Bên cạnh chú trọng việc dạy các môn văn hoá, Trường Tiểu học 3 Khánh Bình (xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời) còn quan tâm đầu tư các giờ học năng khiếu. Qua đó, không chỉ giúp học sinh phát triển toàn diện, mà còn từng bước nâng cao chất lượng giáo dục, tạo môi trường học tập thuận lợi cho người học.
Không gò bó về không gian học tập, để học sinh tự do sáng tạo trong các giờ học Mỹ thuật, thay vì học trên lớp, các em có thể trải nghiệm vẽ ngoài trời, thực hành thủ công tạo những mô hình học tập mới mẻ.
Không chỉ là vẽ và tô màu ở các tiết học mỹ thuật nhiều mô hình học tập sáng tạo được các em khéo léo tạo thành.
Cô Nguyễn Thị Ni, giáo viên môn Mỹ thuật, chia sẻ: “Ðối với những tiết học về chủ đề tự chọn, giáo viên sẽ gợi ý những đề tài gần gũi trong cuộc sống, trường, lớp để học sinh thoả sức sáng tạo theo sở trường cá nhân. Ngoài ra, việc làm mới không gian học tập cũng tạo sự thích thú nhất định trong giờ học, giúp người học mở rộng thế giới quan, nâng cao cảm thụ thẩm mỹ qua góc nhìn rộng, đa chiều, bồi đắp thêm tình yêu cho môn học”.
Với những gam màu thú vị, dù chỉ là môn học về năng khiếu nhưng ngay ở bậc tiểu học, giáo viên từng bước định hình cho học sinh xây dựng bố cục khi vẽ, cách phối màu sao cho ấn tượng, làm nổi bật chủ đề cần thể hiện, phù hợp với lứa tuổi và khối lớp. Mặt khác, cũng thông qua vẽ tranh, các em có thể gửi gắm ước mơ về tương lai, nghề nghiệp yêu thích, bày tỏ tâm tư, tình cảm...
Học sinh thích thú với tiết học vẽ tranh chủ đề tự do ngoài trời.
Em Nguyễn Thảo Trang, học sinh lớp 3, cho biết: “Em rất thích các tiết học Mỹ thuật vì được vẽ tranh bằng nhiều chất liệu khác nhau, tự do sáng tạo theo ý mình ở những chủ đề tự do, vẽ tranh thiên nhiên. Ðồng thời, chúng em cũng tận dụng những kỹ năng mà cô đã dạy để làm quà tặng rất ý nghĩa”.
Ðể khuyến khích, phát triển năng khiếu hội hoạ trong lứa tuổi học sinh, trường phát động nhiều cuộc thi vẽ tranh đa dạng về chủ đề như: ý tưởng trẻ thơ, hội thi vẽ tranh đề tài chú bộ đội, giao lưu vẽ tranh... Thông qua đó, không chỉ tạo sân chơi bổ ích mà còn là điểm sáng trong phong trào dạy và học mỹ thuật, tìm kiếm và bồi dưỡng những tài năng mỹ thuật trẻ, ươm mầm những hạt nhân tham gia thử sức các cuộc thi về hội hoạ dành cho học sinh.
Ðạt chuẩn quốc gia từ năm 2016, để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, ngoài việc cập nhật, đổi mới chương trình, phương pháp dạy và học thì cơ sở vật chất tại Trường Tiểu học 3 Khánh Bình cũng được trang bị theo thời gian.
Ông Ðồng Mạnh Thắng, Hiệu trưởng nhà trường, thông tin: “Hiện nay, cơ sở vật chất tại trường cơ bản đáp ứng nhu cầu dạy và học. Về bộ môn năng khiếu như Âm nhạc, Mỹ thuật, nhà trường dành riêng phòng để làm phòng năng khiếu, trong đó trang bị các dụng cụ, thiết bị cần thiết như giá vẽ, màu, nhạc cụ, đặc biệt năm học 2022-2023, trường đầu tư đàn Organ phục vụ cho tiết học Âm nhạc. Việc nâng chất về đồ dùng học tập, thiết bị mục đích lớn nhất là để bổ trợ cho các môn học thêm hiệu quả, trực quan và sinh động hơn, từ đó tạo sự hứng thú cho người học”.
Với bộ môn âm nhạc, việc trang bị các nhạc cụ dạy kèm sẽ giúp người học dễ dàng bắt nhịp bài hát mới, tạo tiết tấu sinh động (Trong ảnh: thầy Lê VănTúc hướng dẫn bài hát mới với nhạc cụ song loan và thanh phách).
Công tác và gắn bó với bộ môn Âm nhạc 15 năm qua, thầy Lê Văn Túc, Tổ trưởng Tổ bộ môn năng khiếu, chia sẻ: “So với trước, cơ sở vật chất tại trường khang trang hơn. Với bộ môn Âm nhạc, học sinh hứng thú hơn khi được thực hành, vận dụng trải nghiệm thực tế, ngoài sách giáo khoa thì khi có sự bổ trợ của các nhạc cụ dạy học giúp tiết học trở nên sôi nổi, tạo tiết tấu giúp học sinh bắt nhịp nhanh chóng. Không chỉ là môn học giúp học sinh thư giãn, với âm nhạc, còn một số kỹ năng thiết yếu cho các em như tự tin thể hiện trước đám đông, hoạt ngôn và chủ động tương tác trong tiết học. Ðặc biệt, trong những hội thi văn nghệ cấp trường, văn hoá văn nghệ tại địa phương, các em mạnh dạn, sôi nổi tạo được môi trường giáo dục lành mạnh, rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn và thành thị”.
“Mỗi tuần 1 tiết học nhạc, em rất trông chờ vì có thể biết thêm các nốt nhạc, bài hát mới. Ðặc biệt, được học cùng nhạc cụ giúp em mau thuộc bài, dễ ghi nhớ. Mong rằng sắp tới, trường sẽ có thêm thật nhiều nhạc cụ để học sinh được thực hành nhiều hơn”, em Nguyễn Trang Nhã Vy, lớp 5, hào hứng.
Không thể phủ nhận những lợi ích từ bộ môn năng khiếu mang lại là rất cần thiết tại mỗi điểm trường, không chỉ gầy dựng được phong trào thi đua sôi nổi tại trường, địa phương mà trường học còn là bước đệm đầu tiên giúp học sinh tiếp cận và khơi dậy niềm đam mê, năng khiếu của mỗi người, từng bước bồi dưỡng, định hướng được nghề nghiệp tương lai./.
Ngô Nhi