ĐT: 0939.923988
Thứ hai, 3-2-25 14:00:47
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Nhiều điểm lẻ sau xoá ghép chưa có phương án sử dụng

Báo Cà Mau (CMO) Những năm gần đây, ngành giáo dục Cà Mau đẩy mạnh chủ trương xoá, ghép, sáp nhập các điểm trường lẻ, với mục tiêu nâng cao toàn diện chất lượng giáo dục. Hiệu quả mang lại là tích cực, phù hợp với điều kiện thực tiễn và nhu cầu phát triển của ngành giáo dục. Tuy nhiên, nhiều điểm trường lẻ sau xoá ghép đang trong tình trạng bỏ trống, chưa có phương án sử dụng hiệu quả. Các huyện, thành phố trong tỉnh đã có thống kê, đề xuất phương án giải quyết đến cấp thẩm quyền, nhưng đến nay, thực trạng này vẫn chưa có nhiều chuyển biến.

Cơ sở vật chất xuống cấp nhanh

Dù là địa phương có quy mô giáo dục ở mức trung bình của tỉnh, nhưng hiện tại huyện Phú Tân có 36 điểm lẻ sau xoá, ghép, sáp nhập bỏ trống không sử dụng.

Bà Nguyễn Thị Thuý Chiều, Phó trưởng phòng GD&ÐT huyện Phú Tân, cho biết: “Thực hiện chủ trương chung của ngành giáo dục về việc hoàn thiện hệ thống trường lớp, xoá các điểm lẻ, đầu tư tập trung cho các điểm chính để xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, kết quả mang lại là rất lớn. Ðến nay, Phú Tân có 32/40 trường do phòng quản lý đã đạt chuẩn quốc gia. Từ 45 điểm lẻ, nay toàn huyện chỉ còn 9 điểm, đây đều là những điểm có điều kiện đi lại khó khăn, chưa thể xoá ngay để phục vụ nhu cầu học tập của học sinh”.

Cũng như các địa phương khác, hầu hết điểm lẻ ở Phú Tân đều có quy mô nhỏ, cơ sở vật chất khiêm tốn, quỹ đất xây dựng do người dân hiến. Một số điểm cơ sở vật chất xuống cấp trầm trọng đã được tháo dỡ, phòng GD&ÐT đã bàn giao cho cấp xã quản lý mặt bằng. Số còn lại, do còn các dãy phòng học, các hạng mục cơ bản thì giao cho trường quản lý. Thực tế cho thấy, các điểm lẻ sau một vài năm không sử dụng, không được sửa chữa, cơ sở vật chất xuống cấp nhanh đến mức xót ruột.

Theo bà Chiều, dù quy mô nhỏ, nhưng một số điểm lẻ đã được đầu tư khá cơ bản, còn kiên cố. Khi xoá ghép, không sử dụng, không có nguồn kinh phí sửa chữa nhỏ, không được chăm sóc, chỉnh trang thường xuyên, nên việc xuống cấp là điều khó tránh khỏi. Các trường chỉ rào chắn tạm, thỉnh thoảng đến thăm nom chớ không có biện pháp nào khác. Riêng UBND huyện Phú Tân đã có đề xuất lên cấp trên về phương án giải quyết, nhưng đến nay cũng chưa có chỉ đạo cụ thể.

Khi ghé thăm điểm lẻ Bào Thùng (thuộc ấp Lê Năm, xã Rạch Chèo) bỏ trống từ năm 2019, ông Ðào Văn Chương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Rạch Chèo, không khỏi bồn chồn. Cỏ cây um tùm, tường nứt, gạch bong tróc... không ai nghĩ rằng 8 phòng học 2 lầu kiên cố này mới vài năm trước là nơi học tập của hơn 100 học sinh.

Điểm lẻ Bào Thùng của Trường Tiểu học Rạch Chèo, xuống cấp trầm trọng sau khi bỏ không từ năm 2019 và chưa có phương án giải quyết.

Ông Chương đề đạt: “Mong các cấp thẩm quyền xử lý sớm, chớ để vầy xót ruột, xót dạ lắm, còn chủ đất hiến tặng họ đề nghị trả lại đất, nhưng mình không biết trả lời sao với bà con”.

Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở huyện Trần Văn Thời. Ông Trần Tấn Công, Chủ tịch UBND huyện, thông tin: “Toàn huyện còn khoảng 40 điểm trường lẻ bỏ trống sau xoá, ghép, sáp nhập. Người dân phản ánh tình trạng này là lãng phí, còn huyện thì đề đạt cấp thẩm quyền nhanh chóng có chỉ đạo xử lý dứt điểm, cứ kéo dài thì không ổn do những nơi này xuống cấp quá nhanh, chưa có phương án sử dụng”.

Chưa thống nhất phương án xử lý

Thường trực HÐND tỉnh Cà Mau vừa có cuộc giám sát chuyên đề chấp hành pháp luật phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Vấn đề các điểm trường lẻ bỏ trống là nội dung rất được quan tâm.

Theo đó, quỹ đất xây dựng các điểm trường lẻ hầu hết đều do người dân hiến tặng, được hoàn thiện thủ tục pháp lý trở thành tài sản công. Do đó, phương án xử lý vấn đề này phải căn cứ trên quy định của pháp luật, nhưng cũng phải thấu tình, đạt lý.

Hiện trạng phòng học xuống cấp của điểm lẻ Bào Thùng của Trường Tiểu học Rạch Chèo.

Thực tế ở huyện Phú Tân cho thấy, hầu như tất cả biên bản hiến tặng đất của người dân để làm điểm lẻ trường học đều có nội dung ghi nhớ của chủ đất: “Chỉ để làm trường học, nếu không làm trường học thì hoàn trả lại đất” cho người hiến tặng. Các biên bản này được Phòng GD&ÐT huyện Phú Tân cất giữ rất cẩn thận, có sự chứng kiến của chính quyền địa phương thời điểm làm thủ tục. Tuy nhiên, khi trở thành tài sản công, việc xử lý không thuộc thẩm quyền của phòng GD&ÐT và UBND huyện, phải chờ ý kiến chỉ đạo của cấp tỉnh.

Vợ chồng ông Trần Thanh Ðịnh và bà Nguyễn Thị Quyên, ấp Lê Năm, xã Rạch Chèo, huyện Phú Tân hiến phần đất 2.000 m2 của gia đình để xây dựng điểm lẻ Bào Thùng vào năm 2003. Lật giở tờ biên bản hiến đất, ông Ðịnh nói: “Ðây, có hết các bên chứng kiến, ký xác nhận, vợ chồng tôi yêu cầu rõ, nếu không làm trường nữa thì trả lại đất để gia đình canh tác, sản xuất, chớ bỏ không như vầy phí phạm quá. Vợ chồng tôi cũng chạy đôn, chạy đáo khắp nơi để hỏi thăm, nhưng tới giờ chưa thấy giải quyết gì hết. Hồi hiến đất, vợ chồng tôi làm 3 ngày là xong, còn 3 năm qua chúng tôi hỏi mà chưa thấy kết quả gì”.

Về mặt pháp lý, giải quyết tài sản công phải đảm bảo đúng quy định. Các huyện, thành phố sau rà soát đã có văn bản để đề đạt cấp thẩm quyền giải quyết theo hướng hoàn trả tài sản cho người dân theo đúng tinh thần các biên bản hiến tặng đất trước đây. Bởi lẽ, diện tích các điểm lẻ này không lớn, về lâu dài cũng không còn phù hợp để kết nối với diện mạo, hệ thống trường lớp chung của toàn tỉnh theo xu hướng phát triển. Các địa phương cũng không hoặc chưa có phương án sử dụng một cách hiệu quả. Mặt khác, nếu trưng dụng dùng cho mục đích khác thì người dân không đồng thuận. Còn nếu để kéo dài tình trạng này, dư luận xã hội đã và đang đặt ra nhiều ý kiến trái chiều./.

 

Quốc Rin

 

Mang xuân vào trường học

Không gian tết cổ truyền của dân tộc được cô, trò Trường mầm non SOS Cà Mau tái hiện sống động trong khuôn viên trường. Các bé được hoá thân thành những người nông dân, tham gia phiên chợ quê với các gian hàng mua bán, trao đổi hàng hoá, gói bánh tét, chơi trò chơi dân gian… Không khí mùa xuân hiển hiện qua từng nụ cười, ánh mắt thơ ngây của trẻ.

Ðiểm sáng xây dựng trường đạt chuẩn

Xác định xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, xuyên suốt, Phòng Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT) huyện Năm Căn đã tham mưu UBND huyện xây dựng kế hoạch hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, đồng thời tập trung nâng cao chất lượng dạy học, góp phần xây dựng trường đạt chuẩn đúng lộ trình.

Cà Mau có 23 học sinh giỏi quốc gia

Thông tin từ Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Cà Mau, kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm học 2024-2025, tỉnh có 23 thí sinh đoạt giải. Trong đó có 1 giải Nhì môn Ngữ văn, 8 giải Ba các môn: Toán, Vật lý, Sinh học, Ngữ Văn và 14 giải Khuyến khích. Em Phạm Hồng Ngân Anh, lớp 12 chuyên Văn, Trường THPT Chuyên Phan Ngọc Hiển đoạt giải Nhì môn Ngữ văn.

60 dự án khoa học kỹ thuật xuất sắc của học sinh trung học

Sau hai ngày diễn ra (16&17/1) tại Trường THPT chuyên Phan Ngọc Hiển (TP Cà Mau), Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh trung học năm học 2024-2025 đã kết thúc thành công tốt đẹp. Ban Tổ chức đã trao 5 giải Nhất, 10 giải Nhì, 15 giải Ba và 30 giải Khuyến khích.

Đẩy mạnh phát triển văn hoá đọc trong cộng đồng

Ngày 16/1, Thư viện tỉnh Cà Mau tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.

Nơi ấy - Tôi trưởng thành

Thời gian trôi có bao giờ quay trở lại Chỉ có lòng người mới trở lại với thời gian.

Vườn hoa "Sinh viên 5 tốt"

Từ phong trào “Sinh viên 5 tốt” đã xuất hiện nhiều tấm gương sinh viên nữ sống đẹp, đạt thành tích xuất sắc trong học tập, sáng tạo, nghiên cứu khoa học, góp phần nâng cao giá trị của danh hiệu, hình thành lớp sinh viên (SV) có bản lĩnh, tri thức, sức khoẻ, khát vọng vươn lên, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng, chủ động và tự tin trong hội nhập quốc tế. Ðiển hình như các nữ SV tiêu biểu tại Trường Ðại học Bình Dương, Phân hiệu Cà Mau (Phân hiệu).

47 sinh viên đạt danh hiệu "Sinh viên 5 tốt"

Chiều ngày 8/1, Hội Sinh viên Việt Nam tỉnh Cà Mau tổ chức mít tinh kỷ niệm 75 năm ngày truyền thống học sinh, sinh viên và Hội Sinh viên Việt Nam, tuyên dương “Học sinh 3 tốt” cấp tỉnh, “Sinh viên 5 tốt” các cấp, năm học 2023-2024.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học

Nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập và quản lý giáo dục, Trường THCS thị trấn Trần Văn Thời, huyện Trần Văn Thời, chú trọng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT).

Người truyền cảm hứng

Tốt nghiệp THPT năm 2008, cậu học trò Nguyễn Quốc Toản đăng ký thi vào Trường Ðại học Sư phạm Cửu Long, chuyên ngành Công nghệ thông tin. Năm 2011, tốt nghiệp với tấm bằng loại giỏi, thầy được Phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện U Minh phân công giảng dạy tại Trường THCS Nguyễn Thái Bình, thị trấn U Minh. Ðến năm 2014, thầy chuyển về Trường THCS Lê Hồng Phong, xã Khánh Lâm, huyện U Minh cho đến nay.