Việc sáp nhập các điểm lẻ ở bậc tiểu học để từ đó đầu tư tập trung cho sự nghiệp giáo dục là xu thế tất yếu. Tuy nhiên, vẫn có những điểm lẻ bắt buộc phải duy trì do nhu cầu bức xúc của thực tế. Vấn đề nằm ở chỗ, hầu hết các điểm lẻ được đầu tư ít, cơ sở vật chất luôn trong tình trạng không đảm bảo, chưa kể một số nơi đã xuống cấp trầm trọng và khó có thể tiếp tục hoạt động.
Việc sáp nhập các điểm lẻ ở bậc tiểu học để từ đó đầu tư tập trung cho sự nghiệp giáo dục là xu thế tất yếu. Tuy nhiên, vẫn có những điểm lẻ bắt buộc phải duy trì do nhu cầu bức xúc của thực tế. Vấn đề nằm ở chỗ, hầu hết các điểm lẻ được đầu tư ít, cơ sở vật chất luôn trong tình trạng không đảm bảo, chưa kể một số nơi đã xuống cấp trầm trọng và khó có thể tiếp tục hoạt động.
Ghé thăm Trường Tiểu học 5 Khánh Bình Ðông, huyện Trần Văn Thời, những trăn trở của thầy và trò nơi đây cho thấy thực trạng đáng buồn của những điểm lẻ. Ông Nguyễn Hoàng Ðịnh, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết, trường có 2 điểm lẻ, trong đó điểm Thăm Trơi được xây dựng từ năm 2003 đến nay đã xuống cấp trầm trọng, không biết sử dụng được bao lâu nữa. Thầy trò và phụ huynh nơi đây đang rất lo lắng.
Hoang tàn điểm lẻ
Trần Văn Thời là huyện có quy mô giáo dục lớn của tỉnh Cà Mau, kèm theo đó là “hệ thống” điểm lẻ bậc tiểu học thuộc tốp đầu. Trong đợt khảo sát cách đây chưa lâu, ông Võ Quốc Thống, Phó Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời, thông tin: “Có nhiều trường đạt chuẩn đã quá xuống cấp, cá biệt có trường không thể tiếp tục sử dụng vì có thể sập bất cứ lúc nào”.
Tình cảnh cơ sở vật chất thiếu thốn, xuống cấp khiến thầy trò, phụ huynh điểm Thăm Trơi, Tiểu học 5 Khánh Bình Ðông hết sức lo lắng. |
Các điểm lẻ thuộc diện “xuống cấp của xuống cấp”, vì theo cách nói nôm na, điểm lẻ là “con riêng” ít được đầu tư, quan tâm so với điểm chính. Mô hình điểm lẻ từng là giải pháp hiệu quả của giáo dục ÐBSCL, nhưng cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, điểm lẻ dần được sáp nhập, những nơi còn tồn tại thì trong hoàn cảnh xuống cấp, thiếu thốn. Không ai nói cũng hiểu, giáo viên ở điểm lẻ cũng “tủi thân” so với đồng nghiệp ở điểm chính.
Tại Trường Tiểu học 5 Khánh Bình Ðông, điểm chính và 2 điểm lẻ nằm rải trên 3 ấp: Thăm Trơi B, Ấp 7 và Thăm Trơi. Toàn trường có 284 học sinh, thì điểm lẻ Thăm Trơi có tới trên 100 học sinh. Ông Ðịnh cho biết thêm: “Ðiểm Ấp 7 đã có lộ trình sáp nhập với điểm chính, riêng điểm Thăm Trơi phải duy trì do nhu cầu thực tế rất lớn. Tại đây có 3 phòng học, 7 giáo viên phụ trách”.
Cả giáo viên, phụ huynh và học sinh ở điểm này những năm học qua phải chịu cảnh thiếu thốn, vất vả trăm bề. “Mùa nắng còn đỡ, mùa mưa thì các em không có sân chơi, bãi tập. Tất cả hoạt động đều ở trong 3 phòng chật hẹp”, ông Ðịnh chia sẻ. Do được đầu tư lâu, suất đầu tư nhỏ, nên điểm Thăm Trơi xuống cấp nghiêm trọng.
Trước năm học mới, do tường nứt, trụ cột cốt sắt lộ ra, bê-tông không còn kết dính, nền sụt lún nên trường phải sửa chữa nhỏ mới dám khai giảng. Thế nhưng, theo nhận định của ông Ðịnh, nếu năm sau không được đầu tư xây mới thì không thể tiếp tục giảng dạy. Bởi lẽ, do kết cấu bê-tông và lõi sắt đều hư hỏng nên có đầu tư sửa chữa cũng không hiệu quả, vả lại kinh phí cũng sẽ rất lớn.
Ðến thăm ngôi trường này vào đợt mưa dai dẳng, tình cảnh quả thật rất đáng buồn. Ðường vô trường thì lót tạm bằng gạch, đal bể, sân bãi thì ngập ngụa sình lầy. Giờ ra chơi của học sinh và giáo viên chỉ quẩn quanh trong mấy phòng học nhỏ. Cũng chỉ với 3 phòng học này, 1 lớp học ghép của mầm non được tổ chức với điều kiện thiếu thốn.
Những ước ao bình dị
Thầy Cao Quốc Niên, trụ lại với điểm lẻ Thăm Trơi hơn 10 năm, ao ước: “Phải chi có cái sân cho học sinh vui chơi, học tập. Ở đây mùa mưa lớp có khi bị ngập tới mí nền. Nhiều khi thầy cô, học sinh tới lớp mà mình mẩy sình bùn không hà”.
Thầy Niên cũng cho biết: “Trường xuống cấp do sử dụng lâu, đồ dùng giảng dạy cũng thiếu, phụ huynh hỏi han hoài, mà tôi đâu biết trả lời sao cho họ yên lòng”. Ðiểm Thăm Trơi cách trục lộ chính Cà Mau - Trần Văn Thời chỉ khoảng vài trăm mét, thế nhưng điều kiện cơ sở vật chất và không khí học tập nơi đây gợi nhớ đến những ngôi trường… cách đây khoảng chục năm ở vùng lõi khó khăn của nông thôn Cà Mau.
Cô giáo Lê Ngọc Huệ, người địa phương, gắn bó với điểm lẻ này 8 năm, cũng rất hy vọng: “Ở đây bà con hỏi hoài chuyện đầu tư, nâng cấp điểm lẻ Thăm Trơi. Bởi tới giờ mà học sinh còn cảnh lội sình bùn, không có sân bãi, thiếu thốn đồ dùng học tập. Nhiều phụ huynh so sánh này nọ, giáo viên chúng tôi cũng rất buồn”.
Học sinh điểm Thăm Trơi vẫn vui đùa hồn nhiên trên “hàng ba” nhỏ xíu của ngôi trường. Nhiều em nghịch ngợm hơn thì lội lõm bõm xuống nền sân ngập nước sình. Tới giờ thể dục, cả lớp ngồi tại chỗ, thầy trên bục giảng, các em ở dưới thực hiện các động tác. Thầy Niên nói vui: “Học sinh ở đây chỉ học thực sự trong mấy tháng mùa khô mà thôi”.
Ngoài trời cơn mưa thêm nặng hạt, nhìn khoảng sân ngập nước, nhìn điểm trường lẻ xuống cấp, thiếu thốn mọi bề, vị Hiệu trưởng lại trăn trở: “Nếu không có giải pháp, hổng biết năm học sau điểm lẻ này ra sao nữa…”./.
Bài và ảnh: Quốc Rin