Ông Nguyễn Phương Nam, Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ (Công ty), cho biết, gần đây, qua công tác tuần tra, đơn vị phát hiện 2 vụ vi phạm đất rừng thuộc đơn vị quản lý.
Cụ thể, sáng ngày 15/4, lực lượng tuần tra quản lý bảo vệ rừng Liên tiểu khu 30/4 phát hiện hộ bà Nguyễn Thị Đời (Ấp 2, xã Khánh Hoà, có phần đất hậu tiếp giáp tuyến đê bao của Công ty tại vị trí Khoảnh 1, Tiểu khu 031, Liên tiểu khu 30/4; thuộc địa giới hành chính Ấp 2, xã Khánh Hoà) sử dụng hệ thống máy bơm sên vét cải tạo đầm nuôi tôm, xả bùn, đất và nước mặn vào bên trong đất lâm phần.
Hiện trường vụ việc hộ bà Nguyễn Thị Đời (Ấp 2, xã Khánh Hoà) sử dụng hệ thống máy bơm sên vét cải tạo đầm nuôi tôm, xả bùn, đất và nước mặn vào bên trong đất lâm phần của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ quản lý. (ảnh cắt từ clip do Công ty cung cấp)
Xét thấy đây là việc làm rất nghiêm trọng, nếu không ngăn chặn kịp thời sẽ làm ảnh hưởng đến sự phát triển của cây rừng, suy giảm chất lượng đất và tài nguyên rừng, ảnh hưởng đến bảo tồn và phát triển hệ sinh thái vùng rừng U Minh Hạ, ngoài ra còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ trong công tác bảo vệ đê bao ngăn mặn giữ ngọt, chống xâm nhập mặn, quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng; Công ty đã báo cáo UBND huyện U Minh và Tổ công tác 2584/QĐ-UBND và UBND xã Khánh Hoà.
Công ty và ngành chức năng đã xuống hiện trường để ngăn chặn, tuyên truyền cho hộ dân chấm dứt ngay hành vi vi phạm.
Qua tuyên truyền, hộ bà Nguyễn Thị Đời chấp hành dừng hoạt động sên vét xả thải vào lâm phần của Công ty và đưa phương tiện ra khỏi khu vực. Đồng thời, Tổ công tác tiến hành kiểm tra hiện trường, lập biên bản vụ việc.
Trước đó, vào lúc 17h30, ngày 11/4, hộ ông Nguyễn Văn Đương (Ấp 2, xã Khánh Hoà), đưa xáng cuốc vào sên vét vuông nuôi tôm có hậu đất tiếp giáp với bờ bao ngăn mặn bảo vệ hệ sinh thái rừng tràm của Công ty tại vị trí Khoảnh 01, Tiểu khu 031, Liên tiểu khu 30/4.
Theo ông Nam cho biết, tại hiện trường kiểm tra, hộ ông Nguyễn Văn Đương đưa xáng cuốc đặt ống cấp, thoát nước từ vuông tôm xuống kênh đê bao vách Lung Ngang, sau đó ban gạt đất bờ bao dẫn đến sạt lở đoạn đê bao chiều dài 18,6 m, chiều rộng 4 m, tổng diện tích sạt lở 74,4 m2; phần đê bao còn lại, bề ngang còn khoảng 6 m không đảm bảo việc ngăn mặn và có nguy cơ sạt lở thêm khi mùa mưa đến.
Đối với 2 vụ vi phạm nói trên, Công ty đã báo cáo, kiến nghị UBND huyện U Minh xem xét, xử lý đúng theo quy định pháp luật.
“Hiện tại đang cao điểm mùa khô, trên lâm phần Liên tiểu khu 30/4, hệ thống kênh rạch đang cạn kiệt nguồn nước ngọt, nguy cơ xâm nhập mặn là rất cao. Trước tình hình trên, hệ thống đê bao cần được bảo vệ nghiêm ngặt”, ông Nam nhấn mạnh.
Nhằm ngăn ngừa các trường hợp tương tự xảy ra trên lâm phần do Công ty quản lý, ông Nam kiến nghị ngành chức năng xem xét, xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm trong quản lý và bảo vệ rừng./.
Trung Đỉnh