Trong thời buổi "tấc đất, tấc vàng", nhất là ở đô thị, vậy mà tại Khóm 5, Phường 6, TP Cà Mau, có một cán bộ hưu trí đã mạnh dạn cho hàng chục hộ dân mượn đất cất nhà ở, ổn định cuộc sống. Nghĩa cử này không phải ai cũng làm được.
- Một chính sách an sinh xã hội ưu việt
- Ghi nhận nhiều ý kiến về các chính sách an sinh xã hội
- Thúc đẩy tiếp cận an sinh xã hội và tạo điều kiện tốt hơn cho nữ nông dân
Đó là ông Lưu Ngọc Ẩn (Hai Ẩn), người được bà con nghèo nơi đây gọi bằng cái tên thân thương là “ông cha, ông bố”, bởi chỉ có tình thương bao la như của đấng sinh thành mới có thể làm được điều đó.
Ông Hai Ẩn là cán bộ hưu trí, trước đây công tác tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; từng tập kết ra Bắc năm 1954 và trở về miền Nam công tác vào năm 1962. Sau khi nghỉ hưu, ông tiếp tục công tác tại địa phương. Hơn 10 năm giữ vai trò Bí thư Chi bộ khóm, ông luôn thấu hiểu và cảm thông cho những mảnh đời vất vả, cơ cực.
Giàu lòng trắc ẩn, tình yêu thương, nghĩa cử cao đẹp của ông Hai Ẩn đã lan toả tinh thần nhường cơm sẻ áo trong cuộc sống. Ảnh: MỘNG THƯỜNG
Ông Hai Ẩn chia sẻ: “Quá trình tôi làm Bí thư Chi bộ, một số người nghèo quá, vô năn nỉ tôi cho ở nhờ. Tôi thấy họ khổ, không nhà ở, tôi đồng ý, lúc cao điểm cất được tới 14 căn nhà. Nhưng chỗ tôi, khi vô ở phải ký cam kết không tệ nạn, chí thú làm ăn thì tôi mới cưu mang. Tới nay, có người làm ăn khấm khá, rồi cũng có một số người đã ra ngoài cất nhà ở”.
Mảnh đất ông đang ở ngang 12 m, dài 90 m, ông chia cho 2 người con sống hai bên, căn nhà cấp 4 ở giữa là nơi hai ông bà hiện đang sinh sống. Nhà cửa không có nhiều tiện nghi, phòng khá nhỏ, đồ đạc đã cũ. Dù vậy, ông bố trí ngăn nắp, có vườn rau, ao cá gọn gàng. Ðiều đáng trân quý là tấm lòng nhân ái của ông Hai Ẩn dành cho những hoàn cảnh khó khăn.
Với những người dân không có nhà ở, cần mẫn lao động, ông cho mượn đất cất nhà ở tạm. Mỗi căn nhà ngang 4 m, dài 6 m.
Bà Lê Kim Phượng, bán vé số ở Khóm 5, Phường 6, được ông Hai Ẩn cho mượn đất cất nhà, bộc bạch: “Tôi sống ở đây hơn 30 năm rồi, ông bố nói ai đi thì đi chớ tôi thì cứ ở đây, vì chí thú làm ăn và không có tệ nạn. Ở lâu quen rồi nên coi nhau như người nhà. Lúc gia đình tôi gặp cảnh bệnh hoạn không có tiền, ông bố cho mượn. Lúc chồng tôi chết, bố cũng lo hòm rương và lo đám tang, cho nên tôi thương ông lắm”.
Ông Lý Bé Tư, Trưởng khóm 5, Phường 6, cho biết: “Ông Ẩn là cán bộ lão thành cách mạng, sau khi về hưu ông tham gia công tác cùng địa phương. Ðược cấp phần đất khá dài nhưng ông không xây cất nhà khang trang mà chỉ ở trong căn nhà cấp 4. Rồi với phần đất dư ra, ông cho những hộ dân bị giải toả khu vực sân bay về cất nhà ở, dần dà thành nơi lưu trú của những hộ khó khăn không nhà ở. Nghĩa cử này của ông Hai Ẩn đáng được trân trọng, biểu dương”.
Gần đây nhất, ông đã ký giấy cho 2 hộ nghèo mượn đất lâu dài để Nhà nước cất cho căn nhà Ðại đoàn kết, góp phần cùng địa phương xoá trắng hộ nghèo trên địa bàn.
Ông Lâm Bảo Xuyên, Chủ tịch UBND Phường 6, cho biết: “Bác Hai Ẩn rất quan tâm đến công tác an sinh xã hội. Mỗi lúc vận động mà còn thiếu gì (như bảo hiểm y tế cho hộ nghèo, tập vở cho học sinh đầu năm học mới, nhà Ðại đoàn kết...) là bác sẵn lòng giúp đỡ. Gần đây nhất, bác ký giấy cho 2 hộ nghèo mượn đất ở lâu dài để địa phương cất nhà cho người nghèo. Bác Hai như cây cao bóng cả, Bác nói dân nghe lắm, nên có việc gì cần hoà giải, ở đâu khó khăn, cứ mời bác đến giúp đỡ là thành công”.
Ông Hai Ẩn trải lòng: “Bởi vì mình là đảng viên thì phải giúp đỡ những người nghèo. Tôi cho mượn đất ở đến khi nào họ có điều kiện thì họ đi”.
Thực hiện lời căn dặn của Bác, việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh, đảng viên Lưu Ngọc Ẩn đã cống hiến cả thanh xuân cho đất nước, nay tuổi đã cao, ông lại tiếp tục góp cả sức người và sức của cho công tác giảm nghèo tại nơi cư trú./.
Ngọc Huệ