ĐT: 0939.923988
Chủ nhật, 6-7-25 15:23:47
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Nhịp sống ngày Covid-19

Báo Cà Mau (CMO) Anh nhân viên ở khu cách ly, kéo xe chở cơm xèng xèng giữa bình minh tĩnh lặng. Công việc mỗi ngày của anh cứ lặp lại: chuyển cơm, hướng dẫn người mới, nhắc nhở nội quy... Phía bên kia của bức tường rào ngăn cách là thành phố vắng lặng đến lạ, dường như nhường hẳn cho tiếng còi xe của lực lượng phòng, chống dịch.

Cà Mau những ngày đầu tháng 8, dù đã vào giữa mùa mưa nhưng lại “nóng” hơn bao giờ hết vì liên tục phát hiện ca mắc Covid-19; xuất hiện thêm nhiều khu cách ly y tế, khu phong toả. Liên tục những sự chỉ đạo khẩn trương triển khai thành lập thêm nhiều khu cách ly tập trung, bệnh viện dã chiến chủ động phòng, chống dịch Covid-19. Cùng thời gian này, tỉnh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ rồi liên tiếp “gia hạn”.

Nhân viên khu cách ly thông báo, nhắc nhở, hướng dẫn người đi cách ly thực hiện đúng quy định.

1. Nửa tháng hay 2 tuần đó chỉ là cách gọi. Việc đếm thời gian, tính ngày là lẽ đời thường. Nhưng sau những đợt ấn định khung thời gian giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19 thì cách tính ấy lại trở nên “thịnh”. Nhiều người còn đếm ngược ngày hết giãn cách; tính ngược thời gian trở về 0 giờ để chờ đợi thêm những quy định mới, những giải pháp mới. Cũng có người than vãn “Sao mà lâu thế?”, người thì nói “Mới đó đã mấy ngày!”...

Riêng nhóm phóng viên tác nghiệp từ khi dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4, vì đi vào tâm dịch phải thực hiện cách ly tập trung lại có cách cảm nhận khác. Với họ, ngoài nỗi lo diễn biến của dịch bệnh còn nỗi lo về an sinh, về trách nhiệm, về cuộc sống và cả nỗi lo về gia đình riêng khi thiếu vắng trụ cột dài ngày.

19 giờ ngày 15/8, xe của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh ghé tận nhà đón từng thành viên của nhóm để đưa đi cách ly tập trung. Người thì xách vội túm quần áo tuềnh toàng vì đang sống độc thân; anh thì khệ nệ ôm theo bao nhiêu sách, truyện; cũng không ít anh em mang theo cả dụng cụ tác nghiệp... Buổi đầu hôm càng tịch mịch khi cơn mưa cứ rỉ rả trên mái hiên nhà. Cái vẫy tay của con thơ, vòng tay của người vợ trẻ níu vai kịp cản lại những bước chân non lao về phía cổng và cả những cặp mắt đỏ hoe, những giọng nói nghẹn ngào không thốt nên lời. Tiếng còi xe vang lên, ánh đèn xanh đỏ cứ nhấp nháy; cánh cổng rào khép lại, tấm bảng đỏ đề dòng chữ “Hộ cách ly y tế” khuất dần trong màn đêm. Một cái hẹn vội, kịp trấn an: "14 ngày nữa cha về!".

Trước đó, khi nhận thông tin của địa phương báo: “Anh chuẩn bị tư trang để thực hiện cách ly tập trung 14 ngày ở khu X”. Cả ngôi nhà đang giòn giã tiếng cười ngày cuối tuần bỗng im bặt. Thằng Út mới lên 6 tuổi chưa kịp nhận ra chuyện gì, nó cứ thúc cha, mẹ bao bìa, dán nhãn cho xong mớ tập, sách thơm phức mùi giấy mới để chuẩn bị vào lớp 1. Nó cứ luýnh quýnh, xuýt xoa ướm thử chiếc cặp, rồi lần giở những trang sách mới lạ lẫm đầu đời. Trong khi chị gái chuẩn bị vào lớp 7 thì sụt sùi.

Cùng lúc đó, ông anh đồng nghiệp thường ngày lạc quan, “bô lô, giòn giã” không ai sánh kịp, nhưng khi nhận cuộc gọi của y tế phường, anh cố gắng lắm mới nói tròn được một câu với gia đình. Nước mắt cũng tự dưng nhỏ thành giọt, cổ họng cứ nghẹn lại, chuyện cần nói giờ không thể nói trơn tru.

2. Máy báo có tin email mới, con gái viết thư gửi cho cha trong những ngày cách ly: “Cha ơi, cha có biết không, hôm cha đi cách ly, con và em rất buồn. Nhìn lúc cha mặc bộ đồ bảo hộ, bước lên xe con cảm thấy thương cha quá".

...

Những ngày ở nhà, hai chị em con chơi rất nhiều trò chơi với nhau như: xây nhà chòi, sửa chữa căn phòng cũ thành ngôi nhà rất đẹp, đại chiến với những “chú Zombie” vô hình, tạo quán bán đồ… Con với em còn được ăn những món ngon từ “Nhà hàng của mẹ”.

Chưa đọc xong bức thư, con lại gọi hỏi: “Cha kịp về đưa con đi dự lễ khai giảng hông?”. Vậy là phải dành nhiều thời gian giải thích cho con hiểu: Năm nay vì dịch Covid-19 phức tạp nên quê mình đã quyết định dời ngày khai giảng năm học, dời thời gian nhập học, tất cả tập trung cho công tác phòng, chống dịch bệnh.

Chợt nhớ lại những mùa khai giảng đã qua của con, chưa năm nào mẹ cha đưa con và cùng dự. Con còn quá nhỏ để hiểu công việc đặc thù của nghề, mỗi mùa khai giảng hay sự kiện lớn, cha, mẹ vẫn phải đi làm, thậm chí công việc làm còn nhiều hơn ngày thường. Nhiều lần đã phải nhờ chú, nhờ ông đưa con đến lớp. Con khóc, nhưng không dám khóc thành tiếng, khiến nỗi lòng của phụ huynh cũng nghẹn ngào!

Nét chữ hồn nhiên trong thư gửi cha.

3. Mở Messenger “gặp” em gái với nick Hoa Hồng Trắng nhắn: “Em đã lên đường vào tâm dịch ở Ðồng Nai”. Tôi chợt nhận ra, em người gốc ở Cà Mau, làm việc ở một Bệnh viện Quân y của khu vực đồng bằng châu thổ. Sau lời hiệu triệu của dân tộc, em cùng đồng đội bước lên xe đi vào trận tuyến mới - Vùng đất đỏ miền Ðông. Hôm sau, Hoa Hồng Trắng lại nhắn: “Ở miền Ðông em gặp được chị bác sĩ làm việc ở bệnh viện tỉnh. Chị ấy cũng là người Cà Mau”.

Vậy là câu chuyện người Cà Mau xung phong ra tuyến đầu được bàn, tìm hiểu, trao đổi. Cách nay không lâu, Bộ đội Biên phòng tỉnh cũng đã nhiều lượt tăng cường nhân sự góp sức phòng, chống dịch tuyến biên giới Tây Nam. Cuối tháng 7, tỉnh vừa chi viện nhân lực ngành y vào trận tuyến ở Sài Gòn. Rồi bao lượt hàng hoá từ quê gói ghém chuyển lên thành phố hỗ trợ, động viên người lao động. Hơn thế nữa, chuyến xe đầy nghĩa tình đón thành công 94 người dân Cà Mau về quê từ tâm dịch. Tất cả đang hối hả.

Trở lại với câu chuyện vị nữ bác sĩ người Cà Mau mà Hoa Hồng Trắng hội ngộ giữa miền Ðông đất đỏ, lại thêm trân quý. Trước khi đón tiếp người đồng hương, chị từng có khoảng thời gian dài xung phong tiếp sức cùng Nhân dân tỉnh Bắc Giang chống dịch Covid-19. Dòng tin viết vội trong ca trực, chị nhắn: “Mình đã chọn nghề Y - nghề giành lại sự sống. Giờ, khi tính mạng người dân bị de doạ thì mình càng phải nỗ lực”.

Nhiều, rất nhiều người tôi quen và những người chưa quen đã và đang vào trận tuyến, thật trân quý biết bao. Mới sáng này thôi, Sang - thành viên của lực lượng kiểm soát tuyến Quản lộ Phụng Hiệp gởi tin nhắn kèm ảnh: “Em trút giá thành công rồi - sản phẩm đầu tay. Cọng nào cũng ú tròn anh ơi!”.

Sang - thanh niên lạc quan, em ấy kém tôi 6 tuổi; ngày em ra tuyến đầu trực kiểm soát chưa tiên đoán lại kéo dài đến thế. Gần 4 tháng ròng, em ấy cũng chỉ thăm nhà, thăm con thơ qua chat - video. Lần ghé chốt em đang công tác, em dắt ra phía vuông tôm của hộ dân bản địa mà khoe: “Mấy chú cho tụi em mượn khoảnh vuông để tăng gia. Em đã mua mùng lưới, thả mấy ký cá giống. Nó đang lớn mắc mê!”.

Lại cảm thán trước việc làm của người đồng nghiệp: “40 ngày bên bếp ăn 0 đồng”, giúp phát hàng ngàn suất cơm đến tận tay người dân có hoàn cảnh khó khăn. Và cảm thán những tình nguyện viên áo xanh cùng chị em ở Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Ðầm Dơi ngày ngày miệt mài lo chu đáo bữa cơm no lòng chiến sĩ làm nhiệm vụ chốt chặn, kiểm soát các tuyến giao thông và khu vực phong toả.

Dịch Covid-19 có thể chưa kết thúc ngay trong thời gian ngắn, nhưng những hành động đẹp, sự đồng lòng và niềm tin chính là động lực hun đúc thêm cho những bước chân cống hiến. Ðơn giản vì tất cả đang hướng đến mục tiêu chung: Chiến thắng dịch bệnh, đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới./.

 

Phong Phú

 

Nuôi cá bảy màu phòng bệnh sốt xuất huyết

Hằng năm, đến mùa mưa, muỗi vằn phát triển mạnh, nguy cơ dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) bùng phát cao. Những năm qua, ngành y tế Cà Mau đẩy mạnh các giải pháp phòng bệnh, trong đó, mô hình nuôi cá bảy màu diệt lăng quăng dễ thực hiện, mang lại hiệu quả cao.

Mối đe doạ thầm lặng với trẻ nhỏ

Hút thuốc lá không chỉ là thói quen có hại với chính người hút thuốc mà còn là nguyên nhân gây ra nhiều hệ luỵ nghiêm trọng cho những người xung quanh, đặc biệt là trẻ nhỏ.

Cà Mau tăng cường quản lý, phòng chống bệnh không lây nhiễm

Các bệnh không lây nhiễm như: tim mạch, đái tháo đường, ung thư, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản đang trở thành nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và gánh nặng y tế tại Việt Nam nói chung, tỉnh Cà Mau nói riêng. Cần có bước tiến trong công tác phòng chống bệnh không lây nhiễm để tạo nền tảng vững chắc hướng đến một cộng đồng khỏe mạnh và phát triển bền vững.

Tập huấn sử dụng phần mềm “Bác sĩ cho mọi nhà”

Sáng nay (30/6), Sở Y tế Cà Mau phối hợp Cục Quản lý Khám Chữa Bệnh, Trung tâm thông tin Y tế Quốc gia và Chương trình phát triển Liên hiệp quốc tại Việt Nam (UNDP) tổ chức tập huấn khám chữa bệnh từ xa, sử dụng phần mềm “Bác sĩ cho mọi nhà” dành cho cán bộ nòng cốt ngành y tế tỉnh Cà Mau. 

Viện Pasteur nâng cao năng lực xét nghiệm cho y tế tuyến tỉnh, huyện

Sáng 25/6, Viện Pasteur phối hợp cùng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau tổ chức khóa tập huấn “Đánh giá nội bộ về quản lý chất lượng xét nghiệm y học”.

Triển khai rộng rãi dịch vụ xét nghiệm HIV Online

Sau hơn 3 năm triển khai mô hình xét nghiệm HIV Online thông qua website: “tuxetnghiem.vn” tại tỉnh Cà Mau, cho thấy sự tiện ích rõ rệt từ mô hình này. Hiện nay, ngành y tế tăng cường các hoạt động truyền thông để đưa dịch vụ thực hiện rộng rãi trong cộng đồng.

Vì đôi mắt trẻ thơ

Với mong muốn mang lại ánh sáng và sự tự tin cho trẻ em hoàn cảnh khó khăn bị các bệnh về mắt, vừa qua, Bệnh viện Mắt - Da liễu tỉnh phối hợp cùng Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh, các chuyên gia đến từ TP Hồ Chí Minh và Quỹ Chăm sóc mắt Hà Lan (ECF) tổ chức đợt phẫu thuật mắt miễn phí cho hơn 60 trẻ dưới 15 tuổi mắc các bệnh lý lé mắt, sụp mi.

Tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch từ hút thuốc lá

Ngày càng có nhiều bằng chứng về mối liên quan giữa hút thuốc lá và bệnh tim mạch. Để phòng bệnh tim mạch, một trong những biện pháp đơn giản là không sử dụng thuốc lá và sống trong môi trường không khói thuốc lá.

Tận tâm vì sức khoẻ Nhân dân

Phát động phong trào thi đua yêu nước trong toàn ngành y tế, những năm qua, đội ngũ thầy thuốc trẻ tỉnh Cà Mau nỗ lực học tập, rèn luyện chuyên môn, nghiệp vụ và nâng cao y đức. Qua đó, đã có những tấm gương sáng, điển hình tiên tiến vì sức khoẻ của người dân.

Vì môi trường không khói thuốc

Trong khói thuốc có khoảng 7.000 chất hoá học, trong đó có 69 chất gây ung thư và là nguyên nhân gây ra 25 nhóm bệnh khác nhau, bao gồm 11 loại ung thư, các bệnh tim mạch, các bệnh về hô hấp và ảnh hưởng sức khoẻ sinh sản của cả nam và nữ giới. Ước tính cứ 2 người hút thuốc lá thì có 1 người sẽ chết sớm, trong đó 1/2 số ca tử vong xảy ra ở tuổi trung niên.