ĐT: 0939.923988
Thứ năm, 17-4-25 03:30:39
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Phát huy giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh về tam nông

Báo Cà Mau Nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn có vai trò, vị trí đặc biệt đối với sự tồn tại, phát triển của dân tộc, đất nước ta. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, những vấn đề về nông nghiệp, nông dân, nông thôn được thể hiện hết sức đặc sắc và vẫn còn vẹn nguyên giá trị, tính thời sự, tính dự báo và tính định hướng lâu dài cho lĩnh vực được xác định là trụ đỡ của nền kinh tế nước nhà trong bối cảnh đổi mới, hội nhập.

Tranh: MINH TẤN

Tranh: MINH TẤN

Tư tưởng nhất quán, xuyên suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tam nông

Năm 1946, khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà non trẻ vừa thành lập, Bác Hồ đã nói: “Nước ta là một nước sống về nông nghiệp. Nền kinh tế của ta lấy canh nông làm gốc”. Tại buổi nói chuyện với các anh hùng và chiến sĩ thi đua nông nghiệp (27/5/1957), Người khẳng định: “Nông dân ta là một lực lượng sản xuất rất to lớn, đồng thời là một lực lượng cách mạng rất to lớn”.

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, nông nghiệp, nông dân và nông thôn có vai trò, vị trí hết sức quan trọng trong sự nghiệp cách mạng và tiến trình phát triển xã hội. Bác nhấn mạnh: “Cách mạng của ta hiện nay là chống đế quốc, chống phong kiến. Nông dân là lớp người đông nhất trong Nhân dân, cho nên họ là quân chủ lực của cách mạng”. Lịch sử đã chứng minh vai trò và sức mạnh to lớn của Nhân dân, trong đó nòng cốt là liên minh công - nông trong công cuộc đấu tranh giành lại độc lập dân tộc, làm nên thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (2/9/1945).

Hồ Chí Minh coi nông nghiệp, nông dân, nông thôn là nền tảng cơ bản của nền dân chủ mới, là động lực để kiến thiết, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Chú trọng chăm lo, bồi dưỡng cho sức dân, trong đó có nông dân, cũng chính là nhiệm vụ hệ trọng để vun đắp, củng cố nền tảng vững chắc sự nghiệp cách mạng lâu dài của cả dân tộc trong bối cảnh đất nước đứng trước muôn vàn thử thách cam go.

Muốn nông nghiệp, nông dân, nông thôn tiến bộ, phát triển thì nhiệm vụ của cách mạng là phải thay đổi quan hệ sở hữu ruộng đất, đưa ruộng đất về tay nông dân. Cách mạng vô sản chân chính, triệt để là phải làm sao để người cày có ruộng. Bác nói: “Cách mạng ta là cách mạng dân tộc dân chủ. Cách mạng dân tộc dân chủ tức là cách mạng dân cày (do vô sản lãnh đạo) mà cách mạng dân cày là phải có chính sách ruộng đất đúng”.

Bác Hồ ví nông nghiệp và công nghiệp là hai chân của nền kinh tế, trong đó nông nghiệp là vế thứ nhất, tạo nền tảng, nguồn lực để phát triển công nghiệp. Ðể nông nghiệp thực sự vững mạnh, Bác chỉ ra những giải pháp cụ thể, hữu hiệu, đó là phải đưa hợp tác xã nông nghiệp là con đường nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam tiến lên và đem lại cuộc sống hạnh phúc, ấm no cho nông dân. Người đúc kết: “Cơ sở sản xuất nông nghiệp là hợp tác xã”.

Không chỉ là hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, cải tiến kỹ thuật canh tác được Bác Hồ xác định là khâu then chốt để đưa nền nông nghiệp nước ta đạt năng suất cao, giải phóng sức lao động và tiến lên mạnh mẽ hơn. Tư tưởng ấy được Bác nhấn mạnh về những cải tiến về nông cụ, về thuỷ lợi, các yếu tố “thiên thời” (mùa vụ); “địa lợi” (thổ nhưỡng đất đai); “nhân hoà” (phân công lao động).

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần đề cập đến ý tưởng xây dựng làng kiểu mẫu ở nông thôn. Ðó là sự tương tác hài hoà, kiến tạo những giá trị tích cực, tốt đẹp mới trong cuộc sống từ thành tố con người chủ thể (nông dân) - phương thức sản xuất (nông nghiệp) và không gian sinh sống (nông thôn).

Vận dụng sáng tạo, phù hợp và hiệu quả tư tưởng Hồ Chí Minh về “tam nông” trong bối cảnh mới

Hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh về nông nghiệp, nông dân, nông thôn vẫn vẹn nguyên giá trị, tính thời sự, tính dự báo và tính định hướng lâu dài cho lĩnh vực được xác định là trụ đỡ của nền kinh tế nước nhà trong bối cảnh đổi mới, hội nhập.

Ngay trước thềm đổi mới, tại Ðại hội Ðại biểu toàn quốc lần thứ V (3/1982), Ðảng ta đã xác định nông nghiệp là mặt trận hàng đầu, có vai trò nền tảng của nền kinh tế đất nước. Ðại hội Ðảng lần thứ VI (1986) tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng hàng đầu của nông nghiệp. Có thể khẳng định, công cuộc đổi mới của nước ta đã bắt đầu sớm nhất từ lĩnh vực nông nghiệp với “khoán 100” (Chỉ thị 100-CT/TW năm 1981) và sau này là sự ra đời của “khoán 10” (Nghị quyết số 10-NQ/TW năm 1988) đã cởi trói cho kinh tế nông nghiệp đất nước.

Ðại hội lần thứ VI khẳng định nhiệm vụ cấp bách của Ðảng ta là đổi mới toàn diện, trong đó đổi mới về tư duy là vấn đề hệ trọng, đổi mới tư duy bắt đầu từ đổi mới tư duy kinh tế, và nông nghiệp, nông dân, nông thôn là lĩnh vực đã tiên phong tạo ra tín hiệu, động lực đổi mới cho cả đất nước. Ðây là nền tảng quan trọng để tạo nên bước chuyển ngoạn mục của kinh tế - xã hội đất nước trước những thử thách cam go của lịch sử.

Trong gần 40 năm đổi mới của đất nước, các kỳ đại hội đại biểu toàn quốc của Ðảng tiếp tục xác định nông nghiệp, nông dân, nông thôn là những vấn đề hệ trọng. Dù bối cảnh có khác nhau, tuy nhiên, Ðảng ta luôn thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, coi đó là chiến lược, sách lược phát triển, đổi mới, hội nhập.

Ðại hội XIII của Ðảng xác định: “Nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế”. Ðiều này càng được sáng rõ trước những biến cố lớn như khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Kinh tế nông nghiệp là điểm sáng nhất trong bức tranh kinh tế Việt Nam, trở thành trụ đỡ vững vàng đưa đất nước từng bước phục hồi, phát triển. Trước diễn biến khó lường của tình hình quốc tế, vấn đề nông nghiệp được cụ thể hoá thành chiến lược an ninh lương thực, đảm bảo nguồn lực, tiềm lực của đất nước để ứng phó với những tình huống bất ngờ.

Ðại hội XIII xác định, con đường của nông nghiệp Việt Nam là phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, hiệu quả, bền vững. Nghị quyết Ðại hội XIII của Ðảng nêu rõ: “Chú trọng phát triển nông nghiệp sản xuất hàng hoá lớn, ứng dụng công nghệ cao; phát huy tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương”.

Nghị quyết Ðại hội XIII của Ðảng khẳng định: “Nông nghiệp có bước chuyển mạnh sang sản xuất hàng hoá, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng và hiệu quả, tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế; kinh tế nông thôn tiếp tục phát triển; chương trình xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả quan trọng, hoàn thành sớm hơn gần 2 năm so với kế hoạch đề ra, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn và đời sống nông dân”.

Ðể nông nghiệp, nông dân, nông thôn phát triển, cần thấm nhuần lời dạy của Bác, đó là “Công nông trí thức hoá. Trí thức công nông hoá”. Tức là phải đưa nền nông nghiệp nước ta trở thành nền kinh tế nông nghiệp hàng hoá hiện đại, người nông dân cũng là người làm kinh tế nông nghiệp, và phải hội tụ đủ các yêu cầu về tư duy, tri thức, nguồn lực để tồn tại, cạnh tranh và phát triển trong thị trường hàng hoá lớn. Nguồn nhân lực làm công tác quản lý, tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp cũng phải đặt mình vào lợi ích chung của nông dân, của đất nước, thật sự là những người bạn đồng hành tin cậy, vì lợi ích của nông dân.

Thành tựu của Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới bắt đầu từ năm 2010 làm thay đổi toàn diện, sâu sắc diện mạo của nông nghiệp, nông dân, nông thôn đất nước ta. Ðại hội XIII của Ðảng tiếp tục xác định việc đẩy mạnh Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, xây dựng đời sống văn hoá kiểu mẫu với hệ thống kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn đồng bộ và bảo vệ môi trường sinh thái. Qua đó làm cho diện mạo nông thôn Việt Nam thật sự trở thành kiểu mẫu lý tưởng như Bác Hồ từng mong đợi.

Tiếp tục phát huy giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong tình hình hiện nay là tiếp nối khát vọng của Người về một đất nước giàu mạnh, hạnh phúc, thực sự là của dân, do dân và vì dân. Phải xác định nông nghiệp, nông dân, nông thôn không chỉ là nền tảng, nguồn lực căn bản, mà còn là những hằng số tạo nên hồn cốt của con người, văn hoá dân tộc Việt Nam.

Phát triển nông nghiệp đồng bộ, hài hoà các lĩnh vực kinh tế khác. Coi nông nghiệp cũng là một lĩnh vực cần được tập trung đổi mới; tận dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, tri thức nhân loại để tạo nên bước đột phá lớn trong sản xuất, mang lại đời sống giàu có cho người nông dân, đồng thời xây dựng nông thôn Việt Nam trở thành hình mẫu lý tưởng để hoàn thành mục tiêu đưa nước ta tiến lên chủ nghĩa xã hội. Ðồng thời, phải đúc rút những bài học kinh nghiệm cả từ lý luận lẫn thực tiễn để phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta tiến bước kịp với thời đại, phù hợp với hoàn cảnh của đất nước.

Nghiên cứu, vận dụng tư tưởng của Hồ Chí Minh về nông nghiệp, nông dân, nông thôn còn giúp Ðảng ta, đất nước ta, dân tộc ta sáng tỏ hơn về con đường, giải pháp để tiến lên chủ nghĩa xã hội trong thời kỳ quá độ; tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Ðảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, phát triển để xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, hạnh phúc, trường tồn./.

(Tài liệu trích dẫn:

- Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011.

- Văn kiện Ðại hội Ðại biểu toàn quốc lần thứ XIII ÐCSVN, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2021).

 

Phạm Hải Nguyên

 

Trang sử Cà Mau thời kháng chiến năm 1973

Sau Hiệp định Paris năm 1973, về mặt đấu tranh công khai, Ban Liên hợp quân sự 4 bên khu vực 4 (Quân khu 9), do đồng chí Hoàng Hà làm Trưởng ban, đồng chí Phạm Văn Liêm làm Phó ban, Tổ liên hợp Cà Mau do đồng chí Tống Kỳ Hiệp và đồng chí Trịnh Thành Kế phụ trách đã đấu tranh chống lại sự vi phạm Hiệp định của địch trong khu vực. Ta buộc địch công nhận vùng tự do của ta ở Cà Mau và đã thực hiện việc trao trả tù binh ở Kinh Ba, xã Quách Phẩm, huyện Ngọc Hiển (Tư Kháng), Ðầm Dơi ngày nay.

Khai mạc Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII

Sáng 10/4, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã khai mạc trọng thể. Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì Hội nghị. Chủ tịch nước Lương Cường điều hành Phiên khai mạc.

Phát huy trách nhiệm học tập suốt đời

Trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ, mọi thứ thay đổi nhanh chóng, để kịp thời cập nhật và thích ứng với sự chuyển đổi nhanh của xã hội, đòi hỏi mọi cá nhân luôn trong trạng thái sẵn sàng học tập nâng cao năng lực, kỹ năng, hướng đến thực hiện tốt nhất sứ mệnh của mình. Ðối với cán bộ, đảng viên, để phục vụ Nhân dân ngày càng tốt hơn trong kỷ nguyên vươn mình của đất nước, học tập suốt đời trở thành nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên.

Từ bưng biền ra chợ

…Tình hình chiến sự khắp nơi vọng về, càng làm cho nắng tháng Tư nóng thêm. Ngày 10/3/1975, ta đánh chiếm Buôn Mê Thuột; ngày 29/3/1975, Ðà Nẵng được giải phóng; 31/3 tới Bình Ðịnh, cơ quan Dân y với mật danh là Mười Dân đang đứng chân ở Vườn Tre, cách ngã ba Cái Ðuốc - kinh Ông Ðơn không xa, ai nấy đều náo nức, cảm thấy mình ở quá xa mặt trận.

VƯƠN MÌNH TRONG HỘI NHẬP QUỐC TẾ

Tổng Bí thư Tô Lâm có bài viết với tiêu đề "Vươn mình trong hội nhập quốc tế". Báo Cà Mau trân trọng giới thiệu toàn văn bài viết của đồng chí Tổng Bí thư.

Cuộc thi chính luận sẽ thành công rực rỡ hơn nữa

Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên. Năm nay, cuộc thi nhận được sự quan tâm chỉ đạo đặc biệt của Thường trực Tỉnh uỷ, khi tổ chức Hội nghị phát động cuộc thi bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến đến 101 điểm cầu trong toàn tỉnh. Ông Nguyễn Ðức Hiển, Phó bí thư Thường trực Tỉnh uỷ làm Trưởng ban Chỉ đạo cuộc thi.

“Giềng mối” cho công tác dân tộc, tôn giáo

Thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy tổ chức, Sở Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Cà Mau được thành lập trên cơ sở tổ chức lại Ban Dân tộc tỉnh và tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy tham mưu quản lý Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo từ Sở Nội vụ; chính thức đi vào hoạt động từ đầu tháng 3/2025. Lần đầu tiên, một “giềng mối” cấp sở đã chính thức, chính danh đảm nhận nhiệm vụ quản lý Nhà nước ở 2 lĩnh vực quan trọng là dân tộc và tôn giáo ở cấp địa phương.

Về “Đất thép thành đồng”

Thiết thực các hoạt động chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931-26/3/2025), ngày 30/3, đồng chí Nguyễn Hồ Hải, Bí thư Tỉnh uỷ, cùng đoàn cán bộ Tỉnh đoàn đã có chuyến hành trình giáo dục truyền thống, về nguồn tại "Ðất thép thành đồng": Củ Chi - TP Hồ Chí Minh.

Những ngày tháng Ba của mùa Xuân đại thắng

Nửa thế kỷ đã qua kể từ mùa Xuân đại thắng 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, Bắc - Nam sum họp một nhà, đất nước thống nhất, kết thúc thắng lợi vẻ vang cuộc kháng chiến của dân tộc chống lại đế quốc sừng sỏ và bè lũ tay sai. Tháng 3/1975 là “đêm trước” của ngưỡng cửa chiến thắng. Cục diện chiến trường chuyển biến mau lẹ; không khí cách mạng dâng cao sục sôi; cùng với đó là sự lãnh đạo, chỉ đạo bằng tất cả ý chí, niềm tin, sức mạnh của Đảng ta, để toàn dân tộc cùng nhau kề vai chung sức, chớp lấy thời cơ, làm nên một chiến thắng vang dội, hào hùng, bất tử.

“Chùa Cộng sản” ở làng Thạnh Phú - Dấu xưa một thời

Trong hành trình tìm về quá khứ, có những việc tuy ngoài sách sử, nhưng lại đậm sâu trong ký ức nhiều người. Ðó cũng là câu chuyện về “chùa Cộng sản” ở làng Thạnh Phú, nay thuộc ấp Sở Tại, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước.