(CMO) Trợ giúp pháp lý (TGPL) có vai trò quan trọng trong hoạt động tố tụng, góp phần bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người có công, người nghèo và các đối tượng yếu thế trong xã hội. Qua đó, củng cố lòng tin Nhân dân vào pháp luật của Nhà nước.
Năm 2022, tiếp tục triển khai thực hiện Thông tư liên tịch số 10/2018 (Bộ Tư pháp - Bộ Công an - Bộ Quốc phòng - Bộ Tài chính - Toà án Nhân dân tối cao - Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao), quy định về phối hợp thực hiện TGPL trong hoạt động tố tụng; với kế hoạch chặt chẽ của Hội đồng Phối hợp liên ngành về TPGL trong hoạt động tố tụng của tỉnh, các thành viên trong hội đồng từ tỉnh đến địa phương thể hiện trách nhiệm trong công tác phối hợp thực hiện đã kịp thời cung cấp thông tin và dịch vụ TGPL đến người dân, đồng thời nâng cao chất lượng, số lượng vụ việc TGPL.
Hội đồng Phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng thành lập đoàn kiểm tra án thụ lý và giải quyết có sự tham gia của TGPL năm 2022, tại TAND huyện Cái Nước. |
Ông Nguyễn Anh Dũng, Trưởng phòng Kiểm sát giải quyết các vụ án, vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, thuộc Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) tỉnh, cho biết: “Với vai trò thành viên Hội đồng Phối hợp liên ngành của tỉnh về TGPL trong hoạt động tố tụng, VKSND tỉnh đã triển khai, chỉ đạo VKSND 2 cấp trong tỉnh nghiêm túc thực hiện công tác phối hợp, cũng như đẩy mạnh tuyên truyền chính sách TGPL qua việc lắp đặt bảng thông tin, hộp đựng các tờ gấp… tại trụ sở cơ quan. Ðồng thời, tích cực vận động, giới thiệu trực tiếp chính sách này cho các đối tượng được thụ hưởng. Bởi, hiệu quả trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người được TPGL là nhằm ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ở địa phương”.
Trong năm 2022, điểm nổi bật hoạt động liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng là việc ký kết phối hợp giữa Toà án Nhân dân (TAND) tỉnh và Sở Tư pháp, thống nhất xây dựng cơ chế trực tại toà, nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi cho TGVPL được tiếp cận hồ sơ, đối tượng ngay từ đầu, làm cơ sở vận động, giúp đỡ người được thụ hưởng TGPL cũng như bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho họ tại phiên toà.
Ông Trần Trọng Nhân, Phó chánh án TAND tỉnh, cho hay: "Trên cơ sở các văn bản nguồn, TAND tỉnh đã triển khai đến TAND 2 cấp trong tỉnh tổ chức thực hiện nghiêm túc. Hầu hết TAND cấp huyện đã bố trí phòng làm việc cho trợ giúp viên pháp lý (TGVPL) trực tại toà nên việc tiếp cận đối tượng, giải thích, hướng dẫn chính sách TGPL cũng như quyền và nghĩa vụ người được thụ hưởng TGPL cũng rõ ràng và nhanh chóng hơn. Quá trình thụ lý các vụ án, nhân viên toà án liên hệ, giới thiệu đương sự đến TGVPL và nghiêm túc thực hiện các thủ tục tố tụng, cấp giấy chứng nhận cho người tham gia bảo vệ quyền lợi cho đương sự tại toà án. Sự phối hợp nhịp nhàng giữa toà án và Trung TGPL Nhà nước tỉnh đã mang lại hiệu quả thiết thực trong công tác TGPL so với thời gian trước. Tuy nhiên, công tác phối hợp này còn mới mẻ nên có những hạn chế nhất định mà 2 đơn vị cần phải bàn bạc để đánh giá và thống nhất phân công trách nhiệm rõ ràng hơn”.
Theo ông Phạm Quốc Sử, Phó giám đốc Sở Tư pháp, để nâng cao hiệu quả công tác TGPL, Sở Tư pháp chỉ đạo Trung tâm TGPL Nhà nước quan tâm nhắc nhở các đơn vị trực thuộc phải tiếp cận đối tượng ngay từ khi các vụ việc phát sinh từ xã, phường, thị trấn… Trợ giúp viên pháp lý phụ trách địa bàn phải có trách nhiệm nắm thông tin, phối hợp với chính quyền địa phương thu thập đầy đủ thông tin đó và hướng dẫn, hỗ trợ cho đối tượng TGPL được thụ hưởng chính sách ngay từ đầu.
Bên cạnh đó, các cơ quan tiến hành tố tụng đã phối hợp thực hiện với trách nhiệm cao trong hoạt động TGPL. Nhất là những vụ việc liên quan đến tố tụng hình sự mà đối tượng cần TGPL, thì người thực hiện TGPL được tiếp cận ngay từ vụ việc mới phát sinh, trong giai đoạn điều tra… Kết quả mang lại là cơ quan điều tra, người hưởng thụ TGPL… được hỗ trợ tích cực. Mặt khác, VKSND, TAND các cấp và người thực hiện TGPL đã phối hợp với nhau khá nhịp nhàng để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người bị hại. Vì vậy, năm 2022, số lượng vụ việc tăng nhiều so với năm trước nhưng chất lượng vụ việc mà TGPL mang lại cho các đối tượng thụ hưởng đạt hiệu quả rất cao.
“Tuy nhiên, qua kiểm tra công tác phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng vào cuối năm, thấy rằng còn có nhóm đối tượng cần được TGPL đang bị bỏ sót. Cụ thể như người được đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh… mà thông qua các quyết định của toà án áp dụng biện pháp hành chính khác thì dường như TGVPL chưa được tham gia. Vấn đề này Hội đồng Phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng tỉnh sẽ chấn chỉnh trong thời gian tới”, ông Phạm Quốc Sử nhìn nhận./.
Mỹ Pha - Hữu Nghĩa