Năm học 2014-2015 là năm đầu tiên các điểm trường tiểu học trên địa bàn tỉnh Cà Mau thực hiện đánh giá chất lượng học sinh theo Thông tư 30 của Bộ Giáo dục - Đào tạo. Theo nhiều giáo viên, phụ huynh, việc đánh giá bằng nhận xét sẽ góp phần giảm áp lực học tập cho học sinh. Thế nhưng, kết thúc học kỳ 1, vẫn còn những băn khoăn chung quanh việc thực hiện những quy định này.
Năm học 2014-2015 là năm đầu tiên các điểm trường tiểu học trên địa bàn tỉnh Cà Mau thực hiện đánh giá chất lượng học sinh theo Thông tư 30 của Bộ Giáo dục - Đào tạo. Theo nhiều giáo viên, phụ huynh, việc đánh giá bằng nhận xét sẽ góp phần giảm áp lực học tập cho học sinh. Thế nhưng, kết thúc học kỳ 1, vẫn còn những băn khoăn chung quanh việc thực hiện những quy định này.
Ưu điểm
Thông tư 30 nhằm giúp giáo viên điều chỉnh, đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức hoạt động dạy học, hoạt động trải nghiệm ngay trong quá trình và kết thúc mỗi giai đoạn dạy học. Bên cạnh đó, kịp thời phát hiện những cố gắng, tiến bộ của học sinh để động viên, khích lệ và phát hiện những hạn chế của học sinh để hướng dẫn, giúp đỡ trong quá trình học tập, rèn luyện của các em.
Để thực hiện hiệu quả Thông tư 30, rất cần sự phối hợp đồng bộ giữa giáo viên, gia đình và nhà trường. |
Theo cô Hồ Huỳnh Phương Mai, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phan Ngọc Hiển (TP Cà Mau), việc thay đổi cách đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 30 có nhiều ưu điểm. Trước đây, giáo viên dùng điểm số để đánh giá, gây không ít áp lực cho cả học sinh và phụ huynh. Có điểm, khi nhìn vào sổ các em dễ hài lòng và điểm số dễ gây áp lực cho cả học sinh có lực học thấp. Giờ đây, đánh giá thường xuyên bằng nhận xét không chỉ nhằm vào kết quả mà còn động viên, khuyến khích học sinh phát huy hết khả năng. Ngoài ra, trong quá trình học còn chú trọng đến việc học sinh tự đánh giá lẫn nhau, cha mẹ học sinh cũng tham gia đánh giá. Với cách làm này sẽ góp phần làm tăng sự gắn kết giữa gia đình với nhà trường trong giáo dục học sinh.
“Ðây còn là một bước tiến quan trọng trong việc kiểm tra, đánh giá chất lượng học sinh. Việc nhận xét sự tiến bộ, thành công trong học tập của học sinh sẽ mang lại niềm vui cho các em. Mặt khác, khi đánh giá bằng nhận xét có lời phê và biện pháp hỗ trợ sẽ giúp phụ huynh hiểu, học sinh biết được những hạn chế để có biện pháp khắc phục. Bên cạnh đó, chúng ta không thể so sánh em này với em khác vì điều kiện học tập hay khả năng tiếp thu của các em”, cô Hồ Huỳnh Phương Mai cho biết thêm.
Ðối với các khối lớp 1, 2, 3, cuối học kỳ I và cả năm sẽ có điểm thi 3 môn (Toán, Tiếng Việt và Anh văn); lớp 4, 5 thì có 5 môn (Toán, Tiếng Việt, Anh văn, Khoa học, Lịch sử hoặc Ðịa lý). Giáo viên sẽ có trách nhiệm kiểm tra thường xuyên để kiểm chứng mức độ học tập của học sinh qua phẩm chất, năng lực để đánh giá đạt, không đạt, hoàn thành hay chưa hoàn thành. Trong quá trình kiểm chứng, giáo viên có lời phê cộng với biện pháp hỗ trợ để phụ huynh và học sinh nắm bắt được kết quả học tập.
“Kiểm tra thường xuyên, cộng với điểm số thi các môn học kỳ I, chất lượng học tập của học sinh năm học 2014-2015 của Trường Tiểu học Phan Ngọc Hiển vẫn tương đương với học kỳ I của năm học trước”, cô Hồ Huỳnh Phương Mai thông tin.
Vướng mắc
Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm vẫn còn không ít những băn khoăn, lo lắng của cả giáo viên và phụ huynh khi thực hiện Thông tư 30. Ðó là làm thế nào để đánh giá chính xác, không áp lực nhưng vẫn phải bảo đảm khuyến khích được học sinh vươn lên trong học tập.
Thầy Lê Thanh Tịnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Thới 1 (xã Trần Thới, huyện Cái Nước), cho biết, với học sinh khá, giỏi, không điểm số học sinh có thể không hứng thú. Các em có học lực trung bình sẽ thấy nhẹ nhàng, giảm áp lực. Tuy nhiên, hằng ngày, hằng tháng phải nhận xét một lượng lớn học sinh sẽ dẫn đến tình trạng giáo viên lặp lại những câu nhận xét, đánh giá chung chung.
Trong khi giáo viên băn khoăn về cách thức thực hiện thì phụ huynh có những lo lắng riêng. Một phụ huynh có con đang học ở Trường Tiểu học Phan Ngọc Hiển (TP Cà Mau) cho hay: “Từ trước đến nay, chúng tôi theo dõi việc học tập hằng ngày của con qua điểm số. Nay chuyển sang nhận xét, chúng tôi khó biết chính xác thực lực học tập của con mình đến đâu, yếu kém môn nào nếu giáo viên chỉ nhận xét học sinh một cách chung chung là hoàn thành hay không hoàn thành. Bên cạnh đó, việc không có điểm số cũng dễ khiến các cháu mất đi hứng thú trong học tập”.
Trên thực tế, đa số học sinh và không ít phụ huynh vẫn thích con em mình được đánh giá việc học qua điểm số. Chị Nguyễn Cẩm Nhung có con đang học Trường Tiểu học phường 9 (TP Cà Mau) lo ngại, theo Thông tư 30, trách nhiệm đánh giá dồn phần lớn cho giáo viên trực tiếp giảng dạy. Ngày nào giáo viên cũng phải ghi nhận xét cho từng em, nếu thực hiện chu đáo thì mất khá nhiều thời gian và sẽ là áp lực đối với giáo viên. Bởi vậy, rất dễ xuất hiện tình trạng giáo viên sẽ đánh giá chung chung, không thúc đẩy được sự cố gắng vươn lên của học sinh.
Dẫu còn những lo lắng, băn khoăn sau 1 học kỳ tiếp nhận và thực hiện đổi mới, nhưng với mục tiêu tăng cường kết nối giữa nhà trường, gia đình và xã hội, hy vọng rằng Thông tư 30 sẽ tạo khâu đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết số 29 của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khoá XI./.
Bài và ảnh: Thanh Phương