ĐT: 0939.923988
Thứ ba, 1-7-25 13:49:52
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Nguyễn Thanh Toàn - Người Cà Mau say nghiệp diễn

Báo Cà Mau (CMO) Từ cậu bé nhà quê (xã Phong Lạc, huyện Trần Văn Thời), Nguyễn Thanh Toàn quyết tâm theo đuổi đam mê, đến với nghệ thuật chuyên nghiệp bằng sự nghiêm túc và ham học hỏi. Sau khi đạt Chuông vàng vọng cổ năm 2015, Nguyễn Thanh Toàn tiếp tục hành trình vững chắc trong nghiệp diễn và giành được nhiều giải thưởng danh giá. Thế nhưng, những lần tôi gặp anh về Cà Mau biểu diễn, anh vẫn điềm đạm, chân thành chia sẻ về cơ duyên đến với nghệ thuật sân khấu cải lương.

Cha là thầy đờn có tiếng ở xóm, tuổi thơ của Toàn là những ngày theo cha đi đờn phục vụ đám tiệc; rồi theo cha đặt lú, giăng lưới… mưu sinh. Lúc chờ đợi, cha ôm đàn sến thả hồn giữa mênh mông sông nước, đưa Toàn vào giấc ngủ bình yên. Tiếng đờn, lời ca thấm đẫm, đến khi chạm vào đúng nhịp, tình yêu ấy bỗng trỗi dậy.

Thử sức với cuộc thi đầu tiên - Tiếng hát Phát thanh - Truyền hình giọng ca cải lương giải Bông Tràm (tỉnh Cà Mau) lần thứ III-2010, Thanh Toàn đoạt Huy chương Bạc. Giải thưởng đã chắp cánh ước mơ nghệ thuật đối với chàng trai 21 tuổi lúc bây giờ. Khi đang học năm thứ hai Đại học Công nghệ thông tin, Thanh Toàn làm cha mẹ chưng hửng khi thông báo mình đã nộp hồ sơ thi tuyển khoá đào tạo diễn viên do Nhà hát Trần Hữu Trang và Trường Cao đẳng Văn hoá nghệ thuật TP Hồ Chí Minh phối hợp đào tạo.

Ngoài công việc của nhà hát, các cuộc thi, Thanh Toàn cho ra mắt nhiều MV tân cổ, thu hút đông đảo lượt xem.

Nhớ ngày mới lên Sài Gòn học diễn viên, ngoài giờ đến lớp, Thanh Toàn nhận làm phục vụ quán ăn, giữ xe để kiếm tiền sinh hoạt phí, nhà trọ… giảm bớt gánh nặng cho cha mẹ. Vượt qua nhiều thí sinh trên cả nước, Toàn may mắn là 1 trong 17 người được chọn đào tạo hệ 3 năm dưới sự chỉ dạy của Nghệ sĩ Bạch Tuyết, Nhạc sĩ Thanh Hải, Nhạc sĩ cổ nhạc Thanh Tùng, Đạo diễn Thanh Lựu, Huỳnh Mai, Tuấn Phương… Thanh Toàn bộc bạch: “Tốt nghiệp, tôi được nhận vào Nhà hát Trần Hữu Trang cho đến nay. Nhìn các bạn cùng khoá thi Chuông vàng vọng cổ, tôi càng nỗ lực học hỏi, trau dồi để đạt thành tích tốt”.

Không chỉ giành Chuông vàng mùa giải 2015, Thanh Toàn còn “rinh” luôn giải Thí sinh được khán giả yêu thích nhất. Nhìn chặng đường nghệ thuật của Nghệ sĩ Nguyễn Thanh Toàn sau 8 năm vào nghề, nhiều người phải trầm trồ ngưỡng mộ, bởi cách làm nghề say mê và nghiêm túc. Với chất giọng khoẻ và lợi thế diễn xuất, Thanh Toàn quyết tâm chinh phục các giải chuyên nghiệp để có thêm nhiều “dưỡng chất” cho nghề. Năm 2017, anh đoạt Huy chương Vàng Tài năng trẻ diễn viên sân khấu cải lương toàn quốc; năm 2018 đoạt Huy chương Bạc Liên hoan Sân khấu Cải lương toàn quốc và năm 2020 đoạt Huy chương Vàng giải Trần Hữu Trang.

Qua các vở diễn, cuộc thi và nhiều MV của mình, Thanh Toàn đã chứng minh mình không chỉ có sở trường ở những vai lão mà còn thể hiện xuất sắc kép chính lẫn kép gian hùng bằng sự tinh tế từ giọng ca đến ánh mắt, sự sinh động trong biểu cảm trên khuôn mặt và sự chọn lọc trong động tác sân khấu.

Thanh Toàn trong trích đoạn cải lương “Hồ Quý Ly”.

Thanh Toàn chia sẻ, hiện tại Nhà hát Trần Hữu Trang rất nhiều chương trình, ngoài đi phục vụ bà con vùng sâu, vùng xa, đồng bào ven biển, còn biểu diễn tại rạp Hưng Đạo. Anh đang tập 3 vở cải lương, chuẩn bị diễn trong tháng 9 phục vụ bà con và tham gia Liên hoan sân khấu Thủ đô tại Hà Nội và Liên hoan Sân khấu Cải lương chuyên nghiệp toàn quốc tại TP Hồ Chí Minh.

Áp lực công việc không tránh khỏi, song đối với Toàn, mỗi lần đứng trên sân khấu, được ca diễn là điều vinh hạnh, nên anh luôn hăng say và cháy hết mình, mong mang đến khán giả những “bữa ăn” tinh thần ngon nhất, độc đáo nhất. Để khi nhắc đến Nghệ sĩ Thanh Toàn, khán giả nghĩ ngay đến nhân vật Tám Khoẻ trong “Người ven đô”, Duy Mão trong vở “Thành phố buổi bình minh” và ông lão gác đền trong tuồng “Ngôi đền cổ”…

Nhắc đến quê hương Cà Mau, Toàn huyên thuyên với những kỷ niệm về gia đình, với bạn bè thời cắp sách và cả những ngày chập chững tập nhịp, tập ca… được anh chị, cô chú trong nghề động viên, hỗ trợ chân tình, tiếp thêm niềm tin để bản thân vươn xa trong nghiệp diễn. Toàn chia sẻ, mỗi lần có lời mời là anh đều sắp xếp công việc tham gia các chương trình của Đài Phát thanh - Truyền hình Cà Mau. Anh mong được đóng góp nhiều hơn nữa và để được ôn lại nhiều kỷ niệm nơi mảnh đất ân tình này./.

 

Mộng Thường

 

Buổi đầu làm báo ảnh

Báo ảnh Ðất Mũi trải qua nhiều thời kỳ, nhờ công lao của rất nhiều người. Nhắc chuyện làm báo ảnh thời gian khó không chỉ để thế hệ làm báo trẻ sau này hiểu, mà còn nhằm trân trọng ghi ơn lớp cha chú đi trước đã từng dốc sức đóng góp cho Báo ảnh Ðất Mũi hình thành, phát triển, trở thành dấu ấn đẹp của báo chí địa phương.

Cơn gió thổi mát hồn người

Chương trình Nghệ thuật Kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/06/1925 -21/06/2025) do UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp cùng Báo và Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh tổ chức, diễn ra vào tối 19/6 tại Công viên Văn hóa Hùng Vương đã trở thành một dấu ấn đẹp đối với người làm báo tỉnh nhà lẫn công chúng.

Những người làm báo “đặc biệt”

Phóng viên mảng văn hoá nghệ thuật (VHNT), MC dẫn các chương trình truyền hình, phát thanh... được xem là những người làm báo “đặc biệt”, vì nội dung và lĩnh vực phụ trách khá đặc thù, cũng như có cách tác nghiệp riêng.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung: Sẽ viết tiếp những câu chuyện hoà bình

Ca khúc "Viết tiếp câu chuyện hoà bình" của Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung đã đạt tổng 3,1 tỷ lượt xem trên các nền tảng mạng xã hội như TikTok, YouTube Short, Facebook, Instagram; lan toả đến cộng đồng, xã hội nhiều thông điệp ý nghĩa về tình yêu quê hương, đất nước.

Sân chơi bổ ích cho người cao tuổi

Ðược thành lập năm 2010, trong 15 năm hoạt động, Câu lạc bộ (CLB) Dưỡng sinh người cao tuổi (NCT) huyện U Minh không ngừng đẩy mạnh các hoạt động văn hoá, thể dục thể thao, du lịch; là điểm tựa vững chắc chăm sóc đời sống tinh thần và vật chất cho hội viên NCT, góp phần tạo sân chơi bổ ích tăng cường sức khoẻ cho NCT trên địa bàn huyện.

“Hạt giống” của văn hoá cộng đồng

Không cần phải đứng trên những sân khấu lớn, văn nghệ quần chúng đang âm thầm thắp lên những ngọn lửa nhỏ, giữ ấm đời sống tinh thần trong cộng đồng dân cư. Ðó là nơi mọi người được sống thật với cảm xúc, được thể hiện tài năng và quan trọng hơn, đó là nơi kết nối những người có chung niềm đam mê văn nghệ.

Truyền cảm hứng qua ảnh

Tác giả Vũ Thanh Nam, sinh năm 1972, tốt nghiệp Trường Ðại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, Khoa Hội hoạ, giảng dạy Mỹ thuật tại Trường THCS Hải Long từ năm 1993 đến nay, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Nam Ðịnh, bộ môn Nhiếp ảnh.

Trang nghiêm lễ giỗ Đình thần Tân Nghĩa

Đình thần Tân Nghĩa được xây dựng vào năm 1852, nằm bên ngã ba sông Ô Rô – Bạch Ngưu, nay là Ấp 6, xã An Xuyên, TP Cà Mau.

Về xứ “Khánh”, “Tân”...

Cà Mau là vùng đất trẻ ven biển ở cực Nam, nằm trên Bán đảo Cà Mau, mới được khai phá khoảng hơn 3 thế kỷ. Trải qua quá trình lịch sử đã nhiều lần thay đổi về địa giới hành chính, điều thú vị là Cà Mau có nhiều địa danh hành chính mang tên gọi với chữ “Khánh”, “Tân”, như: Khánh Lâm, Khánh Tiến, Khánh Thuận, Khánh Hoà, Khánh An (huyện U Minh); Khánh Bình, Khánh Lộc, Khánh Hưng, Khánh Hải, Khánh Bình Tây, Khánh Bình Tây Bắc, Khánh Bình Ðông (huyện Trần Văn Thời); Tân Lộc, Tân Phú (huyện Thới Bình); Tân Xuyên, Tân Thành (TP Cà Mau); Tân Trung, Tân Ðức, Tân Duyệt, Tân Thuận, Tân Dân, Tân Tiến (huyện Ðầm Dơi); Tân Ân, Tân Ân Tây (huyện Ngọc Hiển). Những địa danh này gắn liền với lịch sử, văn hoá của cả vùng đất và nay đang ngày càng phát triển đi lên đổi mới và giữ gìn bản sắc văn hoá độc đáo.

Sống chậm, nhẫn hơn cùng nhiếp ảnh

Tay máy nữ Bảo Huy tên thật là Lê Thị Thu Thuỷ, sinh năm 1973, quê tỉnh Quảng Nam, hiện sinh hoạt tại Câu lạc bộ (CLB) Nhiếp ảnh nghệ thuật Sông Hàn (Ðà Nẵng).