(CMO) Chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh Cà Mau vào sáng 18/8, ông Huỳnh Quốc Việt, Uỷ viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó bí Thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo, lưu ý, chuyển đổi số phải bắt đầu từ người dân, lấy người dân làm trung tâm. Tiếp thu những cách làm hay, từng bước đổi mới căn bản, toàn diện, phấn đấu đưa Cà Mau trở thành một trong những tỉnh chuyển đổi số thành công của cả nước.
Thực hiện Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 26/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển Chính phủ điện tử hướng đến Chính phủ số, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, Cà Mau được giao thực hiện 20 nhiệm vụ, trong đó 10 nhiệm vụ có thời hạn và 10 nhiệm vụ không có thời hạn, thực hiện theo định kỳ hàng năm. Kết quả, đến nay, đã hoàn thành 5 nhiệm vụ, 5 nhiệm vụ đang triển khai chưa hoàn thành còn trong hạn. Đối với các nhiệm vụ không có thời hạn, đã triển khai 7 nhiệm vụ, 2 nhiệm vụ chưa đến kỳ triển khai, 1 nhiệm vụ chưa triển khai.
Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt chỉ đạo, các đơn vị, địa phương tích cực phối hợp chặt chẽ thực hiện hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu chuyển đổi số. |
Tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo các sở, ngành địa phương trao đổi về một số khó khăn vướng mắc trong thực hiện các nhiệm vụ về chuyển đổi số trên hệ thống iOffice; giải quyết hồ sơ trên môi trường mạng còn khó khăn do thói quen người dân; vấn đề nhân lực số để đảm bảo hệ thống chuyển đổi số đồng bộ liên thông.
Các thành viên Ban chỉ đạo trao đổi, góp ý dự thảo Ban hành Kế hoạch hoạt động của Ban chỉ đạo năm 2022 và Quy chế hoạt động của Ban và Tổ công tác giúp việc. Trong đó, đề ra 25 mục tiêu cần phải thực hiện, đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần nâng cao hiệu quả công tác chuyển đổi số của tỉnh.
Theo đánh giá của các thành viên Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh Cà Mau, tỷ lệ nộp hồ sơ trực tuyến đạt thấp do thói quen người dân. |
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt chỉ đạo, các đơn vị, địa phương phải nhìn nhận những khó khăn, khắc phục sự lơ là, thiếu tập trung trong thời gian qua, để từ đó xây dựng những giải pháp thiết thực, xác định người dân là trung tâm, chủ thể. Xây dựng các kế hoạch để đảm bảo thực hiện tốt 25 nhiệm vụ đã đề ra. Tiếp thu những cách làm hay, từng bước đổi mới căn bản, toàn diện, phấn đấu đưa Cà Mau trở thành một trong những tỉnh chuyển đổi số thành công của cả nước.
Các địa phương rà soát thành lập, kiện toàn ngay ban chỉ đạo số cấp huyện, xã, đồng bộ từ cấp tỉnh đến cơ sở, nhanh chóng đưa các cơ sở dữ liệu vào guồng máy vận hành. Khẩn trương, quyết liệt đẩy nhanh xác thực mã định danh cho người dân; xây dựng nên tảng dự liệu số ngành nông nghiệp, làm cơ sở để phục vụ người dân thông tin về sản xuất, thị trường tiêu thụ, các mô hình; đảm bảo an toàn thông tin trên môi trường mạng rất quan trọng...
"Tất cả thực hiện với mục tiêu chuyển đổi số bắt đầu từ người dân, lấy người dân làm trung tâm, làm cho người dân thấy công nghệ là dễ dàng, thiết thực. Từ đó, tạo nên cộng đồng số, phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số", Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.
Đến nay, so cùng kỳ năm 2021, toàn tỉnh có 167.300 số thuê bao băng rộng cố định (cáp quang), tăng 12,4%; 797.573 thuê bao băng rộng di động (3G/4G), tăng 11,3%. Hệ thống iOffice đã triển khai trên 655 cơ quan, đơn vị nhà nước trên địa bàn tỉnh, có gần 11.000 tài khoản người dùng. Tổng số chữ ký số chuyên dùng hiện đang sử dụng tại các cơ quan, đơn vị Nhà nước là 1.733, tăng 592 chữ ký so với năm 2021.
Các đơn vị, địa phương đang từng bước ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết công việc, thủ tục hành chính. |
Về ứng dụng, dịch vụ công nghệ thông tin phục vụ người dân, doanh nghiệp, đã công khai 1.974 thủ tục hành chính cấp tỉnh; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến có phát sinh hồ sơ là 37%. 8 tháng năm 2022, có 2.191 lượt cài đặt ứng dụng CaMau-G, luỹ kế đến nay có 4.950 lượt cài đặt; số lượng có sử dụng ứng dụng (trong năm 2022) là 2.975; đã tiếp nhận 142 phản ánh của tổ chức, cá nhân trên Ứng dụng phản ánh hiện trường./.
Hồng Nhung - Khánh Phương