(CMO) Mùa gió Nam, mùa của bao âu lo thường trực của cư dân ven biển. Từ chuyện làm nghề để mưu sinh cho đến phập phồng trước thiên tai bất chợt. Mưa bão, lốc xoáy, nước biển dâng, sạt lở. Khó khăn, hiểm nguy rình rập nhưng bao cư dân ven biển vẫn bám trụ để sinh nhai. Với họ, dường như đó là lựa chọn duy nhất.
Ngồi co ro trước cửa nhà được dựng nên ngoài dự định cách đây vài tháng, anh Phan Chí Nghiệm, một trong những ngư dân sinh sống ven biển ấp Ðất Mới, xã Phong Ðiền, buồn bã: “Trước, nhà ở xa ngoài phía rừng, đâu cả chục năm. Sạt lở riết, cây rừng đổ xuống, không còn cản sóng được, nước ngập cao làm nhà sập hồi tháng 5 năm nay. Gom cây cối còn lại, nhờ người ta phụ dời vô trong đê này ở tạm mấy tháng nay”.
Xưa, căn nhà cũ cả chục năm của anh Nghiệm là nhà cây lá tạm bợ, nay ngôi nhà mới cũng chẳng khác gì hơn. Trước, chỗ che mưa che nắng của gia đình anh Nghiệm được dựng trên phần đất mượn của kiểm lâm, bây giờ cũng là mảnh đất mượn của bà con. Cuộc sống nơi ven biển luôn trong thế lo sợ, phập phồng, nghề biển cạn cũng chưa đem lại cho gia đình anh cái gọi là ấm no, sung túc. Dịch Covid-19 hoành hành, ngư dân ven biển với phương tiện đánh bắt còn thô sơ như anh Nghiệm càng nhân đôi khó khăn.
“Mấy ngày qua biển động, có dám ra đánh bắt đâu. Mùa ruốc vừa kết thúc cũng chẳng khá gì. Dịch bệnh, giãn cách xã hội, giá giảm cả phân nửa so với mọi năm”, anh Nghiệm bày tỏ. Vậy mà, anh vẫn chọn nghề biển để sinh nhai và chọn gắn bó nơi mảnh đất ven biển này.
Yêu biển và cũng vì cuộc sống không còn lựa chọn nào khác nên gia đình anh Nguyễn Văn Trung vẫn gắn bó tại Ðất Mới này trót đã hơn 20 năm ròng. Trong ký ức của ngư dân này, những năm tháng khi mới đặt chân đến mảnh đất này định cư, hình ảnh cánh rừng phòng hộ nơi đây không phải thưa thớt như bây giờ.
“Hồi xưa, rừng phòng hộ từ trong này ra dài cả cây số, giờ lở sát đê hết rồi. Sạt lở mỗi năm mỗi nặng thêm, có năm lở vô gần cả công đất. Sống ở đây được lúc nào hay lúc đó”, anh Trung bộc bạch.
Giữ đất là giữ cuộc sống của chính mình, vậy nên, để đối phó với tình trạng sạt lở đất, anh Trung là một trong số hộ hiếm hoi sinh sống cạnh rừng phòng hộ ngoài đê biển Tây cố cặm thưa trụ đá, cột cây, bao lưới làm kè quanh phần đất mượn của kiểm lâm để làm nơi phơi cá, phơi ruốc. Thế nhưng, ai cũng hiểu, đây chẳng phải là giải pháp lâu dài.
Sống ven biển, bà con ngư dân không chỉ đối mặt với tình trạng sạt lở đất ngày càng nghiêm trọng mà còn phải đối mặt thường xuyên trước mưa dông, lốc xoáy, nước biển dâng. Anh Trung vẫn còn nhớ mồn một, vào năm 2019, thuỷ triều lên cao làm nhà anh ngập sâu cả mét. Còn chuyện dông gió, lốc xoáy thì như cơm bữa. Vì vậy, trước khi vào mùa mưa bão, bà con nơi đây dần quen với việc chủ động chằng néo nhà cửa, thường xuyên theo dõi thời tiết.
Thiên tai tác động ảnh hưởng đến rừng phòng hộ và nhà dân. |
Ðối với lão ngư Trần Văn Miền, nước biển dâng cao không còn là chuyện xa lạ trong suốt 27 năm sinh sống ở vùng đất ven biển này.
“Năm nào cũng bị 1-2 lần. Từ tháng 7 là bắt đầu lo dần. Nước biển dâng cao nhưng mà rút cũng nhanh. Có năm 2019 là nước dâng cao dữ dội. Tôi cứ lo chiếc ghe, tài sản lớn nhất mà cũng là phương tiện kiếm sống của gia đình mà quên mất đồ đạc trong nhà, rồi cuối cùng bị hư cái tủ lạnh dù cũng đã kê lên”, ông Miền kể.
Ông Lê Văn Phương, Bí thư Chi bộ ấp Ðất Mới, cho biết: “Bà con sống quanh rừng phòng hộ, hầu hết nhà cửa tạm bợ nên càng chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai. Hàng năm thường gặp dông, lốc xoáy, nước dâng. Như năm 2019, nước dâng làm ngập cao 1 m nhà của bà con, làm hư hao tài sản. Ðồng thời, sạt lở đất rừng phòng hộ mỗi năm có thể 20-30 m. Năm nay đã có 3 hộ dân bị ảnh hưởng sạt lở, sập nhà, phải di dời chỗ khác. Vì cuộc sống, bà con bám trụ ở đây. Ðịa phương hàng năm vận động bà con chằng néo nhà cửa để hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra”.
Ông Nguyễn Thanh Miền, Chủ tịch UBND xã Phong Ðiền, cho biết, trên địa bàn xã có 2 ấp ven biển, là Ðất Biển và Ðất Mới, dễ bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Trong đó, có khoảng 40 hộ dân sống quanh đê biển Tây. Ða phần bà con ở đây nhà cửa tạm bợ và sinh sống bằng nghề đánh bắt thuỷ sản như te, cào cạn.
“Nơi đây dễ bị tác động bởi thiên tai như nước biển dâng, cao điểm là tháng 10, dâng 1-2 tiếng là rút nhưng mức độ dâng khá cao, 7-8 tấc nước; cùng với lốc xoáy và sạt lở đất khu vực cửa sông. Ðể phòng, chống sạt lở căn cơ cần xây dựng bờ kè chắn sóng, sạt lở. Và để người dân yên tâm lao động sản xuất, cần bố trí chỗ ở ổn định”, ông Nguyễn Thanh Miền đề xuất.
Thiên tai luôn diễn biến bất thường, nhất là trước sự biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp. Thiết nghĩ, để ngư dân ven biển có thể an cư lạc nghiệp, cần có những giải pháp căn cơ, kịp thời. Và như nói thay nỗi lòng của bà con xứ biển, theo lời ông Phương, mong muốn có chỗ ở ổn định rồi, nhưng bà con rất cần làm sao để có thể tiện cho việc làm nghề, cho cuộc sống mưu sinh./.
Ngọc Minh