(CMO) Nói đến căn bệnh ung thư, nhiều người cảm thấy rất lo sợ với căn bệnh này. Bởi việc điều trị ung thư hiện nay còn gặp nhiều khó khăn vì bệnh diễn tiến phức tạp, mức độ lan rộng nhanh, khó loại bỏ hoàn toàn và gần như không có triệu chứng bệnh lâm sàng ở giai đoạn sớm. Tuy nhiên, để hiểu biết một cách đầy đủ vì sao mắc phải căn bệnh nguy hiểm chết người này, thì hầu hết mọi người đều rất mơ hồ.
Bệnh ung thư chỉ xảy ra khi xuất hiện tế bào bất thường, chúng phát triển không kiểm soát và tập hợp tạo thành khối u. Dần dần, tế bào ung thư sẽ xâm lấn và phá hủy các mô cơ thể bình thường, bắt đầu từ cơ quan nguyên phát cho đến toàn cơ thể.
Các loại ung thư phổ biến hiện nay gồm: Ung thư đại tràng và trực tràng, ung thư gan, ung thư cổ tử cung (chỉ có ở nữ giới), ung thư tuyến giáp, ung thư tuyến tụy, bệnh bạch cầu (ung thư máu)…
Hầu hết bệnh ung thư không có triệu chứng lâm sàng giai đoạn khởi phát, nên chỉ phát hiện sớm khi khám sàng lọc hoặc vô tình khám bệnh ở cơ quan liên quan.
TS. Bác sĩ Tô Minh Nghị, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Cà Mau, kiểm tra lâm sàng một trường hợp ung thư đại tràng sau phẫu thuật, tại xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời. |
Bác sĩ Ngô Minh Phước, Trưởng Khoa phòng, chống bệnh không lây nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cà Mau, cho biết: “Các yếu tố nguy cơ ung thư bao gồm tiếp xúc với hóa chất hoặc các chất khác, cũng như một vài hành vi nhất định. Ngoài ra, các yếu tố gây ung thư cũng bao gồm những thứ mà chúng ta không thể kiểm soát, như tuổi tác và tiền sử gia đình. Ví dụ như, tiền sử gia đình có người mắc một số bệnh ung thư có thể là dấu hiệu của hội chứng ung thư di truyền sẽ xảy ra ở các thế hệ tiếp theo”.
Một trong nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến căn bệnh ung thư, ngoài yếu tố di truyền có thể chiếm khoảng 20%, còn lại là thói quen sống của mỗi người, môi trường xung quanh…
Thực tế cho thấy, lối sống không lành mạnh có thể là làm tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư. Trong đó, chế độ ăn uống không cân đối, ăn quá nhiều thức ăn dầu mỡ, ít chất xơ có thể làm tăng nguy cơ mắc các loại ung thư ở đường tiêu hóa như: Ung thư đại trực tràng, ung thư dạ dày.
Vì vậy, khi có một chế độ ăn uống hợp lý như sử dụng nhiều rau củ quả tươi có chứa nhiều vitamin và khoáng chất sẽ có tác dụng tăng cường sức đề kháng, giúp cơ thể chống lại một số tác nhân gây ung thư.
Các chuyên gia về ung thư cũng chỉ ra rằng, việc ít vận động có thể làm tăng khả năng mắc ung thư dạ dày. Thói quen hút thuốc lá thường xuyên cũng có thể khiến người ta mắc các bệnh về ung thư phổi, ung thư vòm họng…
Ngày nay, cùng với sự phát triển không ngừng của nền y học hiện đại trên thế giới, thì việc chẩn đoán ung thư càng sớm càng giúp cho việc điều trị đạt hiệu quả, nhất là trong giai đoạn đầu của bệnh, khi khối u ung thư đang phát triển tại cơ quan nguyên phát. Nhiều loại ung thư như: Đại trực tràng, ung thư vú, tinh hoàn… phát hiện được là do qua tầm soát định kỳ hoặc kiểm tra y tế trước khi triệu chứng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.
Bác sĩ Phan Văn Tam, Phó trưởng Khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Cà Mau, chia sẻ: “Các xét nghiệm máu cho phép phát hiện sự thay đổi của các chất chỉ điểm ung thư. Các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh như chụp X-quang, siêu âm, chụp cắt lớp CT hay chụp cộng hưởng từ MRI cho phép phát hiện khối u ung thư cũng như các đặc điểm về vị trí, kích thước, mức độ lan rộng…”.
Do đó, điều quan trọng để điều trị ung thư hiệu quả là phát hiện bệnh sớm, điều trị tích cực tuân thủ theo đúng liệu trình mà các bác sĩ chuyên khoa đã xây dựng, kết hợp với việc ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý, giữ cho tinh thần được thoải mái, tin tưởng vào phác đồ điều trị của bác sĩ./.
Phương Vũ