(CMO) Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH) tháng 3 và quý I/2022, triển khai Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH; tình hình và giải pháp đẩy nhanh tiến độ phân bổ, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022, vào sáng nay 5/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện nhanh, đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả hơn nữa các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; rà soát, điều chuyển kế hoạch vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt nhưng còn thiếu vốn.
Cùng chủ trì hội nghị có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Phó Thủ tướng Lê Văn Thành.
Chủ trì hội nghị tại điểm cầu Cà Mau có Uỷ viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Quốc Việt và Uỷ viên BTV Tỉnh uỷ, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Văn Bi. |
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, trong quý I tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, giá dầu và lạm phát tăng cao nhất trong nhiều năm trở lại đây; một số nền kinh tế lớn thu hẹp quy mô nới lỏng chính sách tiền tệ,... đã tác động không nhỏ đến kinh tế nước ta. Tuy nhiên, với nhiều giải pháp đồng bộ được triển khai tạo điều kiện cho KT-XH cả nước phục hồi nhanh, tình hình KT-XH tháng 3 và 3 tháng đầu năm tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực.
Cụ thể, tăng trưởng GDP quý I tăng 5,03% so với cùng kỳ, đáng chú ý là khu vực dịch vụ tăng 4,58%, gấp gần 1,5 lần so với cùng kỳ các năm 2020, 2021. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân quý I tăng 1,92% so với cùng kỳ. Thu ngân sách đạt 32,6% dự toán, tăng 7,7% so với cùng kỳ, đáp ứng nhu cầu chi phòng chống dịch, an sinh xã hội, chăm lo đối tượng chính sách. Xuất khẩu phục hồi mạnh mẽ, quý I tăng 12,9% so với cùng kỳ; nền kinh tế xuất siêu trong quý I đạt trên 809 triệu USD.
Sản xuất công nghiệp tiếp tục khởi sắc, giá trị tăng thêm 3 tháng toàn ngành tăng 7,07% so với cùng kỳ. Thương mại, dịch vụ tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 3 tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước.
Tình hình hoạt động doanh nghiệp rất tích cực. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tái gia nhập thị trường trong tháng cao gấp 3 lần doanh nghiệp rút lui; tính chung quý I đạt kỷ lục hơn 60.000 doanh nghiệp, tăng 36,7% so với cùng kỳ.
Tiếp tục hỗ trợ người dân, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, theo đó đã hỗ trợ khoảng 40,5 ngàn tỷ đồng cho 35,87 triệu lượt đối tượng; hỗ trợ gần 38,6 ngàn tỷ đồng từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.
Tình hình hoạt động doanh nghiệp trong quý I rất tích cực. |
Tuy nhiên, những biến động của tình hình khu vực và thế giới, lạm phát, giá dầu tăng cao, dịch bệnh kéo dài... đã tác động không nhỏ đến mọi mặt đời sống KT-XH của nước ta trong quý I. Cụ thể, giá dầu tăng cao từ cuối tháng 2 tác động dây chuyền lên giá cước vận tải, chi phí sản xuất, logistics, giá cả hàng hoá, nguyên vật liệu…. trong khi công tác điều hành giá xăng dầu còn khó khăn. Hoạt động sản xuất, kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn. Sản xuất nông nghiệp tiếp tục đối mặt với chi phí đầu vào, thức ăn chăn nuôi tăng cao, nguy cơ thiếu hụt nguồn cung phục vụ chế biến, xuất khẩu. Dịch bệnh vẫn lây lan nhanh, số ca nhiễm mới mặc dù giảm nhưng vẫn ở mức cao, ảnh hưởng đến việc thực hiện các chính sách bình thường mới, nhất là trong việc dạy và học của học sinh, sinh viên…
Trước những kết quả đã đạt được và những khó khăn còn tồn tại từ tác động trong nước và ngoài nước, kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo, các địa phương cần phát huy tinh thần đoàn kết, tự lực tự cường, phải huy động được đoàn kết toàn dân để phát huy tối đa nội lực, khai thác tốt tiềm năng để phục hồi và phát triển kinh tế nhanh và bền vững.
Các cơ quan, tổ chức chính quyền phải chủ động, tích cực hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Trong lãnh đạo, điều hành phải có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào phải dứt điểm việc đó và việc đã hoàn thành phải góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế của địa phương và nâng cao đời sống Nhân dân.
Sắp xếp, rà soát lại nguồn lực để tập trung cho những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm đã được lựa chọn. Chấp hành nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính, tăng cường phân công, phân cấp đi đôi với kiểm tra, giám sát, đề cao trách nhiệm người đứng đầu.
Làm tốt công tác giải phóng mặt bằng phục vụ cho các công trình trọng điểm, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh. |
Ngoài ra, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Quốc hội cũng như Chính phủ về phòng, chống dịch bệnh; tiếp tục thực hiện quyết tâm, thống nhất quan điểm “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.
Điều hành đồng bộ, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ các công cụ chính sách tiền tệ, tài khóa và các chính sách khác. Tăng cường quản lý, giám sát thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bảo đảm an toàn hệ thống tài chính. Có chính sách, giải pháp kịp thời bảo đảm cân đối cung - cầu, điều hành, bình ổn giá phù hợp; bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, nhất là cân đối về điện, xăng dầu. Đẩy nhanh tiến độ các dự án; thúc đẩy thương mại, xuất nhập khẩu bền vững.
Tập trung rà soát, tháo gỡ các rào cản, vướng mắc cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh, khơi thông điểm nghẽn về huy động, sử dụng nguồn lực. Đẩy nhanh lộ trình cắt giảm, đơn giản hoá thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ. Bảo đảm quốc phòng, an ninh; chủ động dự báo, bám sát tình hình biên giới. Tiếp tục chỉ đạo, kiểm tra tình hình mở cửa trường học trở lại, bảo đảm liên tục việc dạy và học trực tiếp; chu đáo, an toàn. Tập trung làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, làm sao phải tạo được niềm tin của người dân. Làm tốt công tác quy hoạch khai thác và quản lý các mỏ khoáng sản và giá các nguyên vật liệu,… Tăng cường thông tin, tuyên truyền; kịp thời đấu tranh phản bác quan điểm, tư tưởng sai trái; ngăn chặn thông tin xấu, độc, sai sự thật,…
Nguyễn Phú