“Nhiều lần tôi đến gặp vợ chồng ông Hoàng, yêu cầu thanh toán một phần tiền để tôi trả cho nhân công gặt lúa, nhưng ông Hoàng cứ hứa hẹn. Đầu tháng 11/2015, tôi đến vựa gạo thì thấy đóng cửa, người dân xung quanh cho hay, vợ ông Hoàng đã bỏ xứ ra đi vì nợ quá nhiều người mà không khả năng chi trả”, ông Dương Thành Phụng, ngụ ấp Kinh Hội, xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời, bức xúc.
“Nhiều lần tôi đến gặp vợ chồng ông Hoàng, yêu cầu thanh toán một phần tiền để tôi trả cho nhân công gặt lúa, nhưng ông Hoàng cứ hứa hẹn. Đầu tháng 11/2015, tôi đến vựa gạo thì thấy đóng cửa, người dân xung quanh cho hay, vợ ông Hoàng đã bỏ xứ ra đi vì nợ quá nhiều người mà không khả năng chi trả”, ông Dương Thành Phụng, ngụ ấp Kinh Hội, xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời, bức xúc.
Từ nhiều năm nay, ông Phụng đã bán lúa cho ông Nguyễn Văn Hoàng (chủ Vựa gạo Minh Hoàng, toạ lạc tại khóm 9, thị trấn Trần Văn Thời), với hình thức mua trước trả sau. Tháng 8 vừa qua, sau khi mua lúa của ông Phụng và nhiều hộ dân cùng ấp, với tổng số tiền nợ lại trên 230 triệu đồng, vợ chồng ông Hoàng âm thầm bỏ đi không nói lời nào, tài sản có giá trị trong nhà ông cũng chuyển đi hết.
Ông Phụng và các hộ dân ở ấp Kinh Hội trình bày vụ việc với phóng viên Báo Cà Mau. |
“Bởi đã làm ăn với nhau nhiều năm rồi nên chúng tôi mới tin tưởng ông Hoàng, nông dân chân chất đôi khi bị thua thiệt!", anh Võ Văn No, hộ dân bị ông Hoàng nợ tiền lúa gần 8 triệu đồng, tự trách.
Ông Dương Thành Phụng trình bày: “Sự việc xảy ra, tôi đại diện những hộ dân bị ông Hoàng giựt nợ, mang đơn đi khiếu nại nhiều nơi. Song, Công an xã Khánh Bình, Công an thị trấn Trần Văn Thời bảo vụ này phải trình báo với Công an huyện Trần Văn Thời. Tôi có đến Công an huyện Trần Văn Thời gởi đơn yêu cầu, nhưng Công an huyện không tiếp nhận đơn, kêu tôi qua toà án giải quyết vì đây là tranh chấp dân sự. Tuy nhiên, phía toà án lại đề nghị chúng tôi muốn khởi kiện thì phải cung cấp địa chỉ, chỗ ở mới của bị đơn. Kéo dài cho đến thời điểm này, đơn yêu cầu của chúng tôi chưa có nơi nào nhận giải quyết. Biết đến khi nào chúng tôi mới nhận được những đồng tiền chính đáng do công sức lao động của mình làm nên?”.
“Vụ việc nói trên, nếu các hộ nông dân đã có đơn yêu cầu xử lý và chứng minh được có giao dịch mua bán với ông Hoàng, cũng như hiện tại ông Hoàng không có mặt ở địa phương, thì Công an huyện phải tiếp nhận đơn để tìm hiểu nội tình và giải quyết theo chức năng quyền hạn” (Luật gia Nguyễn Thanh Hùng, Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh Cà Mau). |
Trao đổi với phóng viên, ông Thái Văn Phường, Phó Trưởng Công an xã Khánh Bình, cho biết: “Sau khi nhận được đơn yêu cầu của nhiều hộ dân ở ấp Kinh Hội, xã có xin ý kiến và định chuyển hồ sơ về trên, nhưng phía Công an huyện Trần Văn Thời không tiếp nhận vì đây là tranh chấp dân sự nên xã hướng dẫn cho người dân đến toà án yêu cầu giải quyết”.
Theo ông Giang Trung Kiên, Chánh án TAND huyện Trần Văn Thời, Bộ luật Tố tụng dân sự quy định, người khởi kiện phải cung cấp được địa chỉ thường trú của bị đơn hoặc nơi ở mới (nếu bị đơn không còn ở tại địa phương), lúc đó toà mới có cơ sở để mời đối tượng giải quyết vụ việc. Thực ra vụ việc tranh chấp nêu trên, TAND huyện chưa nhận được đơn yêu cầu trực tiếp từ các hộ dân ở ấp Kinh Hội, nhưng gần đây có nhiều người (chủ yếu là hộ kinh doanh mua bán ở khu vực chợ thị trấn) tìm đến toà để xin được tư vấn, hướng dẫn cách khởi kiện ông Nguyễn Văn Hoàng do liên quan đến giao dịch tiền bạc trong kinh doanh mua bán. Điều đó cho thấy, vụ việc này không đơn giản là giao dịch dân sự, nên Công an huyện cần phải nhập cuộc để xác minh làm rõ vấn đề./.
Bài và ảnh: Mã Phi