ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 5-7-25 10:41:21
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

NSƯT Lịch Sử chắt chiu giọt mật cho đời

Báo Cà Mau (CMO) Nghe NSƯT Lịch Sử, hiện là đạo diễn thường trực kiêm Phó trưởng Đoàn Cải lương Hương Tràm, bật mí, sắp tới chị sẽ quay trở lại sân khấu với vai trò là một diễn viên, tôi chợt mừng thầm trong bụng. Bởi có lẽ cũng đã hơn 10 năm rồi, khán giả yêu mến cải lương không có dịp tái ngộ cô đào chánh tài danh có vóc dáng đẹp và sáng sân khấu, cộng với tố chất ca hay, diễn giỏi một thời làm nên thương hiệu cho đoàn Hương Tràm.

Có thể nói bộ ba: Hoàng Nhất - Lịch Sử - Hoa Phượng từng như một làn gió mới của đoàn nghệ thuật địa phương. Sự kết hợp ăn ý, cộng với tố chất nghệ thuật thiên bẩm của mỗi người đã để lại những ấn tượng đẹp trong lòng công chúng mộ điệu qua các vở diễn.

NSUT Lịch Sử.  Ảnh nhân vật cung cấp

Hiện tại, NSƯT Hoàng Nhất vẫn còn miệt mài với những hoạt động nghệ thuật cả trong nước cũng như hải ngoại, NSƯT Hoa Phượng vẫn cần mẫn đến với khán giả qua những vở cải lương của đoàn Hương Tràm trên những chặng đường biểu diễn phục vụ, thì sự lùi về phía sau sân khấu của NSƯT Lịch Sử đã để lại nhiều khoảng trống trong lòng nhiều người yêu mến giọng ca, nét diễn của người nghệ sĩ này.

Với lối nói chuyện gần gũi, mộc mạc và chân tình, khi được hỏi "sự trở lại đáng mong đợi trong thời gian tới có khác gì so với một Lịch Sử trẻ trung, năng động trên sân khấu trước đây không?", người nghệ sĩ quê xứ Đầm bộc bạch: "Chắc chắn cô gái ngày ấy giờ sẽ chững chạc hơn, dày dặn và đằm thắm hơn".

NSƯT Lịch Sử vai Thêu cùng NSƯT Hoàng Nhất vai Tâm trong vở “Bến xưa”, tác giả Thới Lai - Tô Thiên Kiều. Ảnh nhân vật cung cấp

Từ một cô học trò nghèo sớm phải nghỉ học và dang dở ước mơ trở thành cô giáo, rồi một ngày chị quyết định thi tuyển vào Đoàn Cải lương Hương Tràm chỉ với suy nghĩ đơn giản: "Nếu trúng tuyển thì sẽ có lương, bớt được phần ăn mà lại có thể phụ giúp cha mẹ".

Ngả rẽ bất ngờ này đã đưa Lịch Sử đến với nghệ thuật khi vượt qua hàng trăm thí sinh khác để đầu quân về đoàn. Sẵn có chất giọng trời cho cùng với khiếu diễn xuất, chỉ qua một thời gian ngắn được đào tạo, cô đào trẻ đã được lãnh đạo đoàn Hương Tràm đánh giá là một hạt mầm tiềm năng và sẽ tiến xa trong tương lai.

Thật vậy, với vai Kiều trong vở "Thân gái giang hồ", vai diễn đầu đời không ngờ lại nhận được sự cổ vũ nồng nhiệt của khán giả. Từ đây, tên tuổi của Lịch Sử nhanh chóng được định hình và toả sáng khi năm 1997 chị vinh dự đoạt Huy chương Vàng triển vọng giải Trần Hữu Trang. Chiến thắng này như một bước đệm để những năm sau đó chị liên tiếp đoạt 4 Huy chương Vàng giải cá nhân tại các kỳ hội diễn sân khấu toàn quốc.

Tự nhận mình là một người tham lam, Lịch Sử cho rằng chị luôn yêu quý và nâng niu tất cả những vai diễn mình đã từng tham gia trong các vở cải lương, những vai diễn với nhiều tính cách khác nhau như: đào thương, đào lẵng, độc, mùi... đều được chị nghiên cứu tập luyện rất kỹ lưỡng. Chính vì thế mà Thêu trong "Bến xưa", Kiều trong "Thân gái giang hồ", Trà trong "Trà Hoa Nữ", Thắm trong "Thầm lặng cuộc đời" đều đong đầy cảm xúc và chiếm trọn trái tim khán giả.

Hơn 10 năm miệt mài hoạt động nghệ thuật với vai trò một nghệ sĩ biểu diễn, khi tên tuổi đang ở đỉnh cao, NSƯT Lịch Sử chợt nghĩ, nghề hát đã cho chị quá nhiều, vì thế, thay vì tiếp tục những vinh quang đang có, chị sẽ lùi về phía sau một bước để nhường chỗ cho thế hệ nghệ sĩ đàn em có dịp tiến lên và phát triển nghề nghiệp.

Từ suy nghĩ đó, năm 2005, chị quyết định đi học lớp đạo diễn tại Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP Hồ Chí Minh. Sau 3 năm học tập, chị tốt nghiệp với tấm bằng loại ưu. Nhận được rất nhiều lời mời đầy hứa hẹn từ các đoàn nghệ thuật với những chế độ và cơ hội phát triển, song NSƯT Lịch Sử chọn về quê hương tiếp tục cống hiến cho nghệ thuật của tỉnh nhà mà theo lời bộc bạch của chị là "trở về để đáp ơn cho quê hương, nơi đã chắp đôi cánh nghệ thuật của chị bay cao".

Nếu như ở vai trò diễn viên, chị là một cô đào hết lòng với các nhân vật, thì đứng về góc độ đạo diễn, sự kỹ lưỡng, niềm đam mê đó lại được nhân lên rất nhiều lần.

Chính sự đam mê nghiên cứu, mày mò học hỏi không ngừng, cộng với vốn kiến thức nền vững chắc, những vở cải lương do chị dàn dựng luôn chứa đựng giá trị nghệ thuật và mang lại hiệu ứng mạnh đối với khán giả. Năm 2013, vở cải lương "Bến và bờ" của tác giả Đăng Chương như một điểm son trong công tác đạo diễn khi mang về cho đơn vị cũng như cá nhân chị Huy chương Bạc trong cuộc thi Tài năng đạo diễn trẻ toàn quốc.

Một chặng đường dài gắn bó với nghề với bề dày thành tích tưởng chừng như rất trơn tru và bằng phẳng, nhưng theo NSƯT Lịch Sử, đó là cả một quá trình không ngừng nỗ lực phấn đấu và rèn luyện gian khổ, thành công được đổi bằng nước mắt, mồ hôi và có cả một phần thanh xuân của chị.
Đảm nhiệm vai trò đạo diễn thường trực kiêm Phó trưởng Đoàn Cải lương Hương Tràm từ năm 2008, hai trọng trách lớn như một guồng quay khiến người nghệ sĩ luôn phấn đấu cật lực. Chị bộc bạch: "Đã từ lâu, tôi không có thời gian để suy nghĩ nghiên cứu đến một vai diễn nữa, mà phải nghiên cứu làm thế nào để tìm được một kịch bản hay, những tài năng mới, tạo điều kiện hướng dẫn thế hệ đàn em trưởng thành chuyên nghiệp hơn trên con đường nghề nghiệp".

NSƯT Lịch Sử còn được biết đến là một nghệ sĩ có tinh thần hiếu học, với suy nghĩ học tập để ngày một hoàn thiện mình, xoá đi quan niệm "nghệ sĩ thường ít học" đã tồn tại từ lâu. Đến nay ở tuổi ngấp nghé tứ tuần, chị vẫn miệt mài theo đuổi con chữ trên giảng đường đại học với ngành Quản lý văn hoá.

"Trong môi trường showbiz nhiễu nhương như hiện nay, khán giả dễ có cái nhìn lệch về giới nghệ sĩ, chính vì thế tôi cố gắng mang những góc nhìn đẹp hơn về những người làm nghệ thuật đối với công chúng, để công chúng hiểu rằng người nghệ sĩ đã và đang phấn đấu để cống hiến những gì đẹp nhất, ý nghĩa nhất cho cuộc đời", NSƯT Lịch Sử tâm tình./.

Trần Hoàng Phúc

NSƯT Lịch Sử tên thật là Nguyễn Lịch Sử, sinh ngày 21/8/1979, tại xã Quách Phẩm Bắc, huyện Đầm Dơi. Tham gia nghệ thuật ở Đoàn Cải lương Hương Tràm năm 1995. Với những đóng góp và cống hiến cho nghệ thuật với nhiều thành tích nổi bật, năm 2013, chị được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú.

 

Mối đe doạ thầm lặng với trẻ nhỏ

Hút thuốc lá không chỉ là thói quen có hại với chính người hút thuốc mà còn là nguyên nhân gây ra nhiều hệ luỵ nghiêm trọng cho những người xung quanh, đặc biệt là trẻ nhỏ.

Thầm lặng gieo sự sống

Nhiều lần hiến máu; tích cực vận động, tuyên truyền trong xã hội về ý nghĩa của hiến máu nhân đạo..., đó là hành trình miệt mài, không ngừng nghỉ của anh Huỳnh Tiến Sơn. Anh vinh dự là 1 trong 100 đại biểu toàn quốc được Ban Chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện (HMTN) tôn vinh Người HMTN tiêu biểu toàn quốc năm 2025.

Liên hiệp Hữu nghị tỉnh Cà Mau tiếp và làm việc với đoàn Tổ chức The Corea Peace3000

Tiếp và làm việc với Đoàn Tổ chức The Corea Peace3000 do ông Park Chang II, Trưởng đại diện dẫn đoàn chiều 2/7, ông Nguyễn Đồng Khởi, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Cà Mau bày tỏ mong muốn Tổ chức The Corea Peace3000 sẽ tiếp tục đồng hành cùng tỉnh Cà Mau trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong đó, nhu cầu về nhà ở lên tới 686 căn và 99 cây cầu giao thông nông thôn.

Nuôi cá bảy màu phòng bệnh sốt xuất huyết

Hằng năm, đến mùa mưa, muỗi vằn phát triển mạnh, nguy cơ dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) bùng phát cao. Những năm qua, ngành y tế Cà Mau đẩy mạnh các giải pháp phòng bệnh, trong đó, mô hình nuôi cá bảy màu diệt lăng quăng dễ thực hiện, mang lại hiệu quả cao.

Những xã, phường “đặc biệt”

Tỉnh Cà Mau (mới) có diện tích tự nhiên hơn 7.942 km2, quy mô dân số trên 2,6 triệu người. Sau khi sáp nhập, tỉnh Cà Mau có 64 đơn vị hành chính cấp xã (9 phường, 55 xã), trong đó phường Bạc Liêu có diện tích nhỏ nhất nhưng dân số đông nhất và xã Ðất Mũi - xã cuối cùng nơi địa đầu cực Nam Tổ quốc là xã có diện tích lớn nhất tỉnh. Ðặc biệt, trong 64 xã, phường mới của Cà Mau chỉ có duy nhất xã Hồ Thị Kỷ được giữ nguyên không sáp nhập.

Chung dòng phù sa...

Sau bao lần hợp - tách, lần gần nhất cũng cách nay 28 năm thời chung tên tỉnh Minh Hải, Cà Mau - Bạc Liêu như anh em ruột thịt, nay về chung một nhà với tên gọi Cà Mau.

Khánh thành, bàn giao 51 căn nhà tại xã Khánh An

Chiều nay (ngày 1/7), Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) phối hợp với UBND xã Khánh An, tỉnh Cà Mau tiếp tục tổ chức Lễ khánh thành và bàn giao 51 căn nhà Đại đoàn kết cho các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã.

Lá chắn an sinh cho mọi người dân

Ngày 1/7 hằng năm là Ngày Bảo hiểm y tế (BHYT) Việt Nam, là dịp để toàn xã hội cùng nhìn lại chặng đường triển khai một trong những chính sách trụ cột của hệ thống an sinh xã hội. Trải qua nhiều năm, BHYT ngày càng khẳng định tính nhân văn sâu sắc, trở thành điểm tựa chăm sóc sức khỏe cho người dân, đặc biệt là những người có hoàn cảnh khó khăn, góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội.

Trao 500 suất học bổng cho học sinh khó khăn nhân sự kiện hợp nhất Bạc Liêu – Cà Mau   

Chiều 30/6, tại tỉnh Bạc Liêu, UBND tỉnh tổ chức chương trình “Chắp cánh ước mơ” trao 500 suất học bổng cho học sinh thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo và có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn, chào mừng sự kiện hợp nhất hai tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau.

Tăng cường các giải pháp giảm tác hại của thuốc lá

Ngày 24/5/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký Quyết định số 568/QÐ-TTg ban hành Chiến lược Quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030, với các mục tiêu và giải pháp mạnh mẽ, đồng bộ, tăng cường hiệu quả công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá.