Hơn 10 giáo viên là Bí thư chi bộ tiêu biểu của ngành giáo dục được tuyên dương trong năm vừa qua 2014 là minh chứng sống động cho phương châm: “Dùng nhân cách để giáo dục nhân cách”. Chia sẻ về nghề, họ có chung suy nghĩ: “Giáo dục là nghề đào tạo con người, là nghề lao động nghiêm túc. Người đứng trên bục giảng phải không ngừng rèn luyện phẩm chất và năng lực chuyên môn”.
Hơn 10 giáo viên là Bí thư chi bộ tiêu biểu của ngành giáo dục được tuyên dương trong năm vừa qua 2014 là minh chứng sống động cho phương châm: “Dùng nhân cách để giáo dục nhân cách”. Chia sẻ về nghề, họ có chung suy nghĩ: “Giáo dục là nghề đào tạo con người, là nghề lao động nghiêm túc. Người đứng trên bục giảng phải không ngừng rèn luyện phẩm chất và năng lực chuyên môn”.
Cô Trần Lệ Chi, Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Hiền, thị trấn U Minh, huyện U Minh, chia sẻ: “Tuy trường còn thiếu thốn về cơ sở vật chất, song không thiếu tình yêu thương của thầy, cô dành cho học sinh... Ðó là động lực mạnh mẽ để mỗi thầy, cô luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm”.
Cô Trần Lệ Chi luôn dành tình yêu thương, gần gũi với những học trò. |
Là người đứng đầu của ngôi trường có 1/3 học sinh gặp hoàn cảnh khó khăn, Hiệu trưởng Trần Lệ Chi là người tiên phong giúp đỡ học sinh nghèo và gắn việc làm ý nghĩa này với thực hiện nhiệm vụ của nhà trường. Cô Chi bộc bạch: “Có học sinh gia cảnh khó khăn nhưng vẫn nỗ lực. Trường hợp của em Nguyễn Nhật Anh đáng trăn trở nhất. Cha mẹ ly hôn, mẹ em bị tai biến, mọi việc lớn nhỏ trong nhà đều do anh em Nhật Anh tự lo. Cho nên trường vận động chính quyền địa phương hỗ trợ nhà cho gia đình em, bản thân thì xuất tiền mua dụng cụ học tập, xe đạp, quan tâm, động viên để các em tiếp tục học tập”.
Và phong trào giáo viên nhận giúp đỡ học sinh khó khăn đã nhanh chóng lan toả trong 23 cán bộ, giáo viên của trường từ nhiều năm nay, bằng nhiều hình thức, hướng cùng mục tiêu chung là mong muốn tương lai các em tươi sáng hơn.
Sự thành thạo về nghề nghiệp, lối sống, cách xử sự... cũng là biểu hiện về nhân cách để học sinh lấy đó làm gương. Cô Lê Minh Huệ, Bí thư Chi bộ, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Thới Bình, là mẫu người như thế. Tốt nghiệp Ðại học Sư phạm Hoá, về nhận nhiệm vụ giảng dạy tại trường từ năm 2000, cô Huệ là tấm gương tự học, sáng tạo, nhiều năm liền cô đạt giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Cô được tín nhiệm làm Bí thư chi bộ, Phó Hiệu trưởng của trường từ năm 2010 đến nay.
Giai đoạn 2012-2014, qua xét chọn từ 2.900 chi bộ trong toàn tỉnh, Cà Mau có 84 Bí thư chi bộ tiêu biểu. Đây là những bí thư chi bộ mà bản thân và chi bộ có thành tích xuất sắc trong rèn luyện, học tập, công tác và hoạt động thời gian qua. Đặc biệt, đã vận dụng linh hoạt, sáng tạo quy định, hướng dẫn của Trung ương, Tỉnh uỷ, có nhiều cách làm phù hợp với thực tiễn cơ sở, mang lại diện mạo mới cho quê hương... Trong đó, ngành giáo dục ghi nhận sự cống hiến và tuyên dương 12 giáo viên với vai trò là Bí thư chi bộ. |
5 năm làm Bí thư chi bộ, trong lúc giáo dục có sự đổi mới, đối với cô Lê Minh Huệ là thách thức lớn. Cô luôn không ngừng trau dồi kiến thức chuyên môn, xã hội, lắng nghe ý kiến tập thể để phát huy thế mạnh của trường... Ðặc biệt là chỉ đạo các tổ chuyên môn, giáo viên triển khai việc lồng ghép, tích hợp giáo dục đạo đức, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong giảng dạy ở các môn học Ngữ văn, Lịch sử, Giáo dục công dân.
Cô Huệ được nhiều thế hệ học sinh yêu mến bởi sự nhã nhặn và giảng dạy nhiệt tình. Trong sinh hoạt Ðảng cũng như chuyên môn, cô luôn thẳng thắn góp ý, chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm để đồng nghiệp sửa chữa. Cô Huệ tâm sự: “Với vai trò là Bí thư chi bộ, mỗi cá nhân có phương cách làm việc riêng, song đều chỉ đạo thực hiện nghiêm túc nguyên tắc về tổ chức và sinh hoạt Ðảng, bảo đảm tính lãnh đạo, tính giáo dục và tính chiến đấu. Trong sinh hoạt chi bộ, luôn phát huy tính dân chủ, nhất là việc thảo luận, quyết định những vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ, tạo được không khí cởi mở, chân thành để mọi cán bộ, đảng viên bày tỏ ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của mình”.
Bằng tình yêu thương lớn lao dành cho học trò, cho nghề nghiệp, nên việc chỉ đạo, điều hành của người đứng đầu như cô Chi, cô Huệ luôn nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng tích cực từ tập thể.
Từ 1 ngôi trường chỉ có 2 phòng học cây lá đơn sơ, đến nay, Trường THPT Thới Bình đã có 24 phòng học khá khang trang, 4 phòng thí nghiệm, 2 phòng vi tính, 3 phòng ứng dụng công nghệ thông tin... Trường đang trong giai đoạn nâng cấp, sửa chữa giai đoạn 3, tiến tới đạt chuẩn năm nay, gắn với đó là chất lượng giáo dục của nhà trường từng bước được nâng cao theo thực lực.
Tiếp nối sự nghiệp giáo dục của thế hệ tiền bối đã dày công gầy dựng bao năm, lớp trẻ như cô Chi, cô Huệ quyết tâm ra sức giữ gìn thành quả và không ngừng sáng tạo, vận dụng linh hoạt trong tình hình hiện nay. Tâm huyết với nghề, họ mong muốn góp sức mình để chăm bồi, xây dựng nguồn nhân lực tỉnh nhà có nền tảng vững chắc và có lý tưởng đẹp, cống hiến đức - tài cho quê hương, đất nước./.
Bài và ảnh: Lê Nhã Quyên