(CMO) Ô nhiễm môi trường, nhất là rác thải sinh hoạt có lẽ là cụm từ xuất hiện nhiều nhất trong những năm gần đây. Nó không chỉ xảy ra trên địa bàn TP Cà Mau, các khu dân cư, chợ, mà còn đang diễn ra tại các cơ quan Nhà nước, trường học… Tuy nhiên, số người kêu và chê môi trường bị ô nhiễm thì nhiều nhưng số người bắt tay vào để bảo vệ môi trường thì không được bao nhiêu.
Rõ ràng, các chế tài trong bảo vệ môi trường hiện nay là không thiếu, thế nhưng thực tế tại những khu vực cộng đồng lại phát sinh rác thải rất nhiều, kể cả một số xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Trong cuộc họp kiểm điểm công tác chỉ đạo điều hành quý I năm 2021, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lâm Văn Bi đánh giá, hiện nay đi trên bờ cũng thấy rác mà đi dưới sông cũng thấy rác. “Thậm chí kể cả cơ quan cấp tỉnh, phía mặt tiền hay trong nội bộ, thì vô cùng sạch nhưng hai bên hông lại là một câu chuyện khác, rác phát sinh rất nhiều. Ðặc biệt, kể cả các điểm trường học cũng xảy ra tình trạng này, thử hỏi việc giáo dục con em trong bảo vệ môi trường sẽ như thế nào”, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Văn Bi đặt vấn đề trong bài phát biểu tại hội nghị.
Ở đô thị, ai cũng thấy mất vệ sinh nhưng nhiệm vụ dọn dẹp vệ sinh thì chỉ "dành riêng" cho công nhân làm vệ sinh. Môi trường - một tiêu chí quan trọng trong bộ tiêu chí nông thôn mới và đô thị văn minh. Tuy nhiên, đây là cũng là tiêu chí được nhiều địa phương "kêu" khó đạt. Một phần do điều kiện tự nhiên đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động thu gom rác tại các địa phương, một phần do thiếu cơ sở xử lý rác tại chỗ và một nguyên do không kém phần quan trọng chính là ý thức của người dân trong bảo vệ môi trường, nhất là những khu vực đông dân cư và các chợ.
Nhiều bãi rác tự phát dọc theo các tuyến đường là điều không hiếm gặp hiện nay. (Trong ảnh: Ðống rác trên tuyến đường Vành đai 2). |
Trên lĩnh vực xử lý rác thải, một nghịch lý đang tồn tại mà hầu như ai cũng nhìn thấy. Ðó là việc vận chuyển rác từ các huyện về TP Cà Mau để xử lý, bởi nhà máy xử lý rác duy nhất của tỉnh đang đặt tại đây. Không chỉ có nghịch lý ấy, Cà Mau hiện nay cũng là tỉnh khá đặc biệt khi chưa có đường tránh nội ô thành phố. Từ đó, hàng ngày những chuyến xe thu gom rác cứ thế lưu thông qua các tuyến đường trung tâm làm phát tán mùi hôi, nước thải là chuyện không hiếm.
Câu chuyện nhà máy xử lý rác thải của tỉnh có sự cố hư hỏng hay phải ngưng bảo trì thì tình trạng rác quá tải ở các huyện là chuyện đã không ít lần diễn ra. Rất nhiều lần các huyện kêu khó, than khổ vì rác. Ðể tránh tình trạng này, tỉnh đã cho chủ trương quy hoạch xây dựng khu vực tập kết, trung chuyển, xử lý rác thải ở các huyện, cụm liên huyện từ rất lâu. Thế nhưng, đến nay nhiều huyện vẫn chưa quy hoạch được khu vực đất để có thể tiến hành mời gọi đầu tư. Rõ ràng, đến nay các huyện chưa có nơi tập kết, trung chuyển và xử lý rác thải là trách nhiệm của UBND các huyện. Liên quan đến vấn đề này, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Văn Bi nhấn mạnh: “Dù nguồn vốn hiện nay rất khó khăn nhưng tỉnh vẫn có thể cân đối để hỗ trợ được các huyện”.
Trong năm 2021, UBND tỉnh, cụ thể là Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp chỉ đạo và rất tâm huyết, tổ chức sự kiện “Cà Mau - Ðiểm đến 2021” nhằm quảng bá những tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, trong đó có nội dung Cà Mau điểm đến an toàn, xanh - sạch - đẹp. Chương trình này hiện nay đã nhận được sự chú ý của rất nhiều người dân, doanh nghiệp trong và ngoài nước thông qua các sự kiện đã được tổ chức thời gian qua. Thế nhưng, với tình trạng môi trường như hiện nay khó có thể để lại hình ảnh “Cà Mau xanh - sạch - đẹp” trong lòng du khách.
Bảo vệ môi trường là bài toán khó, đòi hỏi rất nhiều yếu tố, ngoài cơ sở hạ tầng kỹ thuật thì ý thức của người dân cùng chung tay bảo vệ môi trường là nhân tố quan trọng. Tuy nhiên, để làm được cần có kế hoạch, chương trình và giải pháp cụ thể, từ việc tham gia của người dân trong bảo vệ môi trường cho đến việc áp dụng các chế tài theo quy định của pháp luật./.
Nguyễn Phú