(CMO) Hằng năm mỗi khi đến ngày 27/7- Ngày Thương binh - Liệt sĩ chúng ta không thể nào quên 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ vĩ đại của dân tộc Việt Nam.
Trên mảnh đất Cà Mau huyền thoại, lịch sử đã khắc ghi những tên các anh hùng: Phan Ngọc Hiển cùng các chiến sĩ Khởi nghĩa Hòn Khoai năm 1940; Lý Văn Lâm, Nguyễn Việt Khái, Dương Thị Cẩm Vân, Hồ Thị Kỷ… Họ là những anh hùng của dân tộc, của quê hương Cà Mau, mảnh đất giàu truyền thống cách mạng với những chiến công vang dội lẫy lừng.
Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tỉnh Cà Mau- Một tượng đài bất khuất có chân đài hình tròn, đài cao vút là nén nhang cách điệu luôn rực cháy tỏa hương thơm trên mộ, sưởi ấm tâm hồn các anh hùng liệt sĩ; vòng tròn hoa cách điệu như đang ôm ấp tình cảm thiêng liêng của bạn bè, đồng chí, đồng đội và toàn thể người thân. Lá cờ Tổ quốc cùng với dòng chữ “Tổ quốc ghi công” là sự ghi nhận của Nhân dân đời đời biết ơn các anh hùng, liệt sĩ.
Tượng đài Khởi nghĩa Hòn Khoai tại huyện Năm Căn ghi công Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân, Liệt sĩ, Nhà giáo, Nhà báo Phan Ngọc Hiển cùng các chiến sĩ Khởi nghĩa Hòn Khoai năm 1940.
Tượng đài “Bất khuất” tưởng niệm 74 liệt sĩ hy sinh năm Mậu Thân (1968), nơi các anh đã hóa thân thành tượng đài bất tử.
Cùng với các anh, các chiến sĩ bộ đội, du kích và Nhân dân Cà Mau đã làm nên những cuộc đánh oanh liệt như: Trận đánh tàu trên sông Tam Giang, trận Tết Mậu thân 1968, Trận đánh Chi khu Đầm Dơi – Cái Nước – Chà Là, trận đánh tàu trên sông Cái Tàu… Cùng với đó là những thảm họa mà bọn giặc Mỹ đã gây ra cho biết bao chiến sĩ và người dân Cà Mau vô tội: Một Biệt khu Hải Yến Bình Hưng (Phú Tân), trận thảm sát 60 người dân vô tội kênh Dớn Hàng Gòn, và nhiều tội ác dã man khác của bọn giặc.
Tượng đài Nữ kiện tướng chiến hào, Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân Dương Thị Cẩm Vân – Người đã liên tục 6 tháng liền bám chiến hào, bao vây địch ở Chi khu Đầm Dơi, Cà Mau (1969).
Tượng đài Chi khu Cái Nước tại thị trấn Cái Nước, nơi Tiểu đoàn 306, bộ đội chủ lực Khu cùng địa phương quân 2 huyện Cái Nước, Ngọc Hiển và du kích 4 xã xung quanh. Các đơn vị T70, T80 (đơn vị pháo phòng không) của Quân khu, Tiểu đoàn pháo cao xạ, bộ đội đặc công được giao nhiệm vụ tiêu diệt Chi khu Cái Nước và huy động hàng trăm dân công phục vụ chiến đấu. Ngày 10/9/1963, các mũi tấn công của Tiểu đoàn 306 đồng loạt nổ súng, sau 1 giờ chiến đấu, cơ bản ta diệt xong dinh quận, tiếp đó diệt các đồn bót quanh Chi khu. Hỗ trợ cho quần chúng nổi dậy phá ấp chiến lược tại thị trấn Cái Nước. Đây là một công trình có ý nghĩa giáo dục truyền thống, tưởng niệm chiến sĩ đã hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Bia Di tích lịch sử cấp tỉnh trận đánh tàu trên sông Tam Giang: Con sông nổi tiếng của Năm Căn đã đi vào huyền thoại - Nơi chôn xác hàng trăm tàu Mỹ thời kháng chiến của Đội du kích Kênh 17, được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân vào ngày 30/1/2011.
Chiến tranh đã lùi vào quá khứ, những tượng đài tạc dạ ghi công ơn các anh hùng, liệt sĩ; những tấm bia căm thù, khắc ghi những tội ác mà bọn giặc đã gieo rắc cho Nhân dân ta;...Đó vừa là một bài học, lời nhắc nhỡ cho các thế hệ mai sau; vừa như một tượng đài bất tử trong lòng dân Cà Mau.
Tuyến đường huyền thoại Hồ Chí Minh trên biển là tuyến đường vận chuyển vũ khí từ Miền Bắc chi diện cho chiến trường Miền Nam được hình thành với các bến bãi trải dài từ Bắc vào Nam, điểm đầu là Bến K15, Tp. Hải Phòng và điểm cuối là bến Vàm Lũng Cà Mau. Tượng đài di tích lịch sử Bến Vàm Lũng gắn với sự kiện ra đời của đơn vị Quân đội mang phiên hiệu “Ðoàn 962” (thành lập năm1962) với nhiệm vụ bảo vệ an toàn cho các chuyến tàu vào - ra bến bãi, bí mật tiếp nhận, cất giấu vũ khí và vận chuyển vũ khí đến các đơn vị quân giải phóng phục vụ chiến đấu. Ðoàn 962, sau này là Trung đoàn 962 đã 2 lần được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân”.
Bia căm thù Biệt khu Hải Yến- Bình Hưng thuộc ấp Thanh Đạm, xã Tân Hải, huyện Phú Tân. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của Bảo tàng tỉnh Cà Mau, bọn Bình Hưng - Hải Yến của bọn Mỹ - Diệm đã thảm sát, giết hại 1.675 cán bộ và đồng bào từ năm 1957. Biệt khu Hải Yến - Bình Hưng được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận Di tích lịch sử - Văn hóa cấp Quốc gia ngày 24/11/2000.
Trong kháng chiến, vùng đất Dớn Hàng Gòn (Ấp 3, xã Khánh Lâm, huyện U Minh) từng phải hứng chịu biết bao đau thương. Trận B52 "rải thảm" đã khiến trên 60 người dân vô tội thiệt mạng. Trong những ngày tháng 7 này đã trở thành những câu chuyện nhắc nhở con cháu về những mất mát to lớn do chiến tranh gây ra để ra sức lao động, sản xuất, chung tay xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Nhân kỷ niệm 74 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, Báo Cà Mau xin giới thiệu những tượng đài, bia mộ như một lời tri ân đến những người đã nằm xuống vì một Cà Mau tươi đẹp, trường tồn./.
Huỳnh Lâm