(CMO) Công tác ngành BHXH tỉnh Cà Mau từ những ngày đầu thành lập ngành, rồi hơn 10 năm phụ trách lĩnh vực chi trả chế độ chính sách, chị Nguyễn Phương Thuý Nga, chuyên viên Phòng Chế độ BHXH, phụ trách xét duyệt chế độ BHXH 1 lần, trăn trở khi tình trạng người dân nộp hồ sơ để nhận chế độ BHXH 1 lần ngày càng nhiều. Bởi, việc làm này đem lại lợi ích trước mắt cho người lao động (NLĐ), song trong tương lai, quyền lợi của NLĐ sẽ bị hạn chế, đặc biệt là không được hưởng lương hưu để bảo đảm cuộc sống và không được cấp thẻ BHYT miễn phí để được chăm sóc sức khoẻ khi về già, lúc ốm đau, bệnh tật.
“Như trường hợp của mẹ tôi trước đây chuyển công tác, do quy định công ty không tiếp nhận BHXH trong quá trình thuyên chuyển BHXH mà phải lãnh dứt điểm BHXH ở cơ quan cũ rồi mới về công ty mới đóng BHXH lại từ đầu, rồi tới khi hết tuổi lao động không đủ số năm để hưởng lương hưu”, chị Nguyễn Phương Thuý Nga bộc bạch.
Từ đầu năm đến ngày 27/4, toàn tỉnh chi trả chế độ BHXH bắt buộc 1 lần cho 4.083 người, với số tiền trên 141 tỷ đồng; chi BHXH tự nguyện cho 330 người, với số tiền trên 2,1 tỷ đồng. Toàn tỉnh chi trả chế độ BHXH 1 lần cho lần lượt 740 người (tháng 1) và 779 người (tháng 2) thì tháng 3 con số này là 1.269 người; 27 ngày của tháng 4 đã có 1.295 người nhận chi trả chế độ BHXH 1 lần. Đối với chi trả chế độ BHXH tự nguyện cũng tăng, tháng 1 chi trả 76 người, tháng 2 chi trả cho 50 người, tháng 3 chi trả cho 99 người và 27 ngày của tháng 4 là 105 người.
Số người nhận BHXH 1 lần tăng theo từng tháng kể từ đầu năm đến nay, đối với những người chốt sổ BHXH tự nguyện tăng thì thuộc đối tượng những người lớn tuổi, tham gia đóng BHXH tự nguyện 5 năm với mong muốn sau này hưởng chế độ tử tuất, mai táng phí. Tuy nhiên, do mức đóng BHXH tự nguyện từ đầu năm 2022 tăng theo chuẩn nghèo mới (từ ngày 1/1/2022 tăng từ 700.000 đồng lên 1,5 triệu đồng), theo đó, mức đóng BHXH tự nguyện thấp nhất sau khi được Nhà nước hỗ trợ cũng tăng từ 138.600 đồng lên 297.000 đồng. Mức đóng mới tăng hơn gấp đôi nên những người lớn tuổi tham gia BHXH tự nguyện có thu nhập thấp gặp khó khăn về kinh tế, đã không thể đóng tiếp.
Nhiều NLĐ đến nộp hồ sơ chốt sổ BHXH 1 lần tại quầy BHXH, Trung tâm Giải quyết TTHC tỉnh Cà Mau. |
Bà Huỳnh Thị Thanh Tuyền, Tổ trưởng Tổ tiếp nhận và trả kết quả quầy BHXH tại Trung tâm Giải quyết TTHC tỉnh Cà Mau, cho biết, NLĐ nộp hồ sơ nhận BHXH 1 lần tăng khoảng hơn 2 năm nay. Và từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, nhiều người nộp hồ sơ nhận BHXH 1 lần đã đóng BHXH khoảng 5-7 năm, có người đã đóng trên 10 năm. Khi vận động, tuyên truyền tạm thời bảo lưu thời gian đã đóng để sau này tiếp tục tham gia BHXH cho đến tuổi nhận lương hưu thì được NLĐ chia sẻ là đợi đến khi nhận lương hưu quá lâu, không thể chờ, hay đang cần sử dụng số tiền đó.
Đối với những hồ sơ đã đóng BHXH bắt buộc trên 10 năm, trước khi giải quyết nhận hồ sơ BHXH 1 lần, chị Nga đều điện thoại tư vấn. Nhiều NLĐ sau khi được chị tư vấn đã tạm lưu hồ sơ lại để sau này đóng tiếp, chờ hưởng lương hưu. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, có rất nhiều trường hợp khi được tư vấn đều không tiếp tục đóng BHXH.
"Đối với những người tham gia BHXH tự nguyện, mỗi tháng đóng 22% nhân với mức đóng theo chuẩn hộ nghèo thấp nhất là 1,5 triệu đồng, như vậy mỗi năm đóng 265%, nhưng khung cho phép chi tối đa cho người tham gia BHXH tự nguyện được 1 năm là 200% lương, lỗ 65%/năm. Nếu người tham gia BHXH tự nguyện được 13 tháng sẽ được tính 18 tháng, nếu tham gia BHXH tự nguyện 19 tháng sẽ được tính 24 tháng được 400%… Do vậy, cần cân nhắc khi nhận chế độ BHXH tự nguyện 1 lần để không bị lỗ", chị Nga tư vấn.
Chị Nga nhắn gởi: "Những người đã làm thủ tục để nhận BHXH 1 lần nhưng không nhận thì có thể để đó sau này nhận cũng được, nhưng đã nhận rồi sau này muốn lấy lại quá trình đã đóng thì không thể hoàn trả tiền đã nhận để khôi phục lại quá trình đã đóng. Một khi rút BHXH một lần, về già sẽ không có lương hưu hoặc hưởng mức thấp, không đảm bảo cuộc sống, không được cấp thẻ BHYT miễn phí với mức hưởng 95% khi đi khám bệnh. Điều này tác động trực tiếp tới quyền lợi người lao động"./.
Phúc Duy