Trong những năm gần đây, số lượng học sinh về thị trấn Ðầm Dơi để học tập ngày càng tăng cao khiến nhu cầu chỗ trọ cũng tăng theo, các khu nhà trọ cho học sinh mọc lên như nấm. Ðiều đáng quan tâm là chính sự gia tăng này đã phát sinh nhiều hạn chế, bất cập. Với đặc điểm chung của các khu nhà trọ dành cho học sinh là những phòng trọ được thiết kế, xây dựng từng dãy, diện tích mỗi phòng khá nhỏ hẹp nhưng số lượng người ở rất đông.
Trong những năm gần đây, số lượng học sinh về thị trấn Ðầm Dơi để học tập ngày càng tăng cao khiến nhu cầu chỗ trọ cũng tăng theo, các khu nhà trọ cho học sinh mọc lên như nấm. Ðiều đáng quan tâm là chính sự gia tăng này đã phát sinh nhiều hạn chế, bất cập. Với đặc điểm chung của các khu nhà trọ dành cho học sinh là những phòng trọ được thiết kế, xây dựng từng dãy, diện tích mỗi phòng khá nhỏ hẹp nhưng số lượng người ở rất đông.
Căn phòng trọ diện tích chưa đầy 15 m2, tại khóm 5, thị trấn Ðầm Dơi là nơi tá túc của Nguyễn Thanh Nam, học sinh Trường THPT Thái Thanh Hoà cùng 2 người bạn học cùng trường trong suốt hơn 1 năm nay. Qua quan sát, căn phòng khá tạm bợ nhưng chứa rất nhiều đồ, từ sách vở, chăn màn, quần áo... Bên trên là hệ thống điện được đấu nối sơ sài, sát ngay bên các vật dụng trong nhà là chiếc bếp gas nấu ăn, không gian rất chật chội.
Để tiết kiệm chi phí, các học sinh tự nấu ăn ngay trong phòng trọ. |
Lúc chúng tôi đến phòng, Nam và 2 người bạn chuẩn bị cho buổi ăn trưa. Nhìn Nam và các bạn nấu ăn ngay trong phòng bằng bếp gas mini khiến chúng tôi không khỏi lo ngại, bởi nếu chỉ cần một chút sơ ý thì nguy cơ cháy có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Ðể trấn an cho những lo ngại của chúng tôi, Nam hồn nhiên cho biết: “Ở đây ai cũng nấu ăn như thế này cả, chỉ cần cẩn thận là không sao đâu”. Tuy nhiên, Nam cũng buông lửng một câu có vẻ lo lắng: “Tụi em là học sinh, đâu có nhiều tiền để thuê những phòng rộng rãi, nên đành chấp nhận sống như thế này. Chứ nhiều lúc nghĩ cũng lo, bởi chỉ cần sơ ý là nguy cơ cháy rất cao và khó cứu chữa kịp vì ở đây chủ nhà không trang bị các thiết bị phòng cháy chữa cháy (PCCC) cần thiết”.
Qua tiếp xúc nhiều học sinh, với tâm lý thuê được nhà là may mắn nên nhiều bạn cũng không hề đắn đo khi điều kiện sống trong những căn phòng trọ quá thiếu thốn và tạm bợ. Hơn nữa, cả chủ nhà trọ và người thuê đều không quan tâm đến PCCC. Nhiều người ví phòng trọ như những chiếc phòng đa năng. Với diện tích nhỏ, hẹp, người ở trọ phải sử dụng cho mọi sinh hoạt, như: nấu ăn, nghỉ ngơi, vệ sinh... Ðể tiết kiệm chi phí, hầu hết sau giờ học, các học sinh thường về tự nấu ăn tại nhà trọ bằng bếp gas mini với các bình gas được tái sử dụng nhiều lần. Cùng với đó, hệ thống điện được lắp đặt phần lớn được đấu nối rất tạm bợ, các dây dẫn điện, bảng điện, thiết bị bảo vệ lắp đặt không đúng tiêu chuẩn, dễ xảy ra chập điện. Ðây là những mối lo ngại lớn nhất, bởi từ xưa đến nay các bình gas cũ, sử dụng điện không đảm bảo an toàn là “thủ phạm” chính trong các vụ cháy.
Một thực tế, qua khảo sát của chúng tôi, nhiều dãy phòng trọ dành cho học sinh trên địa bàn thị trấn Ðầm Dơi, không ít người kinh doanh chỉ lo tính đến lợi nhuận. Trên một diện tích xây càng được nhiều phòng, vật liệu càng rẻ tiền thì càng tốt, mà ít khi nghĩ đến việc trang bị các thiết bị PCCC. Có chăng thì khi mới xin giấy phép kinh doanh nhà trọ, chủ nhà trọ trang bị rất đầy đủ, nghiêm túc các thiết bị PCCC, nhưng chỉ được một thời gian thì các thiết bị này bị “quên lãng”. Nhiều chỗ gắn bình chữa cháy cho có, để đối phó khi bị công an kiểm tra đột xuất.
Cho thuê nhà trọ là loại hình kinh doanh có điều kiện. Theo quy định, chủ nhà trọ phải thực hiện, chấp hành các yêu cầu đảm bảo an ninh trật tự, phòng, chống cháy nổ, được cơ quan công an cấp giấy chứng nhận mới hoạt động. Lý thuyết là vậy, nhưng đa số các nhà trọ bình dân phớt lờ quy định, nguy cơ hoả hoạn là điều có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Thiết nghĩ, bên cạnh công tác tuyên truyền cho chủ nhà trọ, người thuê trọ về công tác PCCC thì các cơ quan chức năng cần có những biện pháp xử lý nghiêm những chủ nhà trọ cố tình không chấp hành công tác này, tránh để “cháy nhà mới lo... dập lửa”./.
Bài và ảnh: Trần Phạm Duy