ĐT: 0939.923988
Chủ nhật, 8-9-24 08:30:16
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

OCOP - Hướng đến sản xuất chất lượng, thương hiệu

Báo Cà Mau (CMO) Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 7/5/2018. OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và chuỗi giá trị gia tăng. Là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Với điều kiện tự nhiên phong phú, đa dạng, tỉnh Cà Mau có nhiều tiềm năng trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp để hình thành các sản phẩm OCOP. Hiện tỉnh có 6 nhãn hiệu hàng hoá tập thể cho các sản phẩm đặc thù của Cà Mau liên quan đến Chương trình OCOP, như Mật ong U Minh, Tôm khô Rạch Gốc, Khô bổi Trần Văn Thời, Mắm lóc Thới Bình, Bồn bồn Cái Nước, Cá khoai Cái Đôi Vàm. Đồng thời, tỉnh đã công nhận 19 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, với những mặt hàng đa số đều nằm trong danh mục phát triển sản phẩm OCOP của tỉnh. Hiện nay, các cơ sở sản xuất các mặt hàng này hoạt động ngày càng hiệu quả, hàng được thị trường trong nước đã và đang tiêu thụ mạnh, giá bán khá ổn định với mức cao, như các loại tôm khô, bánh phồng tôm, chả cá phi, dưa bồn bồn, khô các loại, mật ong...

Phó giám đốc Sở NN&PTNT Châu Công Bằng cho biết, chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030 sẽ góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp theo tư duy mới, góp phần quan trọng phát triển kinh tế nông thôn, thúc đẩy Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Chương trình mỗi xã một sản phẩm sẽ tạo sức bật cho sản xuất nông nghiệp, nông thôn và nông dân, dần thay đổi tập quán sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, hình thành các liên kết sản xuất, mở rộng quy mô và xây dựng các hệ thống sản phẩm chủ lực của địa phương. Kinh tế hộ nông thôn sẽ chuyển dịch theo hướng phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hoá. Đây còn là giải pháp hiệu quả để phát triển nhóm sản phẩm cấp xã, huyện, đồng thời đưa thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững.

Mục tiêu của đề án đặt ra, đến cuối năm 2020 tỉnh phải tiêu chuẩn hoá ít nhất 25 sản phẩm, dịch vụ hiện có. Công nhận, chứng nhận ít nhất 10 sản phẩm đạt 3-4 sao, phát triển, nâng cấp ít nhất 22 tổ chức kinh tế tham gia Chương trình OCOP. Sản phẩm OCOP được đánh giá theo 5 hạng, trong đó sản phẩm hạng 5 sao là cao nhất, bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng quốc tế. Tính đến nay, Chương trình OCOP chính thức được triển khai tại nhiều tỉnh/thành trên phạm vi toàn quốc.

Tôm khô Rạch Gốc là một trong những sản phẩm đặc trưng của huyện Ngọc Hiển.

U Minh là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế trong phát triển kinh tế nông, lâm, ngư nghiệp.  Trưởng phòng NN&PTNT huyện U Minh Phạm Văn Sóng cho biết, huyện xác định 9 sản phẩm thế mạnh đặc trưng gồm: Cây bồn bồn xã Khánh An; Nghề đan đát truyền thống và trái dâu Cái Tàu ở xã Nguyễn Phích; Rau sạch thị trấn U Minh; Cá lóc đồng xã Khánh Lâm; Cá khô biển xã Khánh Hội; Nấm rơm xã Khánh Hoà; Chả cá phi xã Khánh Tiến; Chuối xiêm xã Khánh Thuận. Để các sản phẩm ngày càng phát triển, huyện chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành huyện, Chủ tịch UBND các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền rộng rãi trong Nhân dân được biết và thực hiện đạt hiệu quả.

Mục tiêu của Chương trình OCOP nhằm phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh (ưu tiên phát triển hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa) để sản xuất các sản phẩm, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị. Bên cạnh đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho Nhân dân và thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí Kinh tế, tổ chức sản xuất trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử khẳng định: "Chương trình OCOP là chương trình không thể thiếu cho sự thành công của chương trình tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Chính vì vậy, Chương trình OCOP phải lựa chọn sản phẩm đặc trưng của từng vùng, từng địa phương đáp ứng yêu cầu trong nước và mục tiêu xuất khẩu".

Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến tất cả cán bộ, đảng viên và người dân hiểu rõ mục đích, yêu cầu của Chương trình OCOP. Xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên, lâu dài để huy động, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và Nhân dân cùng tham gia thực hiện./.

Trung Đỉnh