(CMO) Thời gian qua, hoạt động trợ giúp pháp lý (TGPL) tác động tích cực đến nhận thức về pháp luật của người dân. Ðể phủ khắp kiến thức pháp luật cho đối tượng yếu thế, hộ nghèo, trẻ em, đồng bào dân tộc..., Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Cà Mau đã có nhiều buổi truyền thông pháp luật cho người dân ở các xã vùng sâu, vùng xa.
Cà Mau là tỉnh có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trình độ dân trí không đồng đều, hiểu biết về pháp luật còn nhiều hạn chế, nhất là ở các xã vùng xa. Với mục tiêu hướng về cơ sở với cách làm cụ thể, như đẩy mạnh công tác truyền thông pháp luật về TGPL để tạo chuyển biến tích cực, từng bước giúp người dân tiếp cận được với những kiến thức pháp luật.
Thông qua các buổi truyền thông, các luật sư, trợ giúp viên pháp lý còn tư vấn, hướng dẫn, giải đáp thắc mắc của người dân ngay tại cơ sở.
Ông Ngô Ðức Bính, Phó giám đốc Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh (Trung tâm), cho biết: “Công tác này được triển khai hàng năm nhưng gần 2 năm qua do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên mọi hoạt động tạm dừng. Giờ tình hình ổn định, Trung tâm đẩy mạnh truyền thông về cơ sở nhằm giúp bà con hiểu hơn về công tác TGPL và những chính sách pháp luật”.
Tại các buổi truyền thông, người dân, người hoạt động ở ấp, khóm được đặt câu hỏi, trao đổi trực tiếp với các thành viên của Trung tâm để được hướng dẫn cụ thể rõ ràng các yêu cầu, thắc mắc. |
Cụ thể, Trung tâm vừa có buổi truyền thông pháp luật tại xã Tam Giang, huyện Năm Căn. Hơn 30 thành viên là các cán bộ xã, ấp và người dân trên địa bàn xã tham gia. Buổi truyền thông đã góp phần nâng cao nhận thức, cũng như truyền đạt những thông tin về pháp luật một cách cụ thể hơn nhờ những tình huống, câu hỏi của những thành viên tham gia. Người dân và cán bộ địa phương được thông tin về một số quy định pháp luật về TGPL. Trong đó, các đối tượng thuộc diện được hưởng dịch vụ TGPL miễn phí, quyền của người được TGPL, nghĩa vụ của người được TGPL, phạm vi thực hiện TGPL, lĩnh vực, hình thức TGPL...
Một số cán bộ tại địa phương có thâm niên hơn 10 năm làm công tác hoà giải, nhưng đây là lần đầu tiên được tham gia buổi truyền thông về pháp luật, từ đó họ có thể hiểu sâu hơn về những đối tượng được hưởng TGPL miễn phí.
Ông Huỳnh Quốc Kiệt, ấp Nhà Hội, chia sẻ: Thông qua buổi truyền thông này tôi biết nhiều hơn về Trung tâm. Từ đó, tôi sẽ hướng dẫn cho bà con, những hộ nghèo, khó khăn thuộc diện được trợ giúp khi có vấn đề xảy ra.
Chị Dương Ngọc Mai bộc bạch: “Trước giờ cũng biết là người già, trẻ em, hộ nghèo đồng bào dân tộc được hưởng chế độ, chính sách của Nhà nước chứ đâu có biết được hỗ trợ miễn phí về các vấn đề của pháp luật. Từ nay, những ai cần hỗ trợ mà thuộc đối tượng ưu tiên thì tôi sẽ hướng dẫn cho họ, để họ được hưởng quyền lợi và bình đẳng trước pháp luật”.
Hầu hết các câu hỏi thường xoay quanh đến đất đai, hôn nhân, chính sách với người có công... Những vấn đề đặt ra được các luật sư thuộc các lĩnh vực phụ trách giải thích cụ thể, rõ ràng. Người dân đồng tình cao.
Chị Huỳnh Mỹ Sự, biệt phái viên TGPL, thuộc Trung tâm, phụ trách địa bàn Năm Căn, cho biết: “Thời gian qua người dân ở vùng sâu, vùng xa khó tiếp cận pháp luật nên khi có vướng mắc về pháp luật không tự tháo gỡ được nên khi có các buổi truyền thông như thế này thì người dân biết được quyền lợi của mình, khi có khó khăn, vướng mắc họ sẽ tìm đến nhờ TGPL”.
Thông qua các buổi truyền thông pháp luật về cơ sở nhằm tạo điều kiện cho người nghèo, đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc và các đối tượng khác được tiếp cận pháp luật, thụ hưởng chính sách TGPL theo quy định của pháp luật; góp phần vào việc phổ biến, giáo dục pháp luật, đảm bảo quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật. Qua đó, phòng ngừa hạn chế tranh chấp và vi phạm pháp luật, tháo gỡ những vướng mắc có liên quan đến pháp luật.
Ông Bính chia sẻ: “Bên cạnh những thuận lợi, Trung tâm cũng còn gặp nhiều khó khăn, chỉ phần nhỏ người có vướng mắc về pháp luật mới đến nghe tuyên truyền. Phần đông họ không quan tâm nhưng đến khi gặp vướng mắc thì không biết đầu mối để liên hệ. Mặt khác, công tác phối hợp của các địa phương chưa được nhịp nhàng. Vì trong tất cả các buổi truyền thông pháp luật cần phải có sự tham gia, hỗ trợ của chính quyền địa phương mới mang lại hiệu quả cao. Ðể pháp luật ngày càng gần với người dân, thời gian tới Trung tâm sẽ đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động phối hợp để truyền thông pháp lý đến được với từng địa bàn, dân cư, cụm khóm, ấp với mục tiêu là mang pháp luật đến được với mọi nhà”.
Hoạt động TGPL đã kịp thời giải đáp thắc mắc, nâng cao hiểu biết về pháp luật cho Nhân dân tại cơ sở, giảm tình trạng khiếu kiện không đáng. Từ đó, nhận thấy truyền thông pháp luật về TGPL về cơ sở là việc cần thiết hiện nay.
Ðược biết, trong tháng 6 này, Trung tâm sẽ đưa công tác truyền thông về xã Tam Giang Ðông (Năm Căn) và các xã vùng sâu địa bàn huyện Ðầm Dơi. Trước đó, Trung tâm đã có các buổi truyền thông pháp luật về TGPL tại các xã của huyện Thới Bình.
Kim Cương - Khánh Phương