(CMO) Rác thải sinh hoạt còn tồn đọng nhiều trên các tuyến sông, kinh rạch, bãi đất trống; nước thải tại các khu công nghiệp, khu dân cư tập trung chưa được xử lý, gây ô nhiễm nguồn nước mặt, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sản xuất của người dân… đó là những vấn đề được nhiều đại biểu HĐND quan tâm chất vấn trong phiên họp thường kỳ tháng 5 Thường trực HĐND tỉnh trong công tác bảo vệ môi trường vừa diễn ra sáng nay, 15/5.
Chủ tịch HĐND tỉnh Cà Mau Trần Văn Hiện chủ trì phiên họp thường kỳ tháng 5 Thường trực HĐND tỉnh. |
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, 2 khu công nghiệp Hoà Trung và Sông Đốc có đến 21 cơ sở sản xuất công nghiệp, bao gồm 8 cơ sở sản xuất và chế biến thuỷ sản xuất khẩu, 13 cơ sở chế biến đầu vỏ tôm, nước mắm và bột cá. Hầu hết các cơ sở này nằm cạnh bờ sông, nhiều vị trí xả thải nằm bên dưới nhà dân nên phát sinh nhiều mùi hôi, nước thải ô nhiễm, gây bức xúc cho người dân trong khu vực.
Hầu hết các nhà máy chế biến thuỷ sản, đầu vỏ tôm, bột cá chưa thực hiện nghiêm các quy định về xử lý nước thải. |
Đại biểu Nguyễn Minh Đương, Phó Ban Dân tộc HĐND tỉnh, chất vấn, tình trạng khai thác nước ngầm tràn lan, vượt tầm kiểm soát, gây ô nhiễm trầm trọng, nhưng đến nay Sở Tài nguyên và Môi trường mới tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND tỉnh về Đề án quy hoạch bảo vệ tài nguyên nước trên đại bàn tỉnh.
Ông Trịnh Văn Lên, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, lý giải, toàn tỉnh hiện có trên 175.000 giếng ngầm, trong đó có khoảng 2.500 giếng không còn sử dụng do bị hư hỏng, tỉnh triển khai đề án trám lắp, đã hoàn thành được 6/9 huyện, thành phố. Trong vấn đề quy hoạch bảo vệ nguồn tài nguyên nước, ông Lên cho rằng từ khi có Luật Môi trường năm 2013, sở đã tiến hành quy hoạch nhưng qua nhiều khâu nên đến nay chưa thực hiện hoàn thành.
Về ý kiến khắc phục ô nhiễm môi trường, đặc biệt là tại các khu đô thị và việc xả thải nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh theo Quyết định số 1874 –UBND/10/2/2017 của UBND tỉnh ban hành điệu kiện tạm thời về xử lý nước thải trong nuôi tôm tham canh, siêu thâm canh, ông Lên thông tin, đã qua, Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra xử lý 15 trường hợp xã thải không đúng quy định. Gần 2.000 ha nuôi tôm siêu thâm canh của 1.378 hộ đều ký cam kết thực hiện xả thải đúng quy định; có 211 hộ vi phạm, bị bắt buộc cam kết lần 2 và đang được giám sát chặt chẽ.
Liên quan đến vấn đề xử lý nước thải sinh hoạt, ông Dư Minh Hùng Giám đốc Sở Xây dựng, cho rằng, Dự án xây dựng nhà máy xử lý nước thải trên địa bàn TP. Cà Mau được lập dự toán bằng nguồn vốn ODA từ năm 2007-2009 qua nhiều lần điều chỉnh, tổng nguồn vốn của dự án qúa lớn, khoảng 1.000 tỷ đồng nên đến nay chưa thể triển khai xây dựng. “TP. Cà Mau đạt đô thị loại 2 nhưng không nhà máy xử lý nước thải tập trung, đang nợ Chính phủ về tiêu chí này”, ông Hùng trăn trở.
Trong lĩnh vực xử lý rác thải sinh hoạt tại Nhà máy Xử lý rác TP. Cà Mau, theo quy định tỷ lệ chôn lấp chỉ 8,3% nhưng đến nay tỷ lệ này đã vượt trên 10% dẫn đến bốc mùi hôi thối, gây ô nhiễm môi trường trong khu vực trầm trọng. Các đại biểu HĐND cho rằng, phải xử lý rác thải đúng quy định chứ không thể chỉ tiến hành chôn lấp rác. Đồng thời các cấp, các ngành cần tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân trong công tác phân loại, thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt.
Ngoài ra, vấn đề ô nhiễm môi trường về tiếng ồn, âm thanh, khói bụi, xử lý rác thải tại các cơ sở y tế, bệnh viện; vấn đề người dân tự ý xả đập đưa nước mặn vào vùng ngọt huyện U Minh để nuôi tôm… cũng được nhiều đại biểu HĐND quan tâm trong phiên chất vấn.
Chủ tịch HĐND tỉnh Cà Mau Trần Văn Hiện đưa ra 7 vấn đề quan trọng trong công tác bảo vệ môi trườn, trước mắt đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân trong bảo vệ môi trường, đặc biệt là phân loại xử lý rác thải sinh hoạt. Trong quản lý Nhà nước, các sở, ngành phải xác định nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng trong việc bảo vệ môi trường. Để giảm thiếu tình trạng ô nhiễm môi trường trên các sông, rạch, trước mắt các địa phương tập trung di dời nhà dân ở ven sông lên bờ; các doanh nghiệp thực hiện đúng các quy định về xử lý rác thải, nước thải. Về lâu dài, Sở Tài nguyên và Môi trường tính toán quy hoạch chung và các địa phương quy hoạch chi tiết lại theo Luật Môi trường, trong đó đặc biệt quan tâm đến quy hoạch các nghĩa trang, nghĩa địa.
“Để tiến đến xã hội hoá, kêu gọi các doạnh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực xử lý nước thải, chất thải, các sở, ngành sớm tham mưa cho UBND tỉnh trình HĐND tỉnh điều chỉnh mức thu phí và lệ phí trong thu gom rác để tạo điều kiện cho doanh nghiệp quan tâm đầu tư”, Chủ tịch HĐND tỉnh Cà Mau Trần Văn Hiện nhấn mạnh./.
Trung Đỉnh