(CMO) Từ cô bé sớm mồ côi mẹ năm nào, trở thành một "Cải lương chi bảo" được khán giả vô cùng yêu mến suốt hơn nửa thế kỷ qua, NSND-TS Bạch Tuyết đã có một quá trình phấn đấu, rèn luyện nghề nghiệp không ngừng. Sẽ không sai khi nói rằng đây là món quà quý giá mà bà dành tặng cho mẹ dù từ lâu trên ngực áo cài hoa trắng.
“Mẹ lớn lao như tàng cổ thụ
Lồng lộng muôn đời che bóng mát cho con
Bông hồng trên ngực áo con
Sinh thành công đức vuông tròn hiếu ân".
(Tân cổ "Bông hồng cài áo", Nguyễn Thị Khánh An)
Một mùa Vu lan nữa lại về, mùa của sự tri ân báo hiếu, đây cũng là dịp để những người làm con lắng lòng mình kính nhớ đến cha mẹ sau bao ngày bộn bề với những quay cuồng của cuộc sống. Thế nhưng, bên cạnh những người may mắn còn được hưởng bóng mát cao cả của các đấng sinh thành, được vui sướng cài đoá hồng đỏ thắm trên ngực áo, thì cũng có rất nhiều người phải lặng lẽ, cố mím chặt môi để cài một bông hồng trắng buồn thương khi không còn đầy đủ cha mẹ bên đời. NSND - Tiến sĩ Bạch Tuyết cũng vậy. Mồ côi mẹ từ hơn 60 năm nay, cứ mỗi mùa Vu lan đến, trong lòng bà lại trỗi lên nỗi nhớ khôn nguôi và khao khát được một lần quay trở về ngày xưa để nằm trọn trong vòng tay người mẹ kính yêu của mình.
NSND-TS Bạch Tuyết. Ảnh nhân vật cung cấp |
Nhân mùa Vu lan năm nay, cộng tác viên Báo Cà Mau có dịp phỏng vấn NSND - Tiến sĩ Bạch Tuyết để lắng nghe tiếng lòng, những cảm xúc của người nghệ sĩ tài danh được mệnh danh là "Cải lương chi bảo".
- Lâu lắm rồi khán giả Cà Mau không có dịp tái ngộ với NSND - Tiến sĩ Bạch Tuyết. Nghệ sĩ có thể cho độc giả Báo Cà Mau được biết đôi chút về cuộc sống hiện tại của mình?
NSND-TS Bạch Tuyết: Cảm ơn sự quan tâm của quý báo và khán giả tỉnh nhà. Tôi vẫn làm công việc học hỏi nghiên cứu và đi hát khi có lời mời, chuẩn bị chuyến lưu diễn Hàn Quốc vào tháng 10, khi về sẽ bắt tay thực hiện Trường ca Cải lương thứ sáu tựa đề “Tam Quy ngũ giới”.
- Được biết, nghệ sĩ mồ côi mẹ từ ngày còn rất nhỏ. Mùa Vu lan đang về, hẳn là trong lòng bà có nhiều cảm xúc. Mong bà cho khán giả Cà Mau nói riêng và cả nước nói chung được lắng nghe những cảm xúc sâu lắng ấy. Qua đó, chia sẻ những kỷ niệm đáng nhớ nhất của mình đối với người mẹ quá cố?
NSND-TS Bạch Tuyết: Tôi không may mất mẹ lúc vừa 8 tuổi, từ đó ngày nào đối với tôi cũng là ngày Vu lan. Giờ phút ra đi hoàn toàn bất ngờ của mẹ giúp tôi nhận ra sự sống rất thiêng liêng nhưng cũng vô cùng bất chợt và vô lý. Trong suy nghĩ nhỏ nhoi của mình, tôi chỉ biết thể hiện lòng hiếu thảo bằng cách làm theo những điều mẹ dặn dò trước khi đi xa: “Con hãy cố gắng học hành, kiếm đồng tiền lương thiện nuôi mình, giúp đời, sống thật với mình, sống tử tế với mọi người”.
- Trong từng câu hát mang nội dung về người mẹ, nghệ sĩ luôn thể hiện một cách ngọt ngào, sâu lắng. Bên cạnh đó, những bài vọng cổ về chủ đề này do nghệ sĩ biên soạn với bút danh Nguyễn Thị Khánh An lúc nào cũng đong đầy cảm xúc. Phải chăng niềm kính nhớ và biết ơn đối với mẹ không phút nào nguôi trong lòng bà?
NSND-TS Bạch Tuyết: Tôi ráng nhớ và học cách sống, cách nghĩ của mẹ. Mẹ nói: “Cuộc sống có nhiều người tốt, chỉ có mình là chưa tốt, cho nên con phải chăm chút sửa mình mỗi ngày, đừng làm tổn thương người, tổn thương vật. Chỉ có trời đất mới quyết định con có mặt trong đời bao lâu, vậy nên đừng dễ nuông chiều mình, mà hãy học cách giúp mình, giúp người cho cuộc đời bớt khổ”. Những bài hát với tên Nguyễn Thị Khánh An do tôi biên soạn cho mình ca, hầu như đều ghi theo lời mẹ dạy rồi phát triển thêm, nhờ đó tôi nhớ lâu, nhớ rõ, nằm lòng những lời trối trăng, dặn dò của mẹ.
- Xin chân thành cảm ơn những chia sẻ của nghệ sĩ dành cho độc giả Báo Cà Mau!
Hoàng Phúc