Buổi chiều ở quê êm ả và thanh bình, từng cơn gió nhẹ thổi phớt qua ngọn lúa trông như những làn sóng nhấp nhô. Mặt trời dần khuất dạng dưới rặng cây trâm bầu. Hoàng hôn bắt đầu buông xuống. Cũng mười năm rồi kể từ ngày ông mất, cứ mỗi chiều chiều tôi lại ra đồng ngắm hoàng hôn, trải lòng mình theo gió và nhớ về những ký ức tuổi thơ thật êm đềm khi có ông bên cạnh.
Buổi chiều ở quê êm ả và thanh bình, từng cơn gió nhẹ thổi phớt qua ngọn lúa trông như những làn sóng nhấp nhô. Mặt trời dần khuất dạng dưới rặng cây trâm bầu. Hoàng hôn bắt đầu buông xuống. Cũng mười năm rồi kể từ ngày ông mất, cứ mỗi chiều chiều tôi lại ra đồng ngắm hoàng hôn, trải lòng mình theo gió và nhớ về những ký ức tuổi thơ thật êm đềm khi có ông bên cạnh.
Từ nhỏ, tôi đã được ông nội hết mực cưng chiều, tôi thương ông lắm. Cứ như thói quen, hễ đi học về là tôi vứt ngay cặp sách, chạy ra cái võng ở gốc cây mù u ngoài vườn nằm cạnh ông nghe cải lương, tôi kể cho ông nghe mọi việc ở trường, kể về thành tích học tập của tôi, để rồi nhận được những lời khen của ông. Mỗi buổi chiều, ngày mưa cũng như ngày nắng, trên chiếc xuồng ba lá, ông cháu tôi cùng nhau đi đặt trúm, cắm câu, giăng lưới… Có hôm được nhiều lươn và cá, hôm chỉ có vài ba con cá sặt, đôi khi chẳng được gì. Mặc dù vậy, tôi thấy vui lắm. Những đứa trẻ ở vùng quê nghèo như chúng tôi, niềm vui chỉ đơn giản là như thế.
Ông thường hỏi tôi: “Lớn lên con sẽ làm nghề gì?”.
Minh hoạ: HOÀNG VŨ |
Tôi liền trả lời: “Dạ! Con sẽ trở thành một chiến sĩ công an. Con muốn giống như nội. Con muốn bảo vệ quê hương mình, bảo vệ mảnh đất mà nội và bao thế hệ đi trước đã đổ biết bao xương máu để gìn giữ. Con sẽ rất oai đúng không nội?”.
Một hôm, cũng như mọi ngày, tôi cùng đi học về với nhỏ bạn thân tên Huyền cùng xóm. Bọn tôi đang cùng nhau cười nói vui vẻ thì nhỏ Thi cùng lớp đi phía sau buông lời khiêu khích: “Huyền! Sao mầy lại đi chung với con nhỏ nhà nghèo đó? Chơi với tao đi, tao cho mầy nhiều đồ chơi đẹp lắm”.
Huyền im lặng. Tôi nén giận trả lời: “Ừ thì nhà tao nghèo, nhưng tao là người tốt nên Huyền mới chơi với tao”.
Tôi vừa dứt lời, nó sấn tới, túm lấy áo tôi: “Mầy vừa nói gì hả con nhỏ nhà nghèo đáng ghét kia?”.
Lấy lại bình tĩnh, tôi hất nó ra, nhưng hơi quá tay nên làm nó té lăn xuống vũng nước trên đường. Rồi mặc cho nó ngồi đó khóc lóc, tôi nắm tay Huyền đi về.
Về tới nhà, vừa ăn cơm xong thì phía trước nhà tôi có tiếng chó sủa. Tôi và ông nội chạy ra thì thấy bé Thi cùng mẹ nó đang đứng trước nhà. Quần áo nó lấm lem bùn đất. Mẹ nó lên tiếng: “Chú coi cháu chú đó. Nó xô con tui té ra nông nổi này nè”.
Ông quay sang hỏi tôi: “Con xô bạn hả?”. “Dạ, con… con lỡ tay” - tôi ngập ngừng đáp.
Mẹ nhỏ Thi lại gào lên: “Học sinh gì mà lại có hành vi vô đạo đức như vậy? Chú xử sao coi được đi chứ?”.
Tức quá, tôi cũng rống lên: “Sao cô không hỏi lại con cô đi, nó đã làm gì con, sao cô lại đổ hết lỗi lên đầu con chứ?”.
Chưa dứt lời thì… “bốp”, đầu óc tôi choáng váng. Ông nội đã đánh tôi sao? Ðây là lần đầu tiên ông đánh tôi mà lại… vì con nhỏ đó. Nó mới là người có lỗi mà ông lại không thèm nghe tôi giải thích một lời.
Rồi ông quát lớn: “Ði vô nhà ngay!”.
Tôi thấy cổ họng mình nghẹn lại, sống mũi cay xè, mặt nóng lên, nước mắt tôi bắt đầu rơi lã chã. Tôi chạy một mạch ra cái võng ngoài gốc mù u ngồi khóc, mặc cho ông tôi trong nhà giải quyết mọi chuyện. Rồi từ đó tới chiều tôi không thèm nói chuyện với bất cứ ai.
Chiều hôm đó, cũng như thường lệ, khi móc mồi câu xong, ông gọi tôi: “Ði cắm câu với nội nè con”. Tôi không thèm trả lời. Ông lại nói: “Tổ cha mầy! Con giận nội hả?”.
Bất giác, tôi nói vọng ra: “Ông nội là ông nội ghẻ! Nội có thương gì con đâu. Con không đi cắm với nội nữa đâu”.
Thấy vậy, cha tôi nói: “Thôi ba đi cắm đi kẻo tối, trời sắp mưa rồi. Con nhỏ này cứng đầu cứng cổ lắm”. Ông tôi lắc đầu buồn bã đi xuống xuồng. Tôi lén nhìn dáng ông qua vách nhà mà lòng nặng trĩu.
Trời càng lúc càng tối, mưa trút xuống ầm ầm, sốt ruột, cha tôi cùng mấy chú hàng xóm đốt đèn ba khía lội bộ ra ruộng. Một lát sau, tiếng người la người hét vang lên ngoài bìa ruộng, linh tính có chuyện chẳng lành, tôi đội mưa chạy ra, nhìn thấy ông tôi toàn thân ướt sũng, nằm bất động trên xuồng. Tôi lặng người đi, chân tay bủn rủn, không nói nên lời.
Căn bệnh tai biến quái ác đã mang ông đi khi tôi chưa kịp nói với ông lời xin lỗi. Ông lặng lẽ ra đi, giữa màn đêm đầy mưa dông lạnh lẽo, trên chiếc xuồng chất chứa đầy kỷ niệm giữa tôi và ông, trên cánh đồng quê hương mà cả cuộc đời ông gắn bó.
Phải chi tôi không hờn dỗi ông lúc đó, cùng đi với ông như mọi khi thì biết đâu chuyện đáng tiếc này sẽ không xảy ra, ông tôi sẽ không phải một mình ra đi trong sự cô đơn, lạnh lẽo và tôi cũng sẽ không phải mang niềm đau thương, tiếc nuối cho đến tận bây giờ./.
Ngọc Cầm