Cùng với nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền vùng biển, thời gian qua, Ðồn Biên phòng (ÐBP) Sông Ðốc, Bộ đội Biên phòng (BÐBP) tỉnh Cà Mau tiếp tục triển khai nhiều biện pháp nghiệp vụ, ngăn chặn, đẩy lùi hoạt động của các loại tội phạm, góp phần giữ vững an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội trên địa bàn khu vực biên giới biển.
Đồn Biên phòng Sông Ðốc được giao nhiệm vụ quản lý 32,7 km chiều dài bờ biển thuộc địa bàn huyện Trần Văn Thời, với 9 cửa sông thông ra biển (trong đó có 7 cửa sông không có trạm kiểm soát biên phòng). Ðịa bàn khu vực biên giới biển gồm 4 xã (Phong Ðiền, Khánh Hải, Khánh Bình Tây, Khánh Bình Tây Bắc) và thị trấn Sông Ðốc, người dân sinh sống chủ yếu bằng nghề khai thác thuỷ sản, dịch vụ và nông, lâm nghiệp. Xác định rõ vai trò là lực lượng chủ trì trong quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, cấp uỷ, Ban Chỉ huy ÐBP Sông Ðốc đã triển khai đồng bộ, hiệu quả các biện pháp công tác, nắm chắc tình hình, đấu tranh phòng, chống có hiệu quả các loại tội phạm và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật.
Thiếu tá Ðỗ Văn Lanh, Ðồn trưởng ÐBP Sông Ðốc, đánh giá: “Sau tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, tình hình an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội trên khu vực biên giới biển đơn vị quản lý cơ bản ổn định, kinh tế - xã hội tiếp tục phát triển. Tuy nhiên, hoạt động của các loại tội phạm còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, nhất là tội phạm buôn lậu xăng dầu, thuốc lá, gian lận thương mại, vận chuyển hàng hoá trái phép, trộm cắp tài sản trên sông; các phương tiện vỏ gỗ, composite (không có biển số đăng ký) lợi dụng đêm tối, sử dụng công cụ kích điện kết nối với bộ ngư cụ đẩy te để khai thác thuỷ sản tại một số khu vực thuộc vùng biển ven bờ và trên các tuyến sông vẫn còn xảy ra với phương thức, thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi”.
ÐBP Sông Ðốc kiểm tra phương tiện vỏ gỗ sử dụng kích điện khai thác thuỷ sản trái phép.
Trên cơ sở đánh giá, phân tích, dự báo một số tình hình có liên quan, đơn vị đã chủ động xây dựng kế hoạch quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia năm 2024 gắn với tiếp tục triển khai kế hoạch thực hiện đợt cao điểm đấu tranh phòng, chống tội phạm; phòng, chống ma tuý; phòng, chống mua bán người; chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên khu vực biên giới biển tỉnh Cà Mau dịp trước, trong và sau tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 với phương châm “Rõ nhiệm vụ, phân công cụ thể, gắn trách nhiệm trong tổ chức thực hiện”.
Song song đó, đơn vị thường xuyên phối hợp chặt chẽ với công an, quân sự huyện và các xã, thị trấn ven biển thực hiện hiệu quả Nghị định số 03/2019/NÐ-CP ngày 5/9/2019 của Chính phủ về việc phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ Quốc phòng trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và nhiệm vụ quốc phòng gắn với thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ “Về tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”. Làm tốt công tác điều tra cơ bản, nắm chắc tình hình địa bàn, mục tiêu, đối tượng; thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm soát lưu động kết hợp với kiểm soát chặt chẽ người, phương tiện ra, vào hoạt động trên biển tại các trạm kiểm soát biên phòng.
ĐBP Sông Đốc phối hợp cấp phát tờ rơi cho Nhân dân trên địa bàn.
Ngoài ra, đơn vị tăng cường lực lượng, thành lập các chốt tại các cửa sông không có trạm kiểm soát biên phòng có đông phương tiện thường xuyên ra, vào hoạt động để tuyên truyền, kiểm tra, kiểm soát phòng chống khai thác IUU đối với các phương tiện thuộc diện 3 không (không đăng ký, không đăng kiểm, không có giấy phép khai thác) theo chỉ đạo của UBND tỉnh và Bộ Tư lệnh BÐBP.
Thiếu tá Ðỗ Văn Lanh cho biết thêm: “Từ việc chủ động nắm chắc tình hình hoạt động của các đối tượng, kết hợp với triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, từ ngày 15 đến 23/3/2024, ÐBP Sông Ðốc đã độc lập bắt giữ 6 vụ/6 trường hợp tàng trữ, sử dụng kích điện để khai thác thuỷ sản; phối hợp Ðội Quản lý thị trường số 3, Cục Quản lý thị trường Cà Mau bắt giữ 1 vụ/1 đối tượng tàng trữ thuốc lá điếu nhập lậu, tạm giữ tang vật gồm 546 bao thuốc lá điếu nhập lậu. Ðặc biệt, ngày 23/3/2024, quá trình tuần tra bảo vệ chủ quyền vùng biển kết hợp phòng, chống khai thác IUU, đơn vị đã phát hiện, bắt giữ tàu cá KG 91987 TS do ông Lương Văn Ri, sinh năm 1963, địa chỉ thường trú tại tỉnh Tiền Giang, làm thuyền trưởng cùng 3 thuyền viên đang vận chuyển 36 ngàn lít dầu DO không hoá đơn chứng từ chứng minh tính hợp pháp. Hiện các vụ việc trên, đơn vị đang phối hợp với lực lượng nghiệp vụ BÐBP tỉnh tiếp tục điều tra, xác minh làm rõ và tham mưu cho cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật”.
ÐBP Sông Ðốc kiểm tra, phát hiện tàu cá KG 91987 TS đang vận chuyển số lượng lớn dầu DO không hoá đơn chứng từ.
Bên cạnh đó, đơn vị luôn xác định công tác tuyên truyền có vai trò rất quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ của BÐBP nói chung và đơn vị nói riêng, là biện pháp công tác cơ bản, làm cơ sở, nền tảng để thực hiện các biện pháp công tác khác.
Thiếu tá Trần Thanh Ngoan, Bí thư Ðảng uỷ, Chính trị viên ÐBP Sông Ðốc, chia sẻ: “Trước hết, cấp uỷ, Ban Chỉ huy đơn vị luôn chú trọng làm tốt công tác giáo dục chính trị, động viên tư tưởng, xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng, ý chí quyết tâm cao để 100% cán bộ, chiến sĩ khi được phân công nhiệm vụ phải chủ động khắc phục khó khăn, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ trong mọi tình huống”.
Cùng với thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền vùng biển, huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, đấu tranh phòng, chống tội phạm. Ðơn vị đã phối hợp với cấp uỷ, chính quyền địa phương, các lực lượng đứng chân trên địa bàn đẩy mạnh tuyên truyền cho ngư dân khai thác hải sản trên biển về ý nghĩa của việc quản lý, bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, tác hại, hậu quả của việc khai thác nguồn lợi thuỷ sản có tính huỷ diệt theo Chỉ thị số 17-CT/TU ngày 26/2/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Cà Mau; ý thức tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về chống khai thác IUU, các loại thủ tục, giấy tờ của người, phương tiện khi ra, vào hoạt động trên biển; đấu tranh ngăn chặn, tố giác các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng hoá trái phép... thông qua hệ thống truyền thanh địa phương, tuyên truyền trực tiếp đến từng hộ gia đình, cấp phát tờ rơi khi phương tiện làm thủ tục xuất, nhập bến tại trạm (chốt) kiểm soát biên phòng và mô hình tiếng loa biên phòng”.
Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của quần chúng Nhân dân, ngăn chặn, đẩy lùi hoạt động của tội phạm, từng bước giảm thiểu tình trạng vi phạm pháp luật trên địa bàn, giữ vững bình yên cho Nhân dân nơi biên giới biển./.
Hoàng Tặng