(CMO) Sau 10 năm nỗ lực xây dựng NTM, xã Tạ An Khương Đông (huyện Đầm Dơi) đã đạt 15/19 tiêu chí.
Trước đây xã Tạ An Khương Đông có tỷ lệ hộ nghèo rất cao do đời sống người dân chỉ phụ thuộc vào độc canh con tôm, nhưng vì nhiều lý do như giá cả bấp bênh, dịch bệnh... nên hiệu quả chưa cao. Nhằm cải thiện thu nhập và nâng cao chất lượng đời sống người dân, chính quyền địa phương xã Tạ An Khương Đông luôn hướng bà con đến những mô hình kinh tế mới, đa dạng cây trồng, vật nuôi để có đầu ra ổn định hơn.
Giảm nghèo phải bền vững
Phó chủ tịch UBND xã Tạ An Khương Đông Lê Minh Còn cho biết, hàng năm xã đều tranh thủ các nguồn quỹ hỗ trợ từ các đề án sản xuất để nông dân cũng như hộ nghèo được tiếp cận vốn triển khai các mô hình như nuôi dê, bò, heo, dế thái… Từ đó, nhiều hộ cải thiện thu nhập, vươn lên thoát nghèo.
Mô hình nuôi dế thái của Bí thư Xã đoàn Tạ An Khương Đông Trương Văn Đệ tuy mới nhưng hiệu quả rất cao. |
Điển hình là hộ anh Nguyễn Hoàng Quân (ấp Gành Hào) với mô hình nuôi bò cho thu nhập trên 100 triệu đồng mỗi năm, từ hộ cận nghèo vươn lên ổn định kinh tế, thoát nghèo bền vững.
Gia đình anh Quân trước đây thuộc diện vô cùng khó khăn vì không có đất sản xuất. Năm 2017, anh được vay 30 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân, cộng với tiền dành dụm của gia đình, anh mua 4 con bò giống nuôi khép kín. Nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật từ các lớp tập huấn và kinh nghiệm từ sách báo hay các mô hình thực tế mà đàn bò nhà anh sau hơn 2 năm nuôi đã sinh sản nâng số lượng lên 8 con. Đầu năm nay anh bán 4 con với giá 180 ngàn đồng/kg, được thương lái vào tận nhà mua, trừ hết chi phí anh thu về lợi nhuận gần 150 triệu đồng. Từ hộ khó khăn, gia đình anh đã vươn lên thoát nghèo bền vững.
Theo anh Quân, nuôi bò không khó nhưng phải chăm cắt cỏ để cung cấp đủ nguồn thức ăn. Bò sợ bị côn trùng cắn nên phải nuôi khép kín, đảm bảo chuồng trại luôn thông thoáng, sạch sẽ. “Tôi ít vốn nên không cần đợi tới lứa hay tới tháng mới bán mà khi nào thấy được giá, có lãi là bán để xoay đồng vốn trang trải đời sống gia đình, tiếp tục đầu tư”, anh Quân chia sẻ.
Để làm gương cho người dân trong việc phát triển kinh tế, xây dựng NTM, chính quyền xã Tạ An Khương Đông còn mạnh dạn đầu tư các mô hình kinh tế tuy mới mẻ nhưng hiệu quả đáng kể. Điển hình như Bí thư Xã đoàn Tạ An Khương Đông Trương Văn Đệ (ngụ ấp Gành Hào) với mô hình nuôi dế thái, vốn đầu tư ít nhưng mang lại lợi nhuận rất cao.
Năm bắt được thị trường tiêu thụ ổn định của dế thái khi có thể dùng làm thức ăn cho vật nuôi (gà, vịt, chim cút…), năm 2018, được tham quan mô hình cụ thể ở tỉnh Bạc Liêu, anh Đệ về xây dựng 9 chuồng nuôi dế. Anh cho biết: “Dế rất dễ nuôi nhưng phải giữ vệ sinh chuồng thì dế mới sinh trưởng tốt. Nguồn thức ăn chủ yếu là lá cây các loại”.
Sau 1 tháng nuôi, anh bắt đầu bán dế. Với 9 chuồng nuôi, mỗi tháng anh cung cấp ra thị trường trên 4 kg dế, với giá bán 100 ngàn đồng/kg, thu nhập khoảng 4 triệu đồng. Ngoài ra, anh còn tận dụng dế làm nguồn thức ăn chăn nuôi gà, vịt… Mô hình nuôi dế của anh Đệ được đánh giá mang lại hiệu quả cao, sắp tới sẽ được nhân rộng đến nhiều hộ dân trong xã.
“Tiêu chí hộ nghèo là một trong những tiêu chí xã thực hiện tốt nhất. Hiện xã chỉ còn 2,17% hộ nghèo, 2,59% hộ cận nghèo. Chúng tôi luôn đặt ra mục tiêu giảm nghèo phải bền vững, giảm mang tính chất lượng, giảm rồi là không tái nghèo”, ông Còn chia sẻ.
Cần nguồn vốn đầu tư
Ngoài tiêu chí hộ nghèo, khó khăn lớn nhất của xã Tạ An Khương Đông là nguồn vốn đầu tư chưa đủ để hoàn thành những tiêu chí còn lại, đặc biệt là tiêu chí lộ nông thôn. Vì xây dựng đã lâu, nhiều tuyến lộ xuống cấp, hư hỏng nhưng lại không có nguồn vốn nâng cấp, điển hình là tuyến lộ về UBND xã đã sụp lún, gây nguy hiểm cho người và phương tiện qua lại.
Địa bàn xã quá rộng nên lộ nông thôn không bao phủ hết các xóm, ấp, hiện tại xã chỉ bê tông hoá được 39/80 km, đạt 48%. Để đảm bảo đường ngõ, xóm, nhánh không lầy lội vào mùa mưa, xã cần nguồn vốn đầu tư trên 17 tỷ đồng để xây dựng các tuyến lộ đan.
Về tiêu chí cơ sở vật chất văn hoá, xã đã có quỹ đất với diện tích 4 ngàn mét vuông nhưng chưa có nguồn vốn xây dựng Trung tâm Văn hoá - Thể thao của xã với nguồn vốn dự kiến 3,5 tỷ đồng.
Ông Lê Minh Còn cho biết: “Dù còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là về vốn đầu tư, nhưng với tâm thế không trông chờ, ỷ lại từ nguồn vốn của cấp trên, chúng tôi tập trung làm tốt công tác tuyên truyền đến người dân, để mỗi công dân đều ý thức xây dựng NTM. Tiếp tục tập trung các giải pháp cụ thể để giữ vững và nâng chất các tiêu chí đã đạt, đồng thời hoàn thiện các tiêu chí còn lại. Mục tiêu phấn đấu của xã Tạ An Khương Đông đến hết năm 2021 sẽ đạt chuẩn NTM”./.
Phương Thảo