ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 5-7-25 06:34:26
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Phập phồng sợ thiếu nước

Báo Cà Mau Những năm qua, công tác cấp nước sạch nông thôn trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống và sức khoẻ người dân, đảm bảo an sinh xã hội. Tuy nhiên, nhu cầu sử dụng nước sạch trong dân ngày càng cao, cần nguồn kinh phí đầu tư lớn, góp phần nâng chất lượng cuộc sống người dân vùng nông thôn. Ðây cũng là cơ sở để các địa phương thực hiện đạt chỉ tiêu tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch thuộc tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới (NTM) và NTM nâng cao.

Toàn tỉnh hiện có 94,52% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh. Trong đó, sử dụng nước từ công trình tập trung 40.858 hộ (17,47%); nước từ giếng khoan riêng lẻ 180.188 hộ (77,05%); hộ thiếu và không chủ động được nguồn nước 12.817 hộ (5,48%).

Nông dân xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời, đầu tư giếng nước khoan để chủ động nguồn nước sinh hoạt và phục vụ sản xuất.

Qua rà soát, đến nay toàn tỉnh có 60/82 xã đã được công nhận NTM. Tuy nhiên, đối chiếu với bộ tiêu chí giai đoạn 2021-2025 thì có khoảng 70% số xã không đạt và số xã còn lại (27 xã) đang trong quá trình về đích NTM, hầu hết cũng sẽ không đạt chỉ tiêu về tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn từ công trình cấp nước tập trung.

Ông Trịnh Chí Công, Chủ tịch UBND xã Tân Hải, huyện Phú Tân, cho biết, Tân Hải đạt chuẩn xã NTM năm 2015. So với bộ tiêu chí mới, xã cũng rớt nhiều tiêu chí, trong đó có chỉ tiêu tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch (trong tiêu chí môi trường). Hiện nay, xã chưa có đài nước tập trung, người dân chủ yếu sử dụng nguồn nước từ giếng khoan, máy lọc nước gia đình. Ðịa phương đang xây dựng đạt chuẩn xã NTM nâng cao, phấn đấu về đích cuối năm 2025 nên rất cần được hỗ trợ kinh phí để thực hiện đạt tiêu chí này.

Chị Phạm Thị Muôn, ấp Công Nghiệp, xã Tân Hải, cho hay: "Gia đình tôi cũng như đa phần bà con ở đây tự khoan giếng nước để sử dụng trong sinh hoạt, tưới rau màu. Vì điều kiện xa xôi, dân cư thưa thớt, dù khó khăn nhưng bà con cũng ráng đầu tư khoan giếng nước, chứ thiếu nước rất bất tiện trong sinh hoạt lẫn sinh kế”.

Chị Phạm Thị Muôn (bìa phải), ấp Công Nghiệp, xã Tân Hải, đầu tư khoan giếng nước gần 10 triệu đồng để chủ động nước trong sinh hoạt, tưới rau màu.

Ðược biết, toàn tỉnh hiện có 245 công trình cấp nước tập trung nông thôn. Trong đó, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn (NS&VSMTNT) quản lý, vận hành 25 công trình đang hoạt động có hiệu quả, cung cấp nước cho 24.327 hộ dân sử dụng; số công trình còn lại do UBND cấp xã quản lý, cung cấp nước cho 16.531 hộ dân.

Ông Lê Công Nguyên, Giám đốc Trung tâm NS&VSMTNT, thông tin, thời gian qua, tỉnh quan tâm, tập trung nguồn lực đầu tư nhiều công trình cấp nước nối mạng phục vụ sinh hoạt của người dân. Tuy nhiên, do kinh phí hạn hẹp nên trước đây các công trình được đầu tư với quy mô nhỏ, manh mún, không đồng bộ, chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Tỷ lệ người dân sử dụng nước giếng khoan riêng lẻ rất lớn, chiếm 77%, nên không thể kiểm soát được lưu lượng khai thác, dẫn đến nguy cơ dễ cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước và rất khó xử lý nước đảm bảo chất lượng đồng bộ. Giai đoạn 2023-2025, bằng nguồn vốn Trung ương và vốn địa phương, Trung tâm đang triển khai 7 công trình xây dựng mới và 7 công trình nâng cấp mở rộng mạng đường ống, cấp nước tập trung cho gần 15 ngàn hộ gia đình. Bên cạnh đó, các vùng nông thôn trong tỉnh cần được hỗ trợ đầu tư các công trình xử lý nước nhằm đảm bảo nguồn nước phục vụ Nhân dân, góp phần giảm thiểu việc khai thác nguồn nước ngầm trong dân.

Ông Lê Công Nguyên (bìa phải), Giám đốc Trung tâm NS&VSMTNT kiểm tra công trình cấp nước tập trung tại UBND xã Lợi An, huyện Trần Văn Thời.

Theo ngành chức năng, khó khăn lớn nhất của tỉnh hiện nay là do không có nguồn nước mặt (nước ngọt) thay thế nguồn nước dưới đất, nên nguồn nước đầu vào hạn chế, khó có thể xây dựng công trình cấp nước sạch tập trung có quy mô lớn (liên xã, liên huyện...). Thời gian qua, việc một số địa phương đầu tư xây dựng mở rộng lộ, cầu, vỉa hè, mương thoát nước làm ảnh hưởng rất lớn đến tuyến ống cấp nước, nhiều dự án không bố trí nguồn kinh phí di dời, yêu cầu đơn vị quản lý vận hành tự di dời, hoặc đầu tư chồng lấn, làm hư hỏng, vùi lấp đường ống, đồng hồ nước.

Trung tâm NS&VSMTNT tỉnh thực hiện công trình dẫn 2.000 m ống nhựa phục vụ nước sạch cho khoảng 200 hộ dân thuộc xã Khánh Bình Tây Bắc và Khánh Bình Ðông (huyện Trần Văn Thời) từ nguồn vận động mạnh thường quân tài trợ.

Theo kế hoạch của UBND tỉnh, thực hiện chiến lược quốc gia cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh, mục tiêu đến năm 2030 có 65% số hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch đạt chất lượng theo quy chuẩn, với số tối thiểu 60 lít/người/ngày, phấn đấu nâng tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung lên 50% (tương đương 117 ngàn hộ dân).

Hiện nay, số hộ sử dụng nước từ công trình tập trung khoảng 41 ngàn hộ, do đó, để đạt mục tiêu trên cần phải đầu tư các công trình cấp nước tập trung để tăng thêm khoảng 76 ngàn hộ dân, với tổng nhu cầu kinh phí khoảng 1.368 tỷ đồng. Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã kiến nghị UBND tỉnh cho chủ trương xây dựng đề án cấp nước sạch nông thôn gắn với xây dựng NTM đến năm 2030.

Chị Lê Hồng Gấm, ấp Ðá Bạc, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, phấn khởi vì gia đình đã sử dụng nước sạch từ công trình nước tập trung trên 10 năm nay.

Song song đó, ngành nông nghiệp đã triển khai thực hiện các giải pháp để cấp nước sinh hoạt, như đầu tư xây dựng công trình mới; mở rộng, kéo dài tuyến ống công trình cấp nước; hỗ trợ dụng cụ trữ nước, xây dựng thí điểm và giới thiệu, hướng dẫn, vận động thực hiện mô hình dự trữ nước mưa để sử dụng trong những tháng mùa khô; nâng cấp, cải tạo, đấu nối hoà mạng các công trình cấp nước tập trung hiện có nhằm phát huy hết công suất thiết kế. Ðồng thời, kêu gọi các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp hỗ trợ bồn nhựa trữ nước, thiết bị xử lý nước hộ gia đình cho người dân bị ảnh hưởng, đầu tư bồn nhựa 10 m3 đặt tại UBND xã, nhà văn hoá... vùng ven biển, hải đảo để cung cấp nước cho người dân khu vực chưa có công trình cấp nước tập trung. Tiếp tục đầu tư các công trình trữ nước và hệ thống cung cấp nước sinh hoạt tại các vùng khan hiếm nước, vùng bị ảnh hưởng xâm nhập mặn, với tổng các nguồn vốn đầu tư 180 tỷ đồng (vốn Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 106 tỷ đồng, vốn tỉnh 74 tỷ đồng), cấp nước tập trung cho hơn 14 ngàn hộ dân. Khai thác hồ chứa nước ngọt U Minh để cấp nước sinh hoạt cho các khu vực dân cư các huyện: U Minh, Thới Bình và Trần Văn Thời...

 

Loan Phương

 

Liên kết hữu ích

Hướng dẫn xác định giá bán, giá thuê mua nhà ở xã hội

Chính phủ ban hành Nghị định số 192/2025/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Nghị quyết số 201/2025/QH15 ngày 29/5/2025 của Quốc hội thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội.

Diện mạo mới trên những vùng quê mới

Sau khi hợp nhất tỉnh, Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) của tỉnh Cà Mau (mới) sẽ chính thức bước sang giai đoạn phát triển cao hơn, với quy mô lớn hơn. Không chỉ mở ra không gian phát triển liên kết vùng mạnh mẽ, việc hợp nhất 2 tỉnh Cà Mau - Bạc Liêu còn tạo điều kiện thuận lợi để các địa phương tiếp tục nâng tầm chất lượng NTM, hướng tới mục tiêu xây dựng những vùng quê đáng sống và phát triển bền vững.

Huyện anh hùng hoàn thành sứ mệnh lịch sử

Sau 3/4 thế kỷ hình thành và phát triển, huyện Trần Văn Thời - huyện anh hùng nằm ở phía Tây tỉnh Cà Mau, đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử, góp phần tô thắm trang sử vẻ vang của mảnh đất cuối trời Tổ quốc.

Cà Mau có xã đầu tiên đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu

Chiều 26/6, UBND TP Cà Mau long trọng tổ chức Lễ công bố quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh về công nhận xã Lý Văn Lâm đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu năm 2024.

Bừng sáng nông thôn mới vùng cực Nam

Những ngày này, Ðảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Ngọc Hiển hân hoan đón trái ngọt của hành trình nỗ lực vượt khó xây dựng nông thôn mới (NTM), khi 6/6 xã của huyện đã được công nhận đạt chuẩn, trong đó có 1 xã vươn lên đạt chuẩn NTM nâng cao. Càng ý nghĩa hơn khi thành quả này đến ngay trước thời điểm huyện Ngọc Hiển sẽ kết thúc hoạt động cấp huyện vào ngày 1/7 tới đây, tạo nền tảng cho các đơn vị cấp xã sau sắp xếp phát triển vững chắc ở giai đoạn lịch sử mới.

Tuổi cao gương sáng

Trong hành trình giữ gìn và phát triển bản sắc văn hoá dân tộc, người cao tuổi luôn đóng vai trò quan trọng, là cây cao bóng cả, tấm gương sáng cho lớp trẻ noi theo. Trong cộng đồng người Khmer ở Cà Mau có nhiều tấm gương sáng người cao tuổi. Ông Danh Xem, ở Ấp 6, xã Khánh Hoà, huyện U Minh, là điển hình.

Lễ công bố Quyết định công nhận xã Tam Giang đạt chuẩn nông thôn mới

Ngày 12/6, UBND huyện Năm Căn tổ chức Lễ công bố Quyết định công nhận xã Tam Giang đạt chuẩn nông thôn mới năm 2024. Thay mặt Tỉnh uỷ, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh, đồng chí Phan Hoàng Vũ, Tỉnh uỷ viên, Phó chủ tịch HĐND tỉnh đến dự.

Ðất Mũi về đích xã nông thôn mới

Xã Ðất Mũi (huyện Ngọc Hiển), vùng đất thiêng liêng nơi địa đầu cực Nam của Tổ quốc, có cuộc chuyển mình đầy ấn tượng trong xây dựng nông thôn mới (NTM). Ðến nay, xã Ðất Mũi đã đạt 19/19 tiêu chí NTM, diện mạo trên đà khởi sắc.

Tam Giang hiện thực hoá nông thôn mới

“Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) đã mang lại cuộc sống mới cho người dân nơi đây, diện mạo nông thôn khởi sắc, kinh tế - xã hội địa phương ngày càng phát triển, mạnh giàu. Chủ tịch UBND tỉnh đã ký Quyết định số 1033/QÐ-UBND, ngày 29/5/2025, công nhận xã Tam Giang đạt chuẩn NTM năm 2024", ông Lê Văn Suốt, Bí thư Ðảng uỷ xã Tam Giang, phấn khởi chia sẻ.

Khởi sắc nhờ sự quan tâm của Ðảng và Nhà nước

Sự quan tâm, chăm lo của Ðảng và Nhà nước, cộng với ý thức tự lực của người dân, đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn huyện U Minh ngày càng phát triển, diện mạo nông thôn thêm khởi sắc.