“Việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền thông qua nhiều hình thức đã mang lại hiệu quả tích cực ban đầu, tạo thành phong trào và nâng cao nhận thức, ý thức tự giác, trách nhiệm toàn dân trong chống khai thác nguồn lợi thuỷ sản có tính huỷ diệt, tận diệt trên địa bàn toàn tỉnh”, ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), đánh giá qua thời gian thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 17-CT/TU, ngày 26/2/2024, của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về việc tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền đối với việc khai thác nguồn lợi thuỷ sản có tính huỷ diệt, tận diệt trên địa bàn tỉnh.
- Tuổi trẻ bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản
- Cách hay bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản
- Cùng bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản
- Tạo thói quen bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản
Cụ thể, từ sự tuyên truyền và vận động của các cấp, nhiều hộ dân đã tự giác, tự nguyện giao nộp được 1.809 bộ dụng cụ kích điện mang tính khai thác huỷ diệt nguồn lợi thuỷ sản; đồng thời, tịch thu và tiêu huỷ 573 bộ dụng cụ kích điện. Các đơn vị cấp huyện phối hợp với cấp xã tuần tra, kiểm tra, phát hiện, xử lý 618 vụ, với số tiền xử phạt trên 2,5 tỷ đồng đối với các hành vi vi phạm (chủ yếu là sử dụng công cụ kích điện khai thác nguồn lợi thuỷ sản trái phép). Ngoài ra, xử phạt 1 trường hợp kinh doanh, tàng trữ dụng cụ xung điện trái phép với số tiền 12,5 triệu đồng và tịch thu 3 bộ kích điện...
Xác định công tác tuyên truyền là chính, với quyết tâm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, thông qua nhiều hình thức, công tác tuyên truyền về chống khai thác thuỷ sản tận diệt, huỷ diệt được tổ chức rộng khắp trong tỉnh. (Ảnh chụp tại khóm 4, thị trấn Trần Văn Thời, huyện Trần Văn Thời).
Những điển hình tập hợp quần chúng tham gia tích cực, tạo sức lan toả, toàn dân cùng tham gia chống khai thác tận diệt, huỷ diệt, có thể kể đến như: huyện Ðầm Dơi đã tổ chức xây dựng được 71 tổ cộng đồng với 653 thành viên tham gia; huyện U Minh xây dựng được 4 tổ cộng đồng với 258 thành viên tham gia; huyện Ngọc Hiển đang rà soát, chọn 7 điểm dự kiến xây dựng tổ đồng quản lý nguồn lợi thuỷ sản. Ðây được xem là giải pháp quan trọng trong việc tiến tới chấm dứt tình trạng khai thác thuỷ sản mang tính huỷ diệt, tận diệt nguồn lợi thuỷ sản trong thời gian tới.
Cà Mau có rất nhiều phương tiện thuỷ gia dụng tham gia khai thác thuỷ sản trên biển, không những thiếu an toàn, mà đây còn là đối tượng gây ảnh hưởng lớn đến nguồn lợi thuỷ sản, đặc biệt là hệ sinh thái ven bờ. (Ảnh chụp tại cửa biển T29, xã Khánh Hội, huyện U Minh).
Ông Lê Minh Hiền, Chủ tịch UBND huyện Ðầm Dơi, cho biết, trên địa bàn huyện, người dân rất đồng tình ủng hộ thực hiện Chỉ thị 17-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ và đã tham gia tích cực, nâng cao trách nhiệm, tạo thành phong trào toàn dân cùng tham gia vào các tổ cộng đồng chống khai thác thuỷ sản mang tính huỷ diệt, làm chuyển biến tình hình thấy rõ. “Tuy nhiên, hiện vùng giáp ranh thường xuyên xuất hiện người của tỉnh lân cận sang khai thác thuỷ sản tận diệt và đã qua chúng tôi kiên quyết đấu tranh, xử lý mang tính răn đe bằng cách mở phiên toà xét xử lưu động. Tới đây, sẽ có thêm 1 trường hợp được xử lý tương tự trên địa bàn”, ông Lê Minh Hiền thông tin.
Tại huyện Ngọc Hiển, ông Trần Hoàng Lạc, Chủ tịch UBND huyện, cho biết, địa phương đã tiến hành ký cam kết với 1.580 người hành nghề khai thác thuỷ sản trên sông như nò, đó, lú, hàng đáy... và đang tiến hành tháo dỡ. “Ðợt này huyện sẽ làm kiên quyết, không để tái diễn trở lại tình trạng khai thác tận diệt trên sông như đã qua, đặc biệt là trong khai thác giống, cá non...”, ông Trần Hoàng Lạc đồng thời kiến nghị Sở NN&PTNT cần quy định rõ hơn về mùa vụ khai thác, phạm vi khai thác cũng như mắt lưới khai thác, đặc biệt là cần có hướng dẫn cụ thể, tránh trường hợp “nhầm lẫn” giữa khai thác con ruốc với cá kèo con, cua con...
Chủ tịch UBND huyện cũng mong muốn, cho phép địa phương được thực hiện các dự án nuôi hàu, sò trên sông, ven biển nhằm giải quyết việc làm đối với những hộ nghèo, không ngành nghề, hộ cần chuyển đổi sau khi buộc ngừng khai thác thuỷ sản mang tính huỷ diệt.
Ông Nguyễn Phương Bắc, Bí thư Huyện uỷ Phú Tân, khẳng định, đối với việc ngăn chặn chống khai thác thuỷ sản tận diệt, không ai làm tốt hơn bằng chính con người tại chỗ và đảng viên địa bàn. Người dân địa phương phải nắm cho được đối tượng, từ đó sẽ giải quyết được tận gốc của vấn đề. Theo đó, cần phát huy mạnh mẽ phong trào toàn dân cùng tham gia đấu tranh, nói không với khai thác tận diệt như các phong trào hành động cách mạng tại địa phương. Ðó không chỉ ngăn chặn, phòng ngừa đối với khai thác tận diệt, mà theo đó là đảm bảo an ninh trật tự địa bàn, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, chung sức xây dựng nông thôn mới...
Ðối với những vùng giáp ranh, ông Phan Hoàng Vũ cho biết, sẽ tham mưu lãnh đạo tỉnh trong cơ chế phối hợp với các tỉnh lân cận về quản lý con người, khai thác thuỷ sản. “Chúng ta làm quyết liệt, mà vùng lân cận lại không làm, để người dân sang tỉnh ta khai thác tận diệt, canh bắt mãi thì cũng không xử lý được triệt để”, ông Vũ bức xúc.
Về chuyển đổi nghề, ông Vũ khẳng định, những hoạt động khai thác tận diệt không phải là nghề được quy định trong khai thác thác thuỷ sản. Tuy nhiên, khi tiến hành xoá bỏ, cần xem xét đối tượng khó khăn để linh hoạt áp dụng vào các chính sách từ chương trình phát triển, để họ có cuộc sống ổn định, bền vững, tránh tái diễn hoạt động cũ.
Cà Mau đang tiến hành thực hiện phương án “Thí điểm thiết kế, lắp đặt thiết bị cắt cap kết hợp với chà dây để dẫn dụ cá và ngăn chặn tàu làm nghề lưới kéo hoạt động khai thác trái phép vùng biển ven bờ tỉnh Cà Mau”, đến nay, Chi cục Thuỷ sản đã tổ chức lựa chọn nhà thầu thi công lắp ráp các nhánh chà, tiến hành thả chà dây và theo dõi, kiểm tra, giám sát quá trình phục hồi nguồn lợi thuỷ sản. Tỉnh cũng đã thực hiện Dự án xây dựng hình thành khu vực cư trú nhân tạo cho các loài thuỷ sản (thả rạn nhân tạo), đang phát triển khá tốt. Cùng với đó, tỉnh thực hiện dự án thả bổ sung một số loài thuỷ sản bản địa quý hiếm, có giá trị kinh tế cao góp phần tái tạo nguồn lợi thuỷ sản; xây dựng khu bảo tồn và phát triển cá đồng tại huyện U Minh.
Trần Nguyên