Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xoá nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước tại phiên họp thứ 2 theo hình thức trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc, nhằm nắm bắt thuận lợi, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát tại các địa phương, vào ngày 12/1.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, phát biểu chỉ đạo tại phiên họp. (Ảnh chụp từ màn hình)
Cùng dự và chủ trì phiên họp tại điểm cầu Chính phủ có đồng chí Đỗ Văn Chiến, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung.
Tại điểm cầu Cà Mau, Phó bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Nguyễn Đức Hiển và Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thành Ngại chủ trì phiên họp. Cùng dự có Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Hồ Trung Việt, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Luân.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung thông tin kết quả công tác xoá nhà dột, nhà tạm trên phạm vi cả nước. Theo kết quả cập nhật của 27/63 địa phương trên phần mềm báo cáo, tính đến ngày 11/1/2025, đã hỗ trợ xoá nhà tạm, nhà dột nát được 84.888 căn cho người có công với cách mạng; hỗ trợ nhà ở thuộc 2 chương trình mục tiêu quốc gia và hỗ trợ nhà ở thuộc chương trình phát động xoá nhà tạm, nhà dột nát. Thông qua chương trình phát động, đến ngày 6/1, có 10 địa phương nhận được hỗ trợ từ 10 đơn vị với tổng kinh phí 1.165 tỷ đồng (đạt 33,36% theo phương án phân bổ). Và theo báo cáo của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tính đến ngày 2/1, Quỹ Vì người nghèo Trung ương đã tiếp nhận 72,452 tỷ đồng hỗ trợ xoá nhà tạm, nhà dột nát; trong số này đã hỗ trợ 13,260 tỷ đồng xây dựng mới và sửa chữa 240 căn nhà cho hộ nghèo, cận nghèo tại huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau.
Hội nghị ghi nhận 13 ý kiến phát biểu của 8 địa phương, 5 bộ, ngành chia sẻ những thuận lợi khó khăn, vướng mắc của các địa phương. Thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương đã chủ động hoàn thành nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo giao tại Thông báo số 523 và Công điện 117 của Thủ tướng Chính phủ. Bộ Quốc phòng đã đi đầu trong huy động nguồn lực hỗ trợ kinh phí xây dựng 9.200 căn nhà, với số tiền 460 tỷ đồng. Bộ Công an phấn đấu đến trước Tết Nguyên Đán hỗ trợ 1.000 căn nhà cho người nghèo tại 14 tỉnh đón Tết. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tích cực vận động các tổ chức tín dụng cam kết hỗ trợ bổ sung trên 83,95 tỷ đồng cho công tác xoá nhà tạm, nhà dột nát tại các địa phương.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao tinh thần, trách nhiệm của các bộ, ngành, các địa phương đã chung tay hưởng ứng tích cực chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát theo tinh thần Thủ tướng phát động. Đồng thời lưu ý, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, huy động toàn hệ thống chính trị vào cuộc thực hiện chương trình này. Biểu dương các cơ quan, các địa phương, Bộ quốc phòng, Bộ Công an đã tích cực và nhanh chóng thực hiện chương trình, để người nghèo sớm được hưởng lợi. Bên cạnh đó, nghiêm túc phê bình, nhắc nhở các bộ, ngành, địa phương chậm tiến độ, chưa huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Đây là chương trình liên quan đến nhiều bộ, ngành, chắc rằng sẽ gặp khó, nhưng khó mấy cũng phải làm, bởi đây là chương trình nhân văn, nhân ái sâu sắc, giúp đồng bào an cư, lạc nghiệp.
Đoàn kiểm tra của Uỷ ban MTTQ tỉnh kiểm tra tiến độ xây dựng nhà Chương trình xoá nhà tạm, nhà dột tại hộ bà Tiết Thị Bảy, thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển. (Ảnh minh hoạ)
Theo báo cáo cập nhật của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đến nay cả nước đã hoàn thành, bàn giao và đang xây dựng 84.888 căn nhà; còn khoảng 230.000 căn cần phải tập trung xây dựng, sửa chữa để hoàn thành từ nay đến cuối năm 2025. Để đảm bảo tiến độ, bình quân mỗi ngày cả nước phải có 650 căn hoàn thành, bình quân mỗi tỉnh phải hoàn thành 60 căn/ngày. Với khối công việc này đòi hỏi sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cùng sự nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, sáng tạo của các bộ, ngành, địa phương trong việc huy động các nguồn lực và tổ chức triển khai thực hiện chương trình với tinh thần ai có gì giúp nấy, ai có ít giúp ít, ai có nhiều giúp nhiều, ai có của giúp của, ai có công giúp công; cần sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là cấp uỷ đảng, chính quyền các cấp, các địa phương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội (Đoàn thanh niên, Công đoàn, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, lực lượng Công an, Quân đội…). Việc thực hiện thành công chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát trên cả nước trong năm 2025 mang lại nhiều ý nghĩa quan trọng, hiện thực hoá chủ trương, đường lối của Đảng; thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ ta, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân, để "không để ai bị bỏ lại phía sau" và thể hiện truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta: "lá lành đùm lá rách”, “lá rách ít đùm lá rách nhiều”. Đây cũng là chương trình thiết thực, thi đua lập thành tích chào mừng các sự kiện trọng đại của đất nước trong năm 2025.
Loan Phương