Trên địa bàn TP Cà Mau hiện vỉa hè thường xuyên bị các hộ kinh doanh tại chỗ và những người mua gánh bán bưng tận dụng để trưng bày hàng hoá, mở dịch vụ sửa chữa, quán xá…, người đi bộ đôi khi phải đi dưới lòng đường. Nhiều năm qua, việc giải toả lấn chiếm vỉa hè được các ngành, các cấp chính quyền địa phương quan tâm thực hiện, nhưng tình trạng tái chiếm vỉa hè vẫn chưa được khắc phục triệt để và diễn biến phức tạp hơn vào ban đêm.
Trên địa bàn TP Cà Mau hiện vỉa hè thường xuyên bị các hộ kinh doanh tại chỗ và những người mua gánh bán bưng tận dụng để trưng bày hàng hoá, mở dịch vụ sửa chữa, quán xá…, người đi bộ đôi khi phải đi dưới lòng đường. Nhiều năm qua, việc giải toả lấn chiếm vỉa hè được các ngành, các cấp chính quyền địa phương quan tâm thực hiện, nhưng tình trạng tái chiếm vỉa hè vẫn chưa được khắc phục triệt để và diễn biến phức tạp hơn vào ban đêm.
Chỉ trật tự khi có kiểm tra
Phường 5 là một trong những đơn vị điểm xây dựng văn minh đô thị. Tuy nhiên, trật tự vỉa hè các tuyến đường trên địa bàn phường vẫn chưa đảm bảo. Ông Lê Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND phường 5, cho biết: “Công tác đô thị môi trường ở phường chỉ có 2 người phụ trách, việc tổ chức kiểm tra phải vận động bảo vệ dân phố và nhờ hỗ trợ của lực lượng công an. Mặt khác, phường chưa có xe chuyên dụng vận chuyển phương tiện, hàng hoá vi phạm lấn chiếm vỉa hè, những đợt kiểm tra phải nhờ xe của Ðội Quản lý đô thị trật tự thành phố, nhưng không phải lúc nào cũng có xe vì các phường đều có nhu cầu”.
Kiểm tra, sắp xếp trật tự hành lang vỉa hè nhưng không bao lâu lại tái phát. |
Theo ông Mã Ngoan Cường, Chủ tịch UBND phường 8, đã qua, công tác tuyên truyền cũng như kiểm tra xử phạt vi phạm lấn chiếm vỉa hè được phường chỉ đạo lực lượng công an tăng cường thực hiện. Do chưa phối hợp chặt chẽ các lực lượng và thiếu phương tiện vận chuyển chuyên dụng nên tái chiếm vỉa hè vẫn còn xảy ra.
Trên tuyến đường Nguyễn Tất Thành (địa bàn phường 8), đêm xuống các xe bán thức ăn lưu động, quán ăn, quán nhậu bắt đầu lấn ra vỉa hè. Không chỉ mất an toàn giao thông mà theo đó là vấn đề môi trường bị ô nhiễm do nước thải sinh hoạt. Thực tế là hàng loạt cây xanh trên tuyến này đã bị chết non do úng nước (có khi là nước nóng các quán ốc tưới xuống).
Khu vực chợ phường 7 lâu nay gần như không có vỉa hè do hộ kinh doanh buôn bán lấn chiếm thường xuyên, trong khi đó phân cấp quản lý lại mâu thuẫn nhau. Sắp xếp đăng ký kinh doanh là do Ban quản lý chợ (thuộc công ty dịch vụ - thương mại) phụ trách, còn quản lý trật tự đô thị, vệ sinh môi trường lại do thành phố quản lý, mà trực tiếp là UBND phường 7. Thực tế thì Ban quản lý chợ thu tiền thuê hộ kinh doanh (hợp đồng hằng năm) sau đó thì buông lơi quản lý. Nhiều hộ dân tự ý bỏ ra ngoài bán, không chỉ lấn chiếm vỉa hè mà còn tạo sự bất bình giữa các hộ kinh doanh với nhau.
Ðường Nguyễn Trãi (địa bàn phường 9), từ ngã tư giao cắt đường Nguyễn Trãi - Phan Ngọc Hiển đến đoạn tiếp giáp với phường Tân Xuyên, được nâng cấp mở rộng chiều từ nhiều năm, nhưng đến thời điểm này vỉa hè vẫn còn rất lộn xộn. Bởi, trên tuyến này, đoạn từ ngã tư giao cắt đường Nguyễn Trãi - Phan Ngọc Hiển đến cầu số 1 do vướng bồi hoàn, còn đoạn từ cầu số 1 đến tiếp giáp với phường Tân Xuyên thì do thiết kế cống thoát nước sai quy cách. Chính vì chưa phân cấp vỉa hè nên hành lang trên tuyến này từng lúc rất phức tạp, mà đây lại là tuyến đường chính nối mạch Quốc lộ 63.
Tăng cường quản lý
“Thời gian qua, địa phương chú trọng nhiều đến công tác tuyên truyền, việc kiểm tra cũng được thực hiện nhưng chưa thường xuyên vì thiếu nhân lực, phương tiện phục vụ. Hơn nữa, quá trình kiểm tra, lực lượng làm nhiệm vụ thường là nhắc nhở, buộc hộ kinh doanh cam kết không tái phạm”, ông Mã Ngoan Cường cho biết.
Theo ông Cường, tới đây, UBND phường sẽ chỉ đạo lực lượng công an tăng cường kiểm tra và xử lý dứt khoát các trường hợp cam kết nhiều lần nhưng không thực hiện, hàng quán kinh doanh làm hư hại cây xanh… Tuy nhiên, phường 8 cần được trợ cấp xe chuyên dụng vận chuyển phương tiện vi phạm để có điều kiện ra quân kiểm tra thường hơn và như thế người dân sẽ ý thức tốt hơn.
Ông Lê Thanh Tùng cho rằng, chưa xử lý dứt điểm tình trạng tái chiếm hành lang vỉa hè một phần là do trách nhiệm cán bộ quản lý địa bàn. “Những tuyến đường chính qua địa bàn phường như: đường Phan Ngọc Hiển, Trần Hưng Ðạo, Hùng Vương… từng được đánh giá là những tuyến đường trật tự đang có biểu hiện phức tạp. Vì vậy, UBND phường đã chỉ đạo các lực lượng tăng cường kiểm tra và sẽ bàn giao lại địa bàn “sạch” cho Ban Nhân dân và cảnh sát khu vực quản lý với các điều khoản quy định trách nhiệm cụ thể”.
Phó Chủ tịch UBND TP Cà Mau Huỳnh Thanh Dũng thừa nhận: Vỉa hè bị tái chiếm một phần là do năng lực quản lý của địa phương còn kém, từ sự nới lõng quản lý của địa phương, người dân chủ quan và ý thức tự giác chưa cao. Song, từng bước xử lý tình trạng này, thành phố đang có những tính toán chấn chỉnh phù hợp.
Trước tiên là UBND TP Cà Mau chỉ đạo các phường rà roát lại việc sử dụng vỉa hè của người dân đúng với ranh mức quy định. Trường hợp những người chỉ thuê vỉa hè để bán quán ăn (nhất là các quán có phục vụ rượu, bia) thì phải xử lý nghiêm túc. Bởi, thuê vỉa hè thì không có nhà vệ sinh, nơi tập trung rửa chén bát… và dĩ nhiên những thứ nước thải này sẽ đổ xuống đường hoặc tạt vào những vách hẻm công cộng. Hơn nữa, việc nấu nướng lộ thiên cạnh các cây xanh sẽ làm cây chậm phát triển, chết non…
Thành phố sẽ xin cơ chế thành lập Tổ trật tự đô thị ở mỗi phường. Các tổ này sẽ phụ trách vệ sinh môi trường, trật tự đô thị trên địa bàn và chỉ chịu trách nhiệm quản lý trực tiếp của Chủ tịch UBND phường. Kinh phí hoạt động của tổ, trước mắt sẽ sử dụng tiền sử phạt vi phạm hành chính. Ðồng thời, UBND thành phố sẽ xét cấp xe chuyên dụng thí điểm ở một số phường trung tâm./.
Bài và ảnh: Mỹ Pha