(CMO) Theo diễn thế tự nhiên, hệ sinh thái vùng đất cực Nam Tổ quốc đi từ ngọt - lợ đến mặn, trải dài từ Ðông sang Tây, tạo nên nét đặc thù riêng biệt, kéo theo tính đa dạng sinh học phong phú vào loại bậc nhất.
Cà Mau là một trong những địa phương hiếm hoi của đất nước cùng lúc sở hữu 2 vườn quốc gia; khu dự trữ sinh quyển thế giới kéo dài từ lợ sang mặn, Khu Ramsar thế giới; trở thành vùng đất giàu tiềm năng, đa dạng về hệ sinh thái và có sự giao thoa, cộng hưởng để phát triển.
Tận dụng lợi thế, phát huy nét đặc trưng từ sức hút hệ sinh thái tự nhiên, vị trí địa lý, Cà Mau ra sức bảo tồn và nâng tầm để phát triển du lịch, đưa kinh tế - xã hội địa phương ngày càng phát triển.
“Mắm trước, đước sau, tràm theo sát” là tiến trình hình thành nên vùng đất cuối cùng phương Nam từ phù sa lấn biển.
Có ý nghĩa và giá trị to lớn trên nhiều phương diện, rừng tại Vườn Quốc gia U Minh Hạ được bảo vệ nghiêm ngặt, từ đó hệ động thực vật dưới tán rừng nguyên sinh thêm đa dạng, phong phú.
Từ vùng rừng, qua quá trình khai phá, cải tạo, đất mặn, phèn chua đã trở thành “đất ngọt” để canh tác lúa.
Xa dần về phía biển, hệ sinh thái ngập mặn với đa dạng sinh học, đặc hữu là cây đước, cây mắm, cùng sinh tồn là những đàn cò trắng tạo nên bức tranh thiên nhiên sinh động, đa sắc màu.
Không chỉ được bảo vệ nghiêm ngặt, những cánh rừng nguyên sinh thuộc Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau còn được lồng ghép phát triển du lịch sinh thái, phục vụ nghiên cứu khoa học.
Vùng ven biển với bãi bồi phù sa lắng tụ, rừng sinh sôi lấn biển và thiên nhiên kỳ thú.
Trần Nguyên thực hiện