Ngày nay, Ðảng ta đã xác định “Giáo dục là quốc sách”. Vị thế, vị trí người thầy được coi là nhân vật trung tâm của quốc sách ấy. Ðặc biệt, trong khi chúng ta đang hướng đến nền kinh tế tri thức, muốn phát triển công nghệ mới, làm chủ công nghệ cao không có cách nào khác là phải tăng cường đầu tư phát triển nguồn nhân lực. Ðể thực hiện được điều đó, nhất thiết phải đẩy mạnh sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Người thầy lại càng có vị trí đặc biệt quan trọng trong quá trình thực thi sự nghiệp đó.
Ngày nay, Ðảng ta đã xác định “Giáo dục là quốc sách”. Vị thế, vị trí người thầy được coi là nhân vật trung tâm của quốc sách ấy. Ðặc biệt, trong khi chúng ta đang hướng đến nền kinh tế tri thức, muốn phát triển công nghệ mới, làm chủ công nghệ cao không có cách nào khác là phải tăng cường đầu tư phát triển nguồn nhân lực. Ðể thực hiện được điều đó, nhất thiết phải đẩy mạnh sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Người thầy lại càng có vị trí đặc biệt quan trọng trong quá trình thực thi sự nghiệp đó.
Sinh thời, Cố Thủ tướng Phạm Văn Ðồng đã nói: “Nghề dạy học là nghề cao quý bậc nhất trong các nghề cao quý. Nghề dạy học là một nghề sáng tạo vào bậc nhất trong các nghề sáng tạo, vì nó sáng tạo ra những con người sáng tạo”. Nhân dân tôn vinh, gọi người thầy giáo là “Kỹ sư tâm hồn''. Bởi, dạy học không chỉ dạy chữ mà cao hơn là dạy cho học trò đạo lý làm người. Ðối tượng lao động của người thầy là nhân cách, tâm hồn và thể chất con người nói chung và của thế hệ trẻ nói riêng. Lao động của người thầy đòi hỏi phải hết sức nghiêm túc, đặc biệt phải có cái tâm trong sáng, để tạo dựng nên nhân cách con người đáp ứng ngày càng cao yêu cầu của sự nghiệp xây dựng xã hội mới.
Giáo viên Trường THCS Lương Thế Vinh hướng dẫn cách tự học và đọc sách ở thư viện. Ảnh: B.THANH |
Trong cảm xúc của những ngày đầu năm học mới, chúng ta hãy cùng nghe Giáo sư Nguyễn Văn Lê dẫn lời một nhà tư tưởng nói về nghề dạy học: ''Nếu người thợ kim hoàn làm hỏng một đồ vàng bạc thì anh ta có thể đem ra nấu lại. Nếu một viên ngọc quý bị hư thì có thể phá bỏ. Làm hư một con người là một tội lớn, một lỗi lầm lớn không thể nào chuộc được''. Ðảng và Nhân dân tự hào về một đội ngũ đông đảo những người thầy giáo, cô giáo yêu nghề, có lý tưởng cao cả, luôn luôn làm việc với tinh thần “Tất cả vì học sinh thân yêu''.
Họ đã có mặt trên khắp mọi vùng miền đất nước, không quản khó khăn, nhọc nhằn; họ đã và đang vượt qua gian khổ, thiếu thốn, cống hiến tài năng, tâm trí và sức lực cho sự nghiệp đào tạo những lớp con người “vừa hồng, vừa chuyên'' đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ đất nước. Những đóng góp và hy sinh to lớn của các thế hệ nhà giáo cho sự nghiệp giáo dục là một trong những yếu tố quan trọng làm nên một nền giáo dục Nhân dân, một nền giáo dục cách mạng, niềm tự hào của cách mạng Việt Nam.
Trong thời kỳ đất nước hội nhập, vai trò của giáo dục và đào tạo lại càng to lớn. Sứ mệnh của giáo dục và đào tạo là tạo ra nguồn nhân lực phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững; và mặt khác, sứ mệnh cao cả nữa là góp phần quan trọng hình thành nhân cách con người có lòng yêu nước, có tinh thần tự hào với truyền thống văn hoá và truyền thống cách mạng của dân tộc.
Tuy nhiên, để hướng đến mục đích đó, đòi hỏi mỗi thầy giáo, cô giáo phải thực sự gương mẫu, là tấm gương sáng về nhân cách, về tri thức để học sinh học tập và noi theo. Xin mượn lời nhắn nhủ của Giáo sư Nguyễn Thiện Nhân khi ông còn là Phó Thủ tướng, kiêm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Ðào tạo để gửi đến những người thầy: ''Mong các nhà giáo phát huy niềm tự hào về vị trí nghề nghiệp cao cả của mình, vừa cống hiến tốt nhất cho xã hội; đồng thời đóng góp trí tuệ của mình cho việc tiếp tục đổi mới nhanh, mạnh mẽ của hệ thống giáo dục nước nhà và nhà trường của chính mình, làm cho ngành giáo dục phát triển xứng đáng với niềm mong mỏi của Nhân dân, của Ðảng, Nhà nước và cũng là mong mỏi của chính các thầy, cô giáo''./.
Bùi Quang Viễn