ĐT: 0939.923988
Thứ ba, 7-1-25 04:01:01
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Ô nhiễm môi trường từ các nhà máy

Báo Cà Mau (CMO) Ðầu năm 2022, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) phối hợp với các đơn vị tiến hành khảo sát công tác bảo vệ môi trường và tình hình sản xuất của các cơ sở sản xuất trong khu công nghiệp Hoà Trung. Mặc dù các cơ sở sản xuất khu vực này đã được đầu tư hệ thống xử lý nước thải, đối với các cơ sở có loại hình sản xuất có phát sinh mùi hôi thì đầu tư hệ thống thu gom, xử lý khí thải khép kín, nhưng hiện vẫn phát hiện sai phạm về môi trường.

Ông Phan Vân Minh, Phó giám đốc Sở TN&MT, cho biết: “Ngoài công tác kiểm tra chuyên ngành,  Sở TN&MT đã phối hợp với các đơn vị, tổ kiểm tra liên ngành về bảo vệ môi trường, Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (Công an tỉnh) tiến hành kiểm tra đột xuất 2 cơ sở sơ chế trên địa bàn xã Lương Thế Trân và Nhà máy Chế biến thuỷ sản Giang Châu; qua kiểm tra, phát hiện vẫn còn vi phạm, đã xử lý nghiêm”.

Ông Võ Minh Thống, xã Tân Trung, huyện Ðầm Dơi, bức xúc: “Ô nhiễm nguồn nước đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến nuôi thuỷ sản ở xã Tân Trung, đặc biệt các hộ dân ven tuyến sông Bảy Háp, sông Cà Mau - Ðầm Dơi. Nguyên nhân được xác định là nước thải từ các nhà máy ở Khu Công nghiệp Hoà Trung. Do đó, công tác quản lý cần nghiêm minh hơn, vừa bảo vệ môi trường, vừa bảo vệ sản xuất của Nhân dân”.

“Hiện nay, các cơ sở sản xuất công nghiệp ảnh hưởng đến địa bàn xã Tân Trung, huyện Ðầm Dơi như Nhân dân phản ánh chủ yếu là các cơ sở trong Khu Công nghiệp Hoà Trung”, ông Phan Vân Minh nhấn mạnh.

Thông tin từ Sở TN&MT, Khu Công nghiệp Hoà Trung hiện có 7 cơ sở sản xuất thuộc đối tượng đánh giá tác động môi trường và 5 cơ sở sơ chế tôm, 1 cơ sở trên địa bàn xã Tân Trung, Nhà máy Chế biến thuỷ sản Giang Châu, 1 cơ sở trên địa bàn xã Thạnh Phú, Phân xưởng Sơ chế và bóc nõn tôm nguyên liệu Nhà Phấn.

Các cơ sở này chủ yếu sản xuất về lĩnh vực chế biến thuỷ sản, sản xuất nước mắm, dịch tôm, bột tôm và chitin. Trong đó, loại hình sản xuất nước mắm, dịch tôm và chitin là loại hình sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, tập trung tại các công ty: Công ty Cổ phần Việt Nam Food, Công ty TNHH kỹ nghệ sinh hoá Thịnh Long, Công ty TNHH MTV sản xuất thương mại xuất khẩu Ðại Phát. “Ngoài ra, địa bàn xã Tân Trung còn chịu tác động từ các cơ sở sản xuất công nghiệp tại khu vực Phường 8, TP Cà Mau và nước thải sinh hoạt của đô thị TP Cà Mau”, ông Phan Vân Minh phân tích.

Thời gian gần đây, các cơ sở đã đầu tư cơ bản hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải, khí thải và chuyển đổi công nghệ sản xuất sang sản xuất khép kín hoặc chuyển sang loại hình sản xuất khác ít ô nhiễm. Vì vậy, tình hình ô nhiễm do mùi hôi và nước thải tại khu vực đã cơ bản được khắc phục. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động sản xuất, các cơ sở vẫn có phát sinh khí thải, mùi hôi là do khâu vận hành hệ thống xử lý đôi lúc chưa được thực hiện đúng quy trình.

Cũng theo Sở TN&MT, hiện tại, Khu Công nghiệp Hoà Trung chưa được đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung, hầu hết các doanh nghiệp tự xây dựng hệ thống xử lý nước thải, nên khó kiểm soát việc vận hành hệ thống xử lý nước thải của các doanh nghiệp (việc vận hành công trình xử lý chất thải phụ thuộc vào ý thức chấp hành pháp luật của doanh nghiệp).

Vấn đề gây ô nhiễm môi trường ở Khu Công nghiệp Hoà Trung mỗi khi người dân phản ánh, có kiểm tra giám sát là phát hiện sai phạm. Ảnh: LÊ TUẤN

Những năm gần đây, Sở TN&MT và các cơ quan chức năng đã tiến hành nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh, trong đó tập trung tại các cơ sở dọc theo tuyến sông Gành Hào, kênh xáng Lương Thế Trân và lân cận (trong đó có các cơ sở như đã nêu ở Khu Công nghiệp Hoà Trung). Qua công tác thanh tra, kiểm tra đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính đối với các cơ sở vi phạm; tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở nghiêm chỉnh chấp hành việc vận hành các công trình bảo vệ môi trường, vận hành xử lý nước thải đạt quy chuẩn cho phép trước khi thải ra nguồn tiếp nhận.

Riêng từ năm 2020 đến hết năm 2021, do dịch Covid-19 nên các đoàn thanh tra, kiểm tra tại các cơ sở không thể triển khai hoặc phải tạm dừng. Năm 2022, Sở TN&MT đã phối hợp với các đơn vị, tổ tự quản về bảo vệ môi trường các xã tiến hành nhiều đợt giám sát công tác bảo vệ môi trường tại các cơ sở. Qua công tác giám sát, đã kịp thời chấn chỉnh các cơ sở thực hiện chưa tốt công tác bảo vệ môi trường, đề xuất kiểm tra đột xuất đối với các cơ sở có dấu hiệu vi phạm.

Ðể chấn chỉnh việc thực hiện công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất theo phản ánh, Sở TN&MT đã tuyên truyền, yêu cầu các cơ sở rà soát quy trình công nghệ thu gom, xử lý khí thải, đánh giá hiệu quả xử lý; tăng cường công tác xử lý khí thải, đặc biệt là tại công đoạn xử lý khí thải nhiễm mùi, đảm bảo khí thải sau xử lý đạt yêu cầu của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường. Song song đó, thu gom toàn bộ nước thải sản xuất đưa về hệ thống xử lý nước thải để xử lý, đảm bảo nước thải sau xử lý đạt yêu cầu của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường; khi vận chuyển nguyên liệu phải bảo đảm các yêu cầu về bảo vệ môi trường như chứa đầu vỏ tôm trong thùng có nắp đậy, thùng xe vận chuyển phải kín, bảo đảm không gây mùi, rò rỉ nước thải.

Về giải pháp lâu dài, ông Minh cho hay: Ðể đảm bảo công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp. Theo đó, tăng cường hoạt động của Tổ kiểm tra liên ngành về bảo vệ môi trường để kiểm tra, phát hiện xử lý các vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với các đối tượng thuộc loại hình chế biến thuỷ sản và nuôi tôm siêu thâm canh. Yêu cầu các đối tượng lắp đặt hệ thống quan trắc tự động truyền dữ liệu về Sở TN&MT để theo dõi, giám sát, kịp thời phát hiện vi phạm. Thực hiện Dự án đầu tư trang thiết bị, hệ thống tiếp nhận tín hiệu camera giám sát và điện kế điện tử để quản lý việc vận hành hệ thống xử lý chất thải tại các doanh nghiệp trong khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Cà Mau (trong đó có Khu Công nghiệp Hoà Trung và các cơ sở nêu trên).

Sản xuất hiệu quả, không ảnh hưởng, tác động tiêu cực lẫn nhau và đảm bảo môi trường là một trong những mối quan tâm lớn đang khẩn trương thực hiện. Trong đó, cấp bách vẫn là công tác quy hoạch khu công nghiệp có mùi nằm xa khu dân cư. Khi nào vẫn còn thực trạng "kiểm tra là phát hiện sai phạm" thì môi trường, hoạt động sản xuất và đời sống người dân vẫn đang bị đe doạ./.

 

Phong Phú

 

Liên kết hữu ích

Ðoàn kết đấu tranh phòng, chống tham nhũng

Hiện nay, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Ðảng được chỉ đạo quyết liệt từ Trung ương đến địa phương, cơ quan, đơn vị. Các trường đều đưa nội dung giáo dục đạo đức, lối sống về chủ đề phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vào các buổi họp chi bộ cũng như họp hội đồng sư phạm tại trường.

Niềm tin vào khí thế mới

Năm 2024 đã khép lại, ở thời khắc chuyển giao sang năm mới, chắc hẳn mỗi người đều có cho riêng mình những dự định, quyết tâm và niềm hy vọng về những điều tốt đẹp trong năm mới cho gia đình, cho sự phát triển của quê hương, đất nước.

Lan toả điều tích cực để an dân, tạo sức đề kháng, thành trì vững chắc trong lòng dân

Năm 2024, các hoạt động của ngành Tuyên giáo luôn bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng của Ban Tuyên giáo Trung ương và Tỉnh uỷ, góp phần ổn định tình hình tư tưởng trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Đó là một trong những nội dung được đề cập tại Hội nghị tổng kết công tác Tuyên giáo năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025, vào sáng 31/12. Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành, Trường Chính trị tỉnh, các cơ quan báo chí, Ban Tuyên giáo các huyện, thành phố tham dự hội nghị.

Cuộc “cách mạng” của báo chí

Tại Hội nghị Báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2025, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Ðảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, đã nhấn mạnh một công việc hệ trọng của báo chí cách mạng trong giai đoạn mới: “Báo chí phải thực hiện tốt sứ mệnh trong kỷ nguyên mới”.

Nửa đời tìm nhau

Ở các địa phương miền Tây Nam Bộ, chúng tôi tìm gặp một số cán bộ lão thành, học sinh miền Nam (HSMN) tập kết ra Bắc năm 1954. Trong câu chuyện kể của họ, ngoài ký ức đẹp về tấm lòng Nhân dân miền Bắc dành cho HSMN tham gia học tập, từ nơi ở, chén cơm, manh áo... còn là những mối tình “cơ duyên trời định”. Người còn sống giờ tuổi đã ngoài 80, nhưng khi nhắc nhớ về kỷ niệm ở miền Bắc, họ lại ngời lên những ký ức năm xưa.

Hệ trọng công tác dân tộc, tôn giáo

Công tác dân tộc, tôn giáo là vấn đề hệ trọng, được Ðảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm chăm lo từ thể chế đến chủ trương, chính sách. Theo đó, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc ngày càng được nâng cao; hoạt động tôn giáo ngày càng bình đẳng, ổn định, tự do trong khuôn khổ pháp luật. Những giá trị tốt đẹp của tôn giáo đã hoà quyện vào nền văn hoá truyền thống của dân tộc.

Tự hào tuyến đường rợp cờ Tổ quốc

Từ lâu, việc treo cờ Tổ quốc vào dịp lễ, Tết, chào mừng các sự kiện trọng đại của đất nước, của tỉnh đã trở thành nghi lễ quen thuộc, là niềm tự hào, là nét đẹp văn hoá truyền thống luôn được các cấp, các ngành, các địa phương và đông đảo Nhân dân trong huyện Ngọc Hiển nghiêm túc thực hiện. Treo cờ Tổ quốc không chỉ thể hiện lòng yêu nước, niềm tự hào của mỗi người dân Việt Nam nói chung, huyện Ngọc Hiển nói riêng, mà còn thể hiện tinh thần đoàn kết, cùng chung sức, chung lòng xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

Phòng, chống tham nhũng: Không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ

Qua 5 năm triển khai cho thấy, Luật PCTN đã kế thừa những ưu điểm Luật PCTN năm 2005 và Luật PCTN sửa đổi, bổ sung các năm 2007 và 2012; tiếp thu, cụ thể hoá những nội dung mới của Hiến pháp năm 2013 và thể chế hoá chủ trương, quan điểm, chính sách của Đảng thành pháp luật. Các quy định của Luật đã tạo hành lang pháp lý đầy đủ hơn, đáp ứng được những yêu cầu nhất định của cuộc đấu tranh PCTN trong tình hình mới; công tác đấu tranh PCTN được thực hiện quyết liệt theo chủ trương “không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.

Giải pháp ngăn chặn, đẩy lùi thông tin xấu, độc

Theo số liệu thống kê của Bộ TT&TT, từ khi thành lập vào năm 2021 đến nay, hằng năm, Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam tiếp nhận và xử lý hàng ngàn tin giả, tin sai sự thật, dán nhãn tin giả và công bố công khai trên website www.tingia.gov.vn, bước đầu tạo được niềm tin trong Nhân dân.

Người về bến cũ

Bến Sông Ðốc - địa danh gắn liền với sự kiện lịch sử chuyến tàu tập kết, những ngày cuối năm 2024 chứng kiến cuộc hội ngộ đặc biệt của cựu học sinh miền Nam. Họ, những người từng bước lên tàu rời quê hương cách đây 70 năm để ra Bắc học tập, cống hiến, nay trở lại bến xưa với mái đầu bạc trắng và trái tim ngập tràn cảm xúc.