư khi họ đã bắt đầu cao tuổi. Vì thế, cần phải duy trì các thói quen sinh hoạt lành mạnh ngay từ đầu trong cuộc sống, sinh hoạt hằng ngày. Ví dụ như: không hút thuốc lá, kiểm soát cân nặng một cách hợp lý; nên thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh…, điều này cũng có thể sẽ góp phần làm giảm nguy cơ mắc ung thư sau này”./.
Phương Vũ