Để nâng cao chất lượng giảng dạy, cũng như chất lượng học tập của sinh viên, mỗi giảng viên phải có khả năng làm việc với cường độ cao, có tinh thần tự học, tự đổi mới, tiếp cận thực tế, thường xuyên cập nhật những thông tin, kiến thức, kỹ năng mới.
Để nâng cao chất lượng giảng dạy, cũng như chất lượng học tập của sinh viên, mỗi giảng viên phải có khả năng làm việc với cường độ cao, có tinh thần tự học, tự đổi mới, tiếp cận thực tế, thường xuyên cập nhật những thông tin, kiến thức, kỹ năng mới.
Giảng viên phải thành thạo kỹ năng giảng dạy như: cách tổ chức lớp học một cách khoa học, bố trí thời gian hợp lý giữa dạy lý thuyết và thực hành, tổ chức cho sinh viên thảo luận, hướng dẫn sinh viên chủ động trong học tập và tiếp thu kiến thức để biến kiến thức chung thành kiến thức của bản thân... Ðể giúp sinh viên thực sự chủ động trong việc tiếp thu và lĩnh hội tri thức, giảng viên phải là những “hướng dẫn viên” tốt. Phải biết kết hợp nhiều phương pháp dạy học phù hợp với điều kiện thực tế và xu hướng phát triển chung, nhằm phát huy tối đa sự chú ý, tư duy, sáng tạo, năng động của sinh viên. Ðiều này cho thấy rằng, người giảng viên không chỉ nắm vững những vấn đề cần giảng cho sinh viên mà còn phải năng động, nhạy bén trong từng tiết dạy, từng đối tượng sinh viên. Ngoài việc truyền thụ kiến thức cần thiết cho sinh viên một cách sinh động, giảng viên còn truyền thụ cho người học lòng hứng thú và say mê trong học tập.
Ðể thực hiện tốt phương pháp này, trước khi bắt đầu học phần mới, giảng viên phải giới thiệu kỹ về học phần mà sinh viên sắp được tiếp cận, vị trí và mục tiêu của học phần trong chương trình, các tài liệu học tập đã được chọn giảng dạy trong nhà trường, cũng như những nguồn tài liệu sinh viên có thể tham khảo để phục vụ cho học phần đó. Trên cơ sở đó, giảng viên hướng dẫn cho sinh viên tự nghiên cứu tài liệu, giúp sinh viên có sự chuẩn bị để tiếp thu kiến thức một cách tự nhiên, tạo thuận lợi cho sinh viên tích luỹ được vốn kiến thức đa dạng, góp phần rèn luyện khả năng xử lý, tiếp nhận tri thức và phát huy tư duy sáng tạo.
Trong tiết dạy phải có phần thảo luận. Giảng viên phải chuẩn bị thật kỹ nội dung thảo luận, chuẩn bị các câu hỏi và dự kiến các tình huống có thể xảy ra trong quá trình thảo luận của sinh viên để có hướng giải quyết hợp lý, ít mất thời gian mà đem lại hiệu quả cao. Trong quá trình thảo luận, giảng viên không được làm thay sinh viên. Giảng viên chỉ đóng vai trò là người hướng dẫn, định hướng cho sinh viên, giúp sinh viên tự chiếm lĩnh tri thức, nắm bắt nội dung học tập, nghiên cứu vấn đề một cách sâu sắc và đầy đủ.
Cần tăng tính tự giác học tập của sinh viên thông qua việc cho sinh viên thấy hệ quả tất yếu giữa kết quả học tập tích cực và vị trí việc làm trong tương lai. Cần cho sinh viên hiểu rằng, năng lực làm việc của bản thân được thể hiện thông qua kết quả học tập và rèn luyện trong quá trình học tập. Phải để sinh viên thấy rằng, muốn làm việc tốt đòi hỏi phải có kiến thức và năng lực thực sự. Nếu trong quá trình học tập tại trường, sinh viên không tự giác học tập để tích luỹ kiến thức, kinh nghiệm thì rất khó bắt kịp với công việc, dẫn đến dễ bị đào thải. Chính vì vậy, phương châm học tập tốt sẽ có việc làm tốt là động lực để thúc đẩy sinh viên tự giác học tập.
Kích thích sinh viên phấn đấu trong học tập thông qua việc đánh thức lòng tự trọng của sinh viên. Nhà trường cần đặt sinh viên ở vị trí của một người đã trưởng thành, một công dân thực thụ để đánh thức lòng tự trọng, ý thức của sinh viên. Từ đó, tăng tính tự giác, tự vươn lên của bản thân, tự chịu trách nhiệm trong sinh hoạt, học tập của mình.
Ðánh giá một sinh viên không chỉ bằng điểm số học tập, mà bên cạnh đó, sinh viên còn có điểm rèn luyện đạo đức, tư tưởng, lối sống lành mạnh. Các phong trào Ðoàn, Hội giúp sinh viên trong quá trình tu dưỡng đạo đức, đây cũng là động lực nhắc nhở các em phải luôn giữ cách sống đúng mực. Các tổ chức đoàn thể tạo một môi trường lành mạnh để các em có điều kiện phấn đấu rèn luyện trở thành những công dân tốt, có năng lực chuyên môn vững vàng, có đạo đức nghề nghiệp trong sáng.
Yếu tố thuận lợi hiện nay là nhà trường đã chuyển từ hình thức đào tạo từ niên chế sang hình thức đào tạo theo tín chỉ. Ðây là một hình thức đào tạo phù hợp với xu hướng chung, hình thức đào tạo này giúp sinh viên có thể lựa chọn môn học, học vượt, học chậm một cách chủ động.
Ðể sinh viên có thể chủ động hơn trong việc tự mình nghiên cứu tài liệu, từ đó tự lĩnh hội kiến thức, việc cung cấp tài liệu hướng dẫn học tập cho sinh viên là cần thiết. Vì vậy, việc biên soạn tài liệu hướng dẫn học tập trong phạm vi nhà trường phù hợp với chương trình đào tạo, phù hợp với đối tượng sinh viên là một yếu tố góp phần nâng cao hiệu quả đào tạo.
Giảng viên trong nhà trường cần mạnh dạn giao việc cho sinh viên, bắt đầu từ những việc nghiên cứu những vấn đề nhỏ. Tập và hướng dẫn cho các em nghiên cứu khoa học, từ đó khơi gợi trong các em sự đam mê nghiên cứu và học tập, sáng tạo./.
Phương Trang