Hiện nay, toàn tỉnh có 84 cán bộ quản lý (CBQL) trường THPT, kết quả khảo sát cho thấy, về trình độ chuyên môn đội ngũ CBQL trường THPT tỉnh Cà Mau, 100% đều có trình độ đại học. Trình độ đào tạo sau đại học của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng hiện còn thấp, có 9/84 người, chiếm 10,7%, trong đó, hiệu trưởng đạt tỷ lệ 10,3%. Nhìn chung, trình độ chuyên môn của đội ngũ CBQL trường THPT chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay.
Hiện nay, toàn tỉnh có 84 cán bộ quản lý (CBQL) trường THPT, kết quả khảo sát cho thấy, về trình độ chuyên môn đội ngũ CBQL trường THPT tỉnh Cà Mau, 100% đều có trình độ đại học. Trình độ đào tạo sau đại học của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng hiện còn thấp, có 9/84 người, chiếm 10,7%, trong đó, hiệu trưởng đạt tỷ lệ 10,3%. Nhìn chung, trình độ chuyên môn của đội ngũ CBQL trường THPT chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay.
Ngoài ra, qua khảo sát chúng tôi nhận thấy, công tác quy hoạch chưa thật sự gắn với bổ nhiệm. Một số trường hợp quy hoạch là cán bộ kế cận nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau khi bổ nhiệm lại là đối tượng khác, làm giảm ý chí phấn đấu của cán bộ trong quy hoạch dự nguồn. Quy hoạch chưa gắn với đào tạo bồi dưỡng. Quy hoạch cán bộ chưa đồng thời với phân công giao việc cho cán bộ để thử thách, rèn luyện bồi dưỡng.
Học sinh Trường THPT Khánh Lâm trong ngày khai giảng năm học mới. Ảnh: HỮU LỢI |
Từ kết quả khảo sát và phân tích thực trạng phát triển đội ngũ CBQL trường THPT tỉnh Cà Mau, để khắc phục những mặt hạn chế, bất cập trong đội ngũ CBQL trường THPT, ngành giáo dục Cà Mau cần triển khai thực hiện một cách nhịp nhàng, đồng bộ, các biện pháp cụ thể.
Theo đó, cần tăng cường vai trò lãnh đạo của Ðảng, sự quản lý của Nhà nước, chính quyền địa phương đối với công tác phát triển đội ngũ CBQL trường THPT. Làm cho các cấp uỷ Ðảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở có nhận thức đúng đắn về ý nghĩa, vai trò lãnh đạo quy hoạch, xây dựng và phát triển đội ngũ CBQL trường THPT; từ đó, tập trung chỉ đạo làm tốt công tác quy hoạch và phát triển đội ngũ CBQL trường THPT tỉnh Cà Mau.
Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ Ðảng đối với công tác phát triển đội ngũ CBQL trường THPT là yếu tố quan trọng, có ý nghĩa quyết định trong việc làm cho đội ngũ CBQL trường THPT đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, mạnh về chất lượng, ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ, phù hợp với xu thế phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần tích cực vào nhiệm vụ đổi mới GD&ÐT và sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Bên cạnh đó, cần đổi mới công tác quy hoạch phát triển đội ngũ CBQL trường THPT.
Quy hoạch CBQL trường THPT phải mang tính chiến lược về đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng (bố trí, điều động, đề bạt, nghỉ chế độ, miễn nhiệm…) nguồn cán bộ, trong đó mục tiêu, kế hoạch, dự kiến các điều kiện về nguồn lực (nhân lực, vật lực, tài lực), thời gian thực hiện và đề ra các phương án, biện pháp thực hiện quy hoạch phát triển đội ngũ CBQL trường THPT của tỉnh.
Công tác quy hoạch cán bộ cần phải gắn với việc thực hiện tốt công tác kiểm tra, đánh giá, góp phần làm trong sạch bộ máy quản lý giáo dục, tạo niềm tin cho tập thể cán bộ, giáo viên, học sinh và Nhân dân; tạo điều kiện thuận lợi để rèn luyện, bồi dưỡng, thử thách, giúp quản lý giáo dục phấn đấu ngày càng tốt hơn.
Ðồng thời, thực hiện tốt quy trình tuyển chọn, sử dụng, bổ nhiệm và bổ nhiệm lại, điều động, luân chuyển CBQL trường THPT. Ðây là khâu quan trọng để thu hút, phát hiện người có đức, có tài, đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu chức trách nhiệm vụ đặt ra trong xu thế phát triển và hội nhập quốc tế, đòi hỏi người CBQL phải có trình độ chuyên môn vững vàng, có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt. Bổ nhiệm CBQL trường THPT là cơ hội để cán bộ thăng tiến hợp lý, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của nhà trường và sự phát triển GD&ÐT của ngành.
Bổ nhiệm, bổ nhiệm lại CBQL trường THPT phải xuất phát từ mục tiêu, yêu cầu của tổ chức và công việc cần phải bổ nhiệm, căn cứ vào tiêu chuẩn CBQL; dựa trên cơ sở quy hoạch CBQL, đặc điểm tình hình thực tế địa phương, kinh tế - xã hội, vùng miền, tuyển dụng CBQL cho phù hợp.
Ðặc biệt hiện nay, Nghị định số 115/2010/NÐ-CP, ngày 24/12/2010 của Chính phủ quy định, trách nhiệm quản lý Nhà nước về GD&ÐT giao cho giám đốc (đối với các đơn vị trực thuộc sở GD&ÐT), trưởng phòng (đối với phòng GD&ÐT) quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, luân chuyển, điều động CBQL. Vì vậy, có thể áp dụng hình thức thi tuyển ở những nơi có điều kiện là hợp lý, công bằng và đảm bảo khách quan.
Trong phát triển đội ngũ CBQL trường THPT, các trường THPT cần thực hiện đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng. Theo đó, đào tạo, bồi dưỡng phải căn cứ vào tiêu chuẩn CBQL đảm bảo nhiệm vụ chuyên môn của ngành, trên cơ sở đó, xác định kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng. Thực hiện quy hoạch cán bộ và đào tạo, bồi dưỡng theo quy hoạch. Xác định công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ CBQL trường THPT là biện pháp quan trọng hàng đầu để nâng cao chất lượng đội ngũ CBQL trong giai đoạn hiện nay.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, đánh giá đội ngũ CBQL trường THPT là biện pháp quan trọng. Mục tiêu của công tác thanh tra, kiểm tra, đánh giá đội ngũ CBQL trường THPT nhằm làm trong sạch đội ngũ này, qua đó có kế hoạch đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển, miễn nhiệm, không ngừng nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực và hiệu quả công tác cán bộ. Ðây là căn cứ tuyển chọn, xây dựng quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng, bố trí, sử dụng, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện các chế độ chính sách đối với CBQL.
Ðể biện pháp này đạt hiệu quả, trước hết là nâng cao nhận thức cho CBQL về công tác đánh giá, xếp loại. Ðánh giá, xếp loại CBQL nhằm phát triển chuyên môn và năng lực nghề nghiệp chứ không chỉ là hình thức để xét thi đua khen thưởng hằng năm. Mặt khác, khi tiến hành thanh tra, đánh giá cần chú trọng khả năng tự đánh giá của mỗi CBQL nhằm tạo sự đồng thuận cần thiết là điều kiện quan trọng thúc đẩy quá trình phấn đấu của CBQL sau thanh tra.
Biện pháp tiếp theo là cần tăng cường các điều kiện hỗ trợ hoạt động cho đội ngũ CBQL trường THPT. Việc nâng cao chất lượng đội ngũ CBQL trường THPT phải gắn liền với việc kết hợp vận dụng các chế độ, chính sách ngày càng hợp lý hơn, là động lực tâm lý kích thích tính tích cực, nhiệt tình và khơi dậy tiềm năng sáng tạo của mỗi người.
Ngoài những chính sách chung của Ðảng và Nhà nước, Sở GD&ÐT cần tham mưu UBND tỉnh có chính sách khuyến khích CBQL công tác tại các vùng sâu, vùng xa..., đặc biệt đối với CBQL nữ; có chính sách khuyến khích đãi ngộ CBQL, ưu tiên CBQL trẻ có năng lực, tự nâng cao trình độ.
Song song với các biện pháp trên, các trường THPT cũng cần xây dựng môi trường sư phạm. Bởi môi trường sư phạm được thể hiện ở tính đồng thuận trong tập thể sư phạm, đó là tình đoàn kết, nhất trí, có chung tầm nhìn, quan điểm phát triển nhà trường. Tạo mối quan hệ phối hợp chặt chẽ, thống nhất giữa các cấp lãnh đạo Ðảng, chính quyền, của ngành, các tổ chức chính trị, xã hội và nhà trường, tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ CBQL nhà trường thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý của mình./.
Phan Hông Phúc