ĐT: 0939.923988
Thứ sáu, 27-9-24 08:29:42
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Phát huy giá trị nghệ thuật đờn ca tài tử

Báo Cà Mau (CMO) Đờn ca tài tử là loại hình nghệ thuật dân gian đặc trưng của vùng đất Nam Bộ nói chung, Cà Mau nói riêng. Đờn ca tài tử được hình thành và phát triển từ cuối thế kỷ XIX, có nguồn gốc từ nhạc cung đình Huế, qua quá trình giao lưu tiếp biến văn hoá và chịu ảnh hưởng của các làn điệu âm nhạc dân gian miền Trung và Nam Bộ.

Di sản văn hoá nhân loại

Quá trình lưu truyền và sáng tạo trong đời sống dân gian dọc dài miền Trung đi về cuối đất, các bài bản của đờn ca tài tử được cải biên liên tục, từ 72 bài nhạc cổ, trong đó đặc biệt là 20 bài bản tổ (bài gốc) được thể hiện qua 4 điệu thức: Nam, Bắc, Hạ, Oán. Trong đó, điệu Nam có 3 bài diễn tả sự an nhàn, thanh thoát; điệu Bắc có 6 bài diễn tả sự vui tươi, phóng khoáng; điệu Hạ có 7 bài có tính trang nghiêm, thường sử dụng trong các dịp tế lễ; điệu Oán có 4 bài diễn tả tâm trạng đau buồn, chia ly, tiễn biệt… Dân gian thường nói gọn bằng một câu: “ba Nam, sáu Bắc, bảy bài (Hạ) và tứ Oán”.

Huyện Cái Nước là một trong những huyện có phong trào đờn ca tài tử phát triển mạnh của tỉnh Cà Mau. Ảnh: Phòng Văn hoá huyện Cái Nước cung cấp

Đờn ca tài tử đã đi vào đời sống tinh thần của cư dân Cà Mau từ hàng trăm năm qua và trở nên phổ biến đến nỗi hầu hết mọi người đều thuộc lòng ít nhất một vài bài để ca hát, giao lưu trong những dịp tiệc tùng, đám cưới, đám gả, đám cúng cơm, lễ hội, ngày Tết… ở thôn quê.

Chơi tài tử là cách chơi không phân biệt sang hèn, giai cấp. Đờn ca tài tử có thể diễn ra trên mâm nhậu, trên bàn tiệc hoặc ngồi bên bờ sông, bờ ruộng, có khi đang lênh đênh trên một chiếc xuồng xuôi ngược mưu sinh miền sông nước. Nhạc cụ để diễn tấu trong đờn ca tài tử cũng đa dạng, có đàn tranh, đờn kìm, đàn cò, đàn tam, đàn sến, độc huyền, đàn tỳ bà, song loan, sáo… sau này có thêm đàn ghi-ta phím lõm, hạ huy cầm…

Vào ngày 5/12/2013, tại phiên họp lần thứ VIII của UNESCO tổ chức tại thành phố Baku, nước Cộng hoà Azerbaijan, nghệ thuật đờn ca tài tử đã được công nhận là “Di sản Văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại”. Đây là sự khẳng định chắc chắn về giá trị quốc tế của loại hình nghệ thuật dân gian phổ biến ở 21 tỉnh, thành phố khu vực Nam Bộ, trải dài từ Ninh Thuận đến Cà Mau.

Sâu rộng phong trào đờn ca tài tử

Việc thực hành đờn ca tài tử trong đời sống dân gian ngoài giá trị nghệ thuật còn mang giá trị cố kết cộng đồng, phản ánh tâm tư, tình cảm của con người trong lao động và sản xuất, là chất liệu kết nối giữa người với người, là gia vị cho đời sống tinh thần thêm phong phú.

Sinh hoạt đờn ca tài tử hiện nay được tổ chức dưới hình thức câu lạc bộ. Theo số liệu thống kê mới nhất, toàn tỉnh Cà Mau có 594 câu lạc bộ đờn ca tài tử từ cấp tỉnh đến huyện, xã, ấp, khóm. Có những câu lạc bộ được tổ chức tại các cơ quan, đơn vị, khu du lịch… với hình thức sinh hoạt định kỳ hằng tuần, hằng tháng. Câu lạc bộ đờn ca tài tử của Trung tâm Văn hoá tỉnh được thành lập và duy trì hoạt động hơn 10 năm nay với lịch sinh hoạt vào những ngày cuối tuần, có lúc tổ chức sinh hoạt đến 3 kỳ trong một tuần, thu hút đông đảo các thành viên và người dân TP Cà Mau đến sinh hoạt, giao lưu.

Câu lạc bộ Đờn ca tài tử xã Phú Hưng, huyện Cái Nước mới được thành lập hơn một năm nay nhưng đã trở thành địa chỉ quen thuộc của người dân trong xã. Nhờ có địa điểm ổn định là Trung tâm Văn hoá - Thể thao xã, hằng tuần các thành viên câu lạc bộ và những người yêu thích đờn ca tài tử không hẹn mà tự tìm đến để ca hát, giao lưu. Đặc biệt hơn, từ các buổi sinh hoạt, giao lưu đờn ca tài tử đã phát hiện được nhiều tay đàn, giọng ca có triển vọng để giới thiệu tham gia các cuộc thi đờn ca tài tử cấp huyện và cấp tỉnh. Câu lạc bộ còn thường xuyên giới thiệu những thành viên “có nghề” đi phục vụ đờn ca tại các đám cưới, đám gả, đám giỗ, sinh nhật, thôi nôi, đầy tháng… trên địa bàn trong và ngoài xã, tạo thêm nguồn thu nhập cho các thành viên.

Từ tháng 9/2015, UBND tỉnh Cà Mau có quyết định phê duyệt Đề án “Bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ tỉnh Cà Mau giai đoạn 2015-2020”. Để triển khai thực hiện đề án, ngành văn hoá - thể thao và du lịch Cà Mau tổ chức nhiều hoạt động nhằm nâng cao nhận thức của các cấp uỷ đảng, chính quyền, đoàn thể và Nhân dân trong tỉnh về giá trị của nghệ thuật đờn ca tài tử. Khuyến khích người dân tích cực tham gia bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật đờn ca tài tử, bên cạnh đó tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ văn nghệ sĩ và nghệ nhân có điều kiện phát triển, trau dồi kỹ năng, từng bước nâng cao chất lượng của phong trào đờn ca tài tử tại các địa phương trong tỉnh, phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hoá tinh thần của Nhân dân.

Trong năm 2017, nhiều hoạt động đã được triển khai, trong đó có việc xét chọn, công nhận nghệ nhân tiêu biểu, câu lạc bộ đờn ca tài tử tiêu biểu bằng cách tiến hành bình chọn từ cơ sở, mỗi huyện chọn và giới thiệu từ 3-5 tài tử đờn, tài tử ca có nhiều hoạt động đóng góp, có thành tích xuất sắc đối với nghệ thuật đờn ca tài tử để đề nghị công nhận, tạo điều kiện cho việc xét chọn nghệ nhân ưu tú sau này.

Công tác củng cố và duy trì hoạt động của các câu lạc bộ đờn ca tài tử cũng được các ngành, các cấp, các địa phương quan tâm cùng với đầu tư các trang thiết bị âm thanh, nhạc cụ cho các câu lạc bộ ở địa phương đủ điều kiện sinh hoạt.

Để chăm bồi và phát triển lực lượng tham gia phong trào đờn ca tài tử ở địa phương, ngành văn hoá - thể thao và du lịch tổ chức nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng đờn ca tài tử với nội dung hướng dẫn thực hành các điệu thức, bài bản thông dụng như: Tứ đại, Giang nam, Văn thiên tường, Trường tương tư, Xàng xê, Ngũ đối hạ… và các bài vọng cổ nhịp 16, nhịp 32. Các lớp tập huấn được tổ chức tại địa phương đã thu hút đông đảo những người có năng khiếu và yêu thích đờn ca tài tử tham gia.

Việc sưu tầm và trưng bày các hiện vật, tài liệu, hình ảnh về hoạt động đờn ca tài tử của địa phương cũng được thực hiện. Nhiều hiện vật như đàn kìm, đàn bầu, đàn ghi-ta phím lõm, song loan… được các nghệ nhân sử dụng trong thời chiến và trong thời bình đã được sưu tầm lưu giữ, cùng với những hình ảnh sinh hoạt đờn ca tài tử qua nhiều thời kỳ được tập hợp và tổ chức trưng bày phục vụ người dân đến tham quan.

Theo kế hoạch của Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch, từ nay đến cuối năm 2017 sẽ tổ chức các hoạt động phát huy giá trị nghệ thuật đờn ca tài tử, tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá trên các phương tiện truyền thông, phổ biến các bài bản chính thức của đờn ca tài tử (20 bài bản Tổ), tổ chức giao lưu đờn ca tài tử giữa các xã theo hình thức liên hoan… Các hoạt động sẽ được triển khai thực hiện từ tỉnh đến cơ sở nhằm cụ thể hoá việc bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật đờn ca tài tử tại địa phương./.

Huỳnh Thăng

Tuyên dương học sinh trả lại của rơi

Ngày 24/9, UBND huyện U Minh tổ chức buổi trao giấy khen cho học sinh có hành động đẹp nhặt được của rơi trả lại cho người đánh mất, tại Trường THCS Nguyễn Thái Bình, thị trấn U Minh.

Trao 500 triệu đồng tạo sinh kế cho người khuyết tật

Sáng nay (24/9), tại Khách sạn Ánh Nguyệt, Doanh nghiệp xã hội Đời Rất Đẹp (DRD) phối hợp với Hội trợ giúp người khuyết tật Việt Nam (VNAH); Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin, Hội Bảo trợ Người tàn tật và Trẻ mồ côi tổ chức Lễ trao vốn sinh kế cho 50 người khuyết tật thuộc Dự án “Thực thi chính sách và trị liệu cho người khuyết tật” trên địa bàn tỉnh.

Hạnh phúc từ những điều không hoàn hảo

Dù bị mất một phần cánh tay phải, nhưng anh Trần Ðông Triều (44 tuổi, ngụ ấp Chống Mỹ, xã Hàm Rồng, huyện Năm Căn) vẫn có thể hoàn thành tác phẩm bonsai và giành giải Ðồng trong Hội thi Tay nghề cấp huyện lần thứ I, do Hội Sinh vật cảnh (SVC) huyện Năm Căn tổ chức.

An toàn sức khoẻ cho trẻ đến trường

Bệnh tay chân miệng (TCM) là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, chưa có vắc-xin phòng ngừa và đối tượng mắc bệnh chủ yếu trẻ em trong độ tuổi đến trường. Ðể bảo vệ an toàn sức khoẻ cho trẻ đến trường trong năm học mới, các trường mầm non trên địa bàn huyện Cái Nước chủ động triển khai các biện pháp phòng bệnh TCM.

Tăng cường lập lại trật tự đô thị

Thời gian qua, công tác quản lý, sắp xếp trật tự mua bán, vệ sinh môi trường tại các điểm chợ trên địa bàn các xã, phường thuộc TP Cà Mau được triển khai quyết liệt, chuyển biến tích cực, hiệu quả nhằm duy trì thường xuyên, trở thành nền nếp và nâng cao nhận thức của người dân. UBND thành phố phối hợp với các ngành có liên quan tổ chức kiểm tra công tác sắp xếp trật tự mua bán, vệ sinh môi trường, phòng cháy, chữa cháy...

Xã Lý Văn Lâm trên đường về đích nông thôn mới kiểu mẫu

Theo kế hoạch, những tháng cuối năm 2024 xã Lý Văn Lâm sẽ hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu (NTMKM). Ðây là một trong những công trình chào mừng Ðại hội Ðảng bộ TP Cà Mau nhiệm kỳ 2025-2030.

Tình thương tiếp sức đường học vấn

Sự tâm huyết và yêu thương của các thầy cô Trường Cao đẳng Cộng đồng Cà Mau được hiện thực hoá bằng những suất học bổng, phần quà như gạo, quần áo... dành tặng sinh viên nghèo vượt khó, giúp nhiều bạn trẻ viết tiếp ước mơ học vấn.

Ấm lòng người khó khăn

Những ngày này, đi qua tuyến đường Châu Văn Ðặng, Phường 5, TP Cà Mau, thấy thật ấm lòng khi bắt gặp thêm một địa chỉ giúp đỡ người khó khăn với mô hình “bánh bao treo”.

50 học sinh, sinh viên tại Cà Mau nhận học bổng The Corea Peace3000

Sáng 22/9, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị phối hợp với đại diện Tổ chức The Corea Peace3000 tại Cà Mau tổ chức triển khai “Chương trình học bổng - The Corea Peace3000”.

Đổi thay nhờ Dự án 8

Xã Tân Phú là 1 trong 6 xã của huyện Thới Bình triển khai thực hiện Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi”, với mục tiêu nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và tập trung giải quyết có hiệu quả một số vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030.