Hơn 2 năm nay, ngày nào cũng vậy, từ sáng tới chiều tối, chị Nguyễn Thị Bình, ấp Kinh 17, xã Tam Giang, huyện Năm Căn, chăm sóc gần 1.000 m2 rau sạch. Kế hoạch trồng rau kết hợp nuôi cá trê, gà, vịt cũng là “kế hoạch phát sinh” do hơn 0,2 ha đất vuông nuôi tôm gặp tình trạng thất thu kéo dài, khiến gia đình chị lao đao.
Hơn 2 năm nay, ngày nào cũng vậy, từ sáng tới chiều tối, chị Nguyễn Thị Bình, ấp Kinh 17, xã Tam Giang, chăm sóc gần 1.000 m2 rau sạch. Kế hoạch trồng rau kết hợp nuôi cá trê, gà, vịt cũng là “kế hoạch phát sinh” do hơn 0,2 ha đất vuông nuôi tôm gặp tình trạng thất thu kéo dài, khiến gia đình chị lao đao.
Suy đi, tính lại, không lùi bước trước khó khăn, năm 2014 chị quyết định cải tạo đất trống xung quanh nhà lên liếp trồng rau sạch. Ngoài ra, chị còn mở rộng mô hình bằng cách đào 2 ao nuôi cá, cất thêm chòi nuôi gà, vịt lấy trứng.
Chị Nguyễn Thị Bình, ấp Kinh 17, xã Tam Giang, huyện Năm Căn bên mô hình đa canh của mình. |
Chị Bình chia sẻ, gần 20 năm sinh sống trên quê hương Tam Giang, cái nghèo đeo bám. Chỉ có ít đất nuôi tôm và dựa vào nó thì cũng không biết bao giờ mới ổn đinh được. Mạnh dạn chuyển đổi sang mô hình vườn - ao - chuồng nên cuộc sống gia đình ổn định và thu nhập năm sau cao hơn năm trước. Ngoài cải thiện bữa ăn trong gia đình, vừa góp phần tăng thêm thu nhập. Chị ước tính, trừ các khoản chi phí hạt giống, con giống, mỗi tháng nguồn thu từ rau sạch trên 6 triệu đồng, cùng với lượng trứng gà, vịt thêm 1 triệu đồng.
Ban đầu thực hiện mô hình gặp không ít khó khăn, thiếu kinh nghiệm trong việc chăm sóc rau, nhất là khi trồng nhiều loại, năng suất không cao, chỉ vừa đủ bán cho vài mối hàng ở chợ xã. Với tính cần cù, chịu khó làm ăn, nay nguồn rau nhà chị cung cấp ổn định cho chợ xã và bà con xung quanh ấp.
Dù công việc gia đình chiếm gần hết thời gian của chị Bình, nhưng sự gắn kết chị em hội phụ nữ ấp, chị tham gia đều đặn các cuộc hội họp của hội. Theo chị Bình, trước đây do con còn nhỏ, kinh tế khó khăn, chưa có dịp để tham gia công tác phụ nữ. Gần đây chị tham gia sinh hoạt hội với mong muốn mở mang kiến thức, gặp gỡ chị em để bản thân được chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm trong công tác hội cũng như kinh nghiệm sản xuất, chăn nuôi để cùng nhau phát triển, cuộc sống gia đình hạnh phúc hơn. Bản thân phấn đấu để trở thành “người phụ nữ hai giỏi”.
Chị Lưu Ngọc Châu, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Tam Giang, cho biết: “Khi phong trào “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” được phát động ở các chi hội, tổ hội của xã, chị Bình là người đầu tiên đăng ký làm theo. Hiện nay, dù cuộc sống ổn định, nhưng vợ chồng chị Bình luôn động viên nhau cố gắng làm ăn, phát triển kinh tế gia đình và tạo điều kiện cho nhiều chị em phụ nữ ấp khó khăn hơn mình”.
Chị Nguyễn Thị Nga là hội viên phụ nữ Khóm 3, thị trấn Năm Căn, ăn nên làm ra từ nghề làm bánh cam. Bén duyên với nghề làm bánh hơn 10 năm, đã giúp gia đình chị có được căn nhà tươm tất, con cái có nghề nghiệp ổn định.
Trong căn nhà nhỏ, đầy đủ tiện nghi nằm gọn trong con hẻm nhỏ ở Khóm 3, thị trấn Năm Căn, chị Nga niềm nở đón chúng tôi với nụ cười tươi rói. Hàng xóm gọi chị với cái tên thân mật “Nga bánh cam”. Tiếng tăm không chỉ ở xóm mà ra ngoài chợ mọi người ai cũng biết chị làm bánh cam có thể ngon nhất vùng.
Chị Nguyễn Thị Nga chia sẻ: “Ban đầu làm bánh với số lượng rất ít, chỉ bán được ở xóm. Làm riết rồi thấy người ta ăn khen ngon rồi làm nhiều hơn. Nhưng cũng sợ bán không được ở ngoài chợ vì nhiều người cùng bán”.
Năm 2013, được Hội LHPN hỗ trợ nguồn vốn vay 10 triệu ban đầu, chị sử dụng hết đầu tư dụng cụ chiên bánh và một phần làm vốn. Cộng với kinh nghiệm đã có, chị phát triển nghề cho đến nay. Theo chị Nga, muốn làm bánh ngon phải tự mua gạo xay thành bột, rồi đem ủ qua đêm. Nhân bánh hoà cùng nhiều thứ như đậu xanh, củ sắn, thịt băm, tôm, hột vịt, khâu bắt bột và chiên bánh phải thật đều và nhanh tay, cái bánh làm ra mới giòn, thơm.
Ðó là những thứ mà chỉ có tình yêu nghề, đặc biệt là chị Nga đã vượt qua những lúc khó khăn nhất trong cuộc sống để phát triển kinh tế gia đình. Hiện nay, gia đình chị làm bánh giao lại cho mối chứ không đi bán lẻ nữa. Mỗi ngày, chị Nga chuẩn bị số lượng bột, nhân để chiên đủ 700 cái bánh mới đủ giao. Ðể đảm bảo số lượng, cả gia đình 4 người chiên từ 3 giờ khuya đến 6 giờ hôm sau.
Như vậy, mỗi tháng trừ đi các khoản chi phí, thu nhập gia đình trên 10 triệu đồng. Ðó là khoản thu nhập khá cao so với nhiều gia đình hội viên phụ nữ trong huyện.
Chị Hồ Chúc Linh, Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Năm Căn, cho biết: "Bánh cam do chị Nga làm mọi thứ đều do chị tự làm, không mua bột bán từ chợ, cách pha nhân bánh rất khéo, đó cũng là bí quyết riêng của chị Nga có được sau hàng chục năm gắn bó với nghề. Sự cần mẫn, chịu thương chịu khó của chị thật đáng trân trọng và là tấm gương điển hình trong hội viên phụ nữ nghèo vượt khó”.
"Phát triển kinh tế gia đình từ chăn nuôi và trồng trọt, buôn bán nhỏ đã và đang là hướng đi đúng đắn và mang lại hiệu quả kinh tế cao đối với hội viên phụ nữ huyện Năm Căn. Thông qua mô hình này, hàng trăm hội viên phụ nữ trong toàn huyện đã tự mình vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng. Chắc chắn, tổ chức hội phụ nữ sẽ có thêm nhiều hơn nữa những cá nhân, tập thể tiêu biểu trong các phong trào phụ nữ ở địa phương trong nhiệm kỳ sắp tới", chị Huỳnh Ngọc Thắm, Chủ tịch Hội LHPN huyện Năm Căn, cho biết./.
Bài và ảnh: Quỳnh Như