Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tại các trạm y tế xã đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Việc Marie Stopes International Việt Nam hỗ trợ mở rộng mô hình "Tình chị em" tại Cà Mau góp phần nâng cao chất lượng của đội ngũ nhân viên y tế, tăng cường tiếp cận của người dân với các dịch vụ công trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ sinh sản và kế hoạch hoá gia đình.
Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tại các trạm y tế xã đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Việc Marie Stopes International Việt Nam (MSIVN) hỗ trợ mở rộng mô hình "Tình chị em" tại Cà Mau góp phần nâng cao chất lượng của đội ngũ nhân viên y tế, tăng cường tiếp cận của người dân với các dịch vụ công trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ sinh sản (SKSS) và kế hoạch hoá gia đình (KHHGÐ).
Với khẩu hiệu “Thấu hiểu, kín đáo, tận tâm trong chăm sóc sức khoẻ”, Dự án “Tình chị em” cam kết với khách hàng khi đến trạm y tế nhận dịch vụ sẽ được đón tiếp nồng hậu, đồng cảm và thân thiện; cung cấp dịch vụ một cách chuyên nghiệp; tư vấn thấu đáo; môi trường phục vụ kín đáo và thoải mái, đầy đủ tiện nghi; cung cấp thông tin chính xác và chất lượng.
![]() |
Tuyên truyền nhóm tại cộng đồng luôn thu hút sự quan tâm của chị em phụ nữ. |
Chị Ðoàn Kim Tím, nhân viên phụ trách Phòng tư vấn “Tình chị em” tại Trạm Y tế xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước, thông tin, sau gần 3 năm hoạt động, Phòng khám tư vấn “Tình chị em” đã thu hút khách hàng đến với trạm nhiều hơn, chất lượng dịch vụ ngày càng tốt hơn. Nhân viên trạm đồng hành tổ chức các buổi truyền thông nhóm tại cộng đồng, nội dung tập trung vào các dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGÐ. Ðến nay, mỗi tháng trạm tiếp nhận khoảng 2.000 lượt người khám và nhận dịch vụ, tăng 10% so với trước đây.
Theo đó, mỗi trạm y tế nằm trong dự án sẽ được trang bị 1 phòng tư vấn khang trang, sạch sẽ, kín đáo, tiện nghi như bàn ghế, giá để tài liệu, bộ bình ly, bình nước, lọ hoa, tranh ảnh, bình phong, rèm cửa và tài liệu tuyên truyền luôn đáp ứng nhu cầu tư vấn về SKSS/KHHGÐ, cũng như tư vấn về chăm sóc sức khoẻ cho Nhân dân trong vùng.
Đồng thời, trang thiết bị, dụng cụ phòng, chống nhiễm khuẩn và dụng cụ thực hiện kỹ thuật dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGÐ được bổ sung đầy đủ, đảm bảo phục vụ công tác chăm sóc sức khoẻ cho Nhân dân tại trạm, như chăm sóc thai nghén, bộ đỡ đẻ, khám điều trị các bệnh lây truyền qua đường sinh sản và đường tình dục, thực hiện các biện pháp tránh thai...
Dự án “Tình chị em” tại các trạm y tế cam kết mang đến sự tôn trọng, gần gũi, thân thiện với tất cả mọi người. Nếu có nhu cầu tư vấn về sức khoẻ hay cần được chăm sóc SKSS, người dân đều có thể đến với phòng khám tư vấn “Tình chị em” mà không cần bất cứ điều kiện nào dù nam hay nữ, đặc biệt ưu tiên các đối tượng trong độ tuổi từ 15-49.
Bác sĩ Nguyễn Cao Hùng, Phó Ban Quản lý Dự án “Tình chị em” tỉnh Cà Mau, khẳng định: "Tất cả các nội dung và dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGÐ đều được thực hiện tại các trạm y tế. Ðối với trạm y tế có Dự án “Tình chị em” thì chất lượng dịch vụ y tế tốt hơn. Nhưng để có được điều đó trước hết phải có con người tốt về chuyên môn, tinh thạo về dịch vụ y tế, được trang bị cơ sở vật chất và trang thiết bị, đặc biệt là phải có đạo đức tốt, đó chính là những điều mà dự án tập trung vào".
Công tác truyền thông quảng bá thương hiệu được triển khai bằng nhiều hình thức: thực hiện 1 toạ đàm, 1 phóng sự truyền hình, 1 phóng sự phát thanh phát trên Ðài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, tổ chức hội thi tìm hiểu về dự án, tuyên truyền trên 8 số Bản tin y tế, Trang thông tin điện tử Sở Y tế Cà Mau, phát thanh trên đài phát thanh thuộc 30 xã của dự án. Hoạt động truyền thông nhóm tại cộng đồng 4 lần/tháng, thăm 5 hộ gia đình/tháng. Hoạt động giám sát hỗ trợ được Ban Quản lý tỉnh triển khai định kỳ hằng quý nhằm giúp đỡ nhân viên trạm y tế tuân thủ các quy trình chuyên môn tốt hơn.
Năm 2016 là năm cuối thực hiện giai đoạn 3 và 4 (nâng cao nhận thức và nhu cầu; nhân rộng mô hình) của dự án. Hiện nay, Ban Quản lý dự án tỉnh Cà Mau đã chọn 15 trạm y tế để nhân rộng mô hình. Chỉ đạo các phòng khám “Tình chị em” tiếp tục tổ chức các hoạt động truyền thông quảng bá thương hiệu thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, mạng lưới đại sứ thương hiệu. Hằng quý đều thành lập các đoàn để giám sát, hỗ trợ trạm y tế về chuyên môn, chất lượng dịch vụ, kỹ năng truyền thông. Thực hiện các dịch vụ kỹ thuật, tư vấn tại phòng thương hiệu và tại cộng đồng.
Sau khi dự án kết thúc, Sở Y tế cùng trung tâm y tế các huyện tiếp tục duy trì tốt các hoạt động của phòng khám “Tình chị em”. Ðồng thời, nhân rộng mô hình ra toàn tỉnh nhằm tăng cường sự tiếp cận của chị em phụ nữ trong độ tuổi sinh sản với các dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGÐ có chất lượng cao ngay tại trạm y tế mà không phải lên tuyến trên. Mô hình trạm y tế “Tình chị em” sẽ được duy trì, góp phần nâng cao sức khoẻ cho người dân tại địa phương, đặc biệt là chị em phụ nữ vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn./.
Bài và ảnh: Sơn Mai