Tuỳ ý sang đường không đúng nơi quy định, không đảm bảo nguyên tắc khi tham giao thông, là những vi phạm khá phổ biến, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông (TNGT).
Việc người đi bộ bất chấp nguy hiểm, thản nhiên sang đường, hay leo qua dải phân cách, đi xuống lòng đường, thậm chí sang đường không theo tín hiệu của đèn giao thông, đang là các hành vi khá phổ biến ở những tuyến đường nội ô TP Cà Mau.
Qua tìm hiểu, hành vi này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có sự thiếu hiểu biết, tuy nhiên phần nhiều từ sự chủ quan của người đi bộ.
Ðơn cử như tại khu vực trước Phòng khám Ða khoa Thành Lợi (Phường 8), nơi đây thường xuyên xuất hiện tình trạng người đi bộ sang đường thiếu an toàn.
Người đi bộ băng qua dải phân cách, sang đường không đúng quy định trên đường Nguyễn Tất Thành, đoạn Phường 8, Tp Cà Mau.
Theo ghi nhận của phóng viên, nhiều người dân đến phòng khám để khám bệnh, muốn sang đường, thay vì phải đi vòng đến một vị trí an toàn cách đó hơn 300 m, họ lựa chọn cách leo ngang dải phân cách. Tuy rút ngắn khoảng cách nhưng nguy hiểm luôn rình rập, bởi đây là khu vực gần dốc cầu Gành Hào, phương tiện lưu thông rất đông đúc, chỉ cần một chút bất cẩn là TNGT có thể xảy ra.
Tại khu vực gần quán Hoàng Hổ, Năm Sánh 69 (Phường 5), tình trạng này cũng khá phổ biến. Vị trí một số quán nơi đây có sự “liên thông” hai bên lộ, chính vì thế nhân viên của các quán qua lại thường xuyên, nhiều người leo qua dải phân cách để sang đường. Ðiều này rất nguy hiểm vì lưu lượng phương tiện qua lại đông, đặc biệt khi về đêm, hạn chế tầm nhìn thì nguy cơ TNGT là rất cao.
Ông Nguyễn Thanh Bằng, Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh, cho biết: "Việc người đi bộ sang đường bất chấp quy định là rất phổ biến. Những lỗi chủ quan này luôn tiềm ẩn TNGT. Giao thông ở Việt Nam nói chung, Cà Mau nói riêng là hệ thống giao thông hỗn hợp, chính vì thế, bất kỳ lỗi chủ quan nào cũng dễ dẫn đến TNGT. Ở các tỉnh, thành khác cũng đã ghi nhận những vụ TNGT thương tâm do sang đường không đảm bảo nguyên tắc giao thông. Việc này cần được cảnh báo và tuyên truyền sâu rộng hơn".
Nguy hiểm rình rập từ việc người đi bộ sang đường kiểu “bất chấp”.
Luật sư Bùi Quốc Tuấn (Ðoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh) cho biết: "Ðiều 9, Ðiều 47, Nghị định 100/2019/NÐ-CP, ngày 30/12/2019 quy định rõ người đi bộ cần lưu ý thực hiện tốt các quy tắc giao thông như: Không được đi vào đường cao tốc, trừ người, phương tiện, thiết bị phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc. Phải đi trên hè phố, lề đường; trường hợp đường không có hè phố, lề đường thì người đi bộ phải đi sát mép đường. Chỉ được sang đường ở những nơi có đèn tín hiệu, có vạch kẻ đường hoặc có cầu vượt, hầm dành cho người đi bộ và phải tuân thủ tín hiệu chỉ dẫn. Nếu không có các tín hiệu giao thông thì người đi bộ phải quan sát các xe đang đi tới, chỉ sang đường khi bảo đảm an toàn và chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn khi sang đường. Không được vượt qua dải phân cách, không đu bám vào phương tiện giao thông đang chạy; khi mang vác vật cồng kềnh phải đảm bảo an toàn và không gây trở ngại cho người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ. Trẻ em dưới 7 tuổi khi đi sang đường đô thị, đường thường xuyên có xe cơ giới qua lại, phải có người lớn dắt. Trường hợp vi phạm các quy tắc nêu trên, người đi bộ có thể bị phạt từ 60-100 ngàn đồng. Người đi bộ nếu đi sai luật, không chỉ bị xử phạt hành chính mà còn có thể chịu trách nhiệm hình sự".
Dù rằng quy định, chế tài đã có, nhưng trên thực tế rất hiếm trường hợp người đi bộ sang đường bị xử lý trên địa bàn tỉnh. Người đi bộ khi tham gia giao thông được xem là nhóm đối tượng yếu thế, tuy nhiên, sự chủ quan của nhóm đối tượng yếu thế này rất dễ gây ra những hậu quả khó lường. Thiết nghĩ thời gian tới, ngoài tuyên truyền, ngành chức năng cần mạnh tay xử lý những trường hợp người đi bộ vi phạm, nhằm tạo sự răn đe, giáo dục.
Theo Ðiều 260 của Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017, thì người tham gia giao thông đường bộ, trong đó có người đi bộ nếu đi sai luật và là nguyên nhân gây ra các vụ tai nạn nghiêm trọng, tuỳ theo tính chất, mức độ có thể bị phạt tù từ 7-15 năm theo Ðiều 260 của Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi bổ sung năm 2017.
Văn Ðum