(CMO) Quản lý Nhà nước trong lĩnh vực môi trường lỏng lẻo; công tác kiểm tra, phát hiện, điều tra, truy tố và xử lý các tội phạm môi trường còn nhiều bất cập, cần được chấn chỉnh là nội dung chính được nhiều đại biểu tham dự hội thảo về thực trạng tổ chức thi hành các quy định về tội phạm môi trường vừa được Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp) phối hợp với Sở Tư pháp tỉnh Cà Mau tổ chức ngày 29/9.
Hội thảo đã đưa ra bức tranh toàn cảnh về thực trạng môi trường cũng như công tác quản lý Nhà nước, công tác kiểm tra, điều tra, xử lý vi phạm, tội phạm liên quan đến môi trường trên địa bàn tỉnh còn nhiều hạn chế. Nhất là tình trạng vi phạm pháp luật về môi trường diễn ra khá phổ biến, hình thức ngày càng tinh vi và phức tạp.
Theo đại diện Sở Tài nguyên và môi trường, thời gian qua công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường đã được tăng cường, hiện có 86% cơ sở thuộc diện lập báo cáo đánh giá tác động môi trường đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải. Trong đó có 2 cơ sở có quy mô xả nước thải công nghiệp trên 1.000 m3/ngày đêm đã được trang bị hệ thống quan trắc nước thải tự động liên tục. Tuy nhiên, thời gian qua việc xả chất thải của doanh nghiệp và một bộ phận người dân chưa qua xử lý vẫn còn diễn ra nhưng việc xử lý chưa triệt để. Từ đó các công trình xử lý chất thải của doanh nghiệp có dấu hiệu không vận hành đúng theo yêu cầu, chưa đảm bảo công suất xử lý. Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2017, Sở Tài nguyên và môi trường kiểm tra 4 cuộc ở 16 đơn vị, thì phát hiện 6 đơn vị vi phạm, xử phạt trên 400 triệu đồng.
Trong công tác xét xử đối với các tội phạm môi trường chưa có sự hướng dẫn kịp thời, thiếu văn bản hướng dẫn việc áp dụng các điều luật. Tính từ năm 2013 đến nay, tòa án nhân dân 2 cấp của tỉnh đã thụ ý 9 vụ, liên quan đến 12 bị cáo và đã đưa ra xét xử được 8 vụ, 11 bị cáo. Còn 1 vụ và 1 bị cáo bị truy tố về tội vi phạm các quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ, theo quy định tại Điều 190 Bộ luật hình sự vẫn chưa được xử lý.
Bên cạnh việc đánh giá thực trạng vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường cũng như thực trạng tội phạm môi trường, các ý kiến tham dự hội thảo còn chỉ ra một số nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng trên. Chẳng hạn như chưa có sự thống nhất trong các quy định pháp luật về tội phạm môi trường cũng như sự chậm trễ trong việc ban hành các văn bản hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền. Trong số 11 tội danh về môi trường trong Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009 thì chỉ có 2 tội danh liên quan đến lĩnh vực bảo vệ rừng và động vật hoang dã đã có văn bản hướng dẫn, còn các tội khác về gây ô nhiễm môi trường chưa có văn bản hướng dẫn. Các tình tiết định tội, định khung hình phạt chưa được định lượng (thế nào là nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, hậu quả nghiêm trọng, ô nhiễm nghiêm trọng…). Do đó, khi có hành vi vi phạm xảy ra, các cơ quan tiến hành tố tụng không có căn cứ để đánh giá dẫn đến không khởi tố được.
Trung Đỉnh