(CMO) Năm 2021, nhất là từ cuối tháng 4 đến hết năm là khoảng thời gian đan xen nỗ lực duy trì phát triển kinh tế, phòng chống dịch bệnh của toàn đảng, toàn quân và dân tỉnh Cà Mau.
Trước những khó khăn, thách thức đó, dưới sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, kịp thời, đúng hướng của các cấp uỷ, chính quyền, cùng với sự đồng tình, ủng hộ, chia sẻ, tham gia tích cực của các tầng lớp Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, tỉnh Cà Mau đạt được những kết quả quan trọng, hạn chế tối đa thiệt hại do dịch bệnh gây ra.
Trung tâm TP Cà Mau. Ảnh: Trần Ngọc Lâm |
Duy trì, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội
Tuy chịu tác động bất lợi của đại dịch Covid-19, nhưng kinh tế của tỉnh (GRDP) vẫn tăng trưởng dương, ước tăng 0,92% so cùng kỳ năm 2020 (6 tháng đầu năm tăng 1,52%). Lĩnh vực chế biến tôm và sản xuất phân bón là điểm sáng của ngành công nghiệp tỉnh Cà Mau. Sản lượng tôm chế biến vượt 11,8% kế hoạch; sản lượng đạm tăng 1,7% so với cùng kỳ. Nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế với tốc độ tăng trưởng toàn ngành đạt 3,9%.
Lĩnh vực thương mại điện tử tiếp tục có bước phát triển tốt, chỉ số thương mại điện tử tăng 7 bậc so với năm 2020, xếp hạng 47 trong cả nước. Mặt khác, các doanh nghiệp đã tận dụng tốt lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do đã được ký kết như: CPTPP, EVFTA, RCEP, UKVFTA... để đa dạng hoá thị trường, thúc đẩy hoạt động xuất khẩu. Kim ngạch xuất khẩu năm 2021 đạt 1.100 triệu USD, bằng 100% kế hoạch, tăng 8,5% so với cùng kỳ.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội của tỉnh đạt 18.873 tỷ đồng, tăng 13% so với năm trước. Đây là một trong những điểm nhấn nổi bật trong các chỉ tiêu phát triển năm, đồng thời phản ánh kết quả khả quan của công tác cải cách hành chính, đơn giản thủ tục, thu hút đầu tư. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI tăng 2 bậc, xếp hạng 43 cả nước. Trong năm, đã thu hút được 32 dự án đầu tư mới với tổng vốn hơn 9.000 tỷ đồng.
Công tác quản lý, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông được tập trung thực hiện; xây dựng hoàn thành và khởi công xây dựng mới một số công trình trọng điểm: dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 63 đoạn qua nội ô TP Cà Mau, tuyến đường trục chính Đông - Tây đoạn Đầm Dơi - Tân Thuận, phong trào xây dựng lộ nông thôn được người dân tích cực hưởng ứng…
Kết quả thực hiện các dự án phát triển năng lượng tái tạo trong điều kiện giãn cách xã hội của năm 2021 đã tạo dấu ấn quan trọng, là tiền đề để phát triển bứt phá cho những năm tiếp theo. Đến nay, tỉnh có 12 dự án năng lượng tái tạo (điện gió) với tổng công suất 700 MW, 9 dự án năng lượng mặt trời với tổng công suất 2.846 MW. Trong đó, đã vận hành thương mại 3 dự án với tổng công suất 100 MW.
Các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, chăm lo đời sống người có công, đối tượng chính sách, bảo trợ xã hội, giảm nghèo được đẩy mạnh; an sinh xã hội, hỗ trợ người dân, người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh được triển khai tích cực, hiệu quả. Theo đánh giá của Bộ LĐ-TB&XH, Cà Mau là một trong những tỉnh triển khai thực hiện tốt việc hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP. Cải cách hành chính tiếp tục được đẩy mạnh. Chỉ số liên quan đến công tác cải cách hành chính của tỉnh được công bố trong năm 2021 đều được cải thiện, xếp hạng 41 (tăng 8 bậc); chỉ số quản trị và hành chính công (PAPI) xếp hạng 31 (tăng 9 bậc).
Trọng tâm phát triển năm 2022
Năm 2022 là năm có ý nghĩa rất quan trọng, tạo nền tảng thực hiện mục tiêu nghị quyết đại hội các cấp và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021- 2025 của tỉnh. Dự báo bên cạnh những thuận lợi cơ bản, còn nhiều khó khăn, thách thức đan xen. Trước bối cảnh trên, tỉnh Cà Mau sẽ tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có những nội dung chủ yếu:
Thứ nhất, về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19: Tiếp tục hoàn thiện các kịch bản, phương án chủ động ứng phó với dịch NỖ LỰC DUY TRÌ VÀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ TRONG ĐẠI DỊCH Covid-19. Thay đổi cách thức tổ chức xét nghiệm, cách ly và áp dụng các biện pháp chống dịch phù hợp diễn biến dịch bệnh; tích cực triển khai các giải pháp hậu cần, đảm bảo cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ công tác điều trị với phương châm “điều trị từ xa, từ sớm, ngay từ cơ sở, góp phần giảm ca F0 chuyển nặng và giảm tử vong”.
Xây dựng kế hoạch, phương án và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai tiêm bổ sung cho trẻ từ 3-11 tuổi phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu phòng, chống dịch của địa phương.
Củng cố và phát triển mạng lưới y tế dự phòng, đủ năng lực dự báo, giám sát, phát hiện sớm, khống chế kịp thời, hiệu quả dịch bệnh, nhất là ở cấp cơ sở. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các đề án bệnh viện vệ tinh. Tiếp tục đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, xây dựng đội ngũ nhân viên y tế cả về số lượng và chất lượng.
Thứ hai, tiếp tục thực hiện hiệu quả 3 đột phá chiến lược. Một là, huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiệu quả, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế. Chủ động phối hợp với các bộ, ngành có liên quan sớm triển khai các dự án giao thông trọng điểm, quan trọng như: tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, tuyến đường ven biển, dự án đầu tư tuyến tránh Quốc lộ 1 qua TP Cà Mau.
Triển khai các dự án xây dựng kết nối vùng, kết nối các trung tâm kinh tế, đô thị, các khu, điểm du lịch của tỉnh như: cầu Sông Đốc, cầu Gành Hào, tuyến đường trục Đông - Tây, tuyến đường kết nối khu vực đầm Thị Tường...; đầu tư hạ tầng Khu Công nghiệp Hoà Trung, Khu Công nghiệp Sông Đốc; đẩy nhanh tiến độ các dự án điện gió và chuẩn bị các điều kiện để triển khai các dự án điện khí NLG
Tập trung đầu tư phát triển rõ nét các đô thị động lực: TP Cà Mau, thị trấn Sông Đốc, thị trấn Năm Căn; đồng thời quy hoạch, đầu tư, xây dựng các đô thị ven biển và các đô thị loại V.
Hai là, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Triển khai thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2021-2030. Cải thiện thứ hạng đối với Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), Chỉ số cải cách hành chính (PAR-index).
Ba là, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực gắn với phát triển khoa học, công nghệ, ứng dụng công nghệ số. Đa dạng hoá loại hình đào tạo nghề; nâng cao chất lượng, hiệu quả dạy nghề gắn với tạo việc làm, chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đào tạo nghề trình độ cao, công nhân kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu lao động của tỉnh.
Thứ ba, tiếp tục tái cơ cấu lại kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và thích ứng của nền kinh tế. Tập trung công tác lập và triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế so sánh, lợi thế cạnh tranh đặc thù, riêng biệt của tỉnh Cà Mau. Đổi mới hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị thông qua phát triển kinh tế trang trại, hợp tác xã; xây dựng nông thôn mới theo hướng gắn với quá trình đô thị hoá.
Phát triển công nghiệp tập trung vào những ngành tỉnh có thế mạnh, như chế biến nông, lâm nghiệp và thuỷ sản. Đa dạng hoá sản phẩm chế biến, tăng tỷ trọng chế biến sâu, chế biến tinh, chế biến công nghệ cao. Tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, gắn trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp với tinh thần “lợi ích hài hoà - rủi ro chia sẻ”.
Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm chủ lực của tỉnh, sản phẩm OCOP... Nâng cao năng lực hội nhập của doanh nghiệp, tận dụng tối đa các ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do để đẩy mạnh xuất khẩu.
Thứ tư, chú trọng phát triển các lĩnh vực văn hoá, xã hội, đảm bảo đời sống Nhân dân. Triển khai thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội và Chương trình Mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021- 2025; tạo cơ hội cho người nghèo tiếp cận các chính sách trợ giúp. Triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2030.
Thứ năm, tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển mạnh mẽ khoa học - công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi số và bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội. Chủ động chuẩn bị các phương án dạy học phù hợp với diễn biến tình hình dịch bệnh, đảm bảo chất lượng công tác dạy và học trong điều kiện dịch bệnh. Tiếp tục rà soát quy hoạch xây dựng mạng lưới trường học phù hợp với từng địa bàn, điều chỉnh quy mô các trường phù hợp với khả năng quản lý; duy trì và nâng cao chất lượng trường học đạt chuẩn quốc gia
Đẩy nhanh tiến độ xây dựng chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số, khẩn trương hoàn thiện và triển khai Dự án Trung tâm điều hành dịch vụ đô thị thông minh, cung cấp dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp tới mọi người, mọi lúc, mọi nơi.
Vượt qua nhiều khó khăn của năm 2021, thay mặt Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, xin chia sẻ với người dân tỉnh nhà về những mất mát, tổn thất, nhất là những gia đình mất người thân do dịch Covid-19. Ghi nhận và cảm ơn những nỗ lực, đóng góp của các tầng lớp Nhân dân, sự tích cực tham gia của các lực lượng tuyến đầu.
Dự báo về thuận lợi và khó khăn trong năm mới vừa vạch ra những thời cơ, nhưng kèm với đó là thách thức không nhỏ. Song, với tinh thần càng khó khăn càng quyết tâm cao, cùng sự chung sức, đồng lòng, đoàn kết, thống nhất của các cấp uỷ, chính quyền, Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, tin rằng Cà Mau sẽ tiếp tục hướng về phía trước, vươn ra biển lớn và thu hoạch nhiều thành quả hơn nữa.
Mùa xuân mới đang về trong niềm phấn khởi, kính chúc toàn thể đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, doanh nhân, những người con quê hương Cà Mau trên mọi miền Tổ quốc và ở nước ngoài năm mới mạnh khoẻ, hạnh phúc, an khang, thịnh vượng!
Huỳnh Quốc Việt, Uỷ viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh