(CMO) Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai nhiệm vụ công tác Mặt trận năm 2022, vào sáng 18/1, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã đề ra chủ đề công tác năm 2022 là "Đoàn kết, dân chủ; năng động, sáng tạo; tận tụy, trách nhiệm; chất lượng, hiệu quả". Chủ trì hội nghị có đồng chí Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.
Năm 2022, MTTQ các cấp tập trung triển khai các nội dung chương trình phối hợp và thống nhất hành động với 5 nhiệm vụ trọng tâm: Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để củng cố, tăng cường, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc; chủ động rà soát, đánh giá tính hiệu quả và cách thức triển khai các phong trào thi đua, các cuộc vận động; kiên trì, bền bỉ trong việc theo dõi kết quả giải quyết các kiến nghị sau giám sát, phản biện; kêu gọi, vận động và có giải pháp thu hút các chuyên gia, Nhà khoa học là người Việt Nam ở nước ngoài; kiện toàn, củng cố tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực hoạt động của hệ thống MTTQ các cấp.
Chủ trì hội nghị tại điểm cầu Cà Mau có đồng chí Dương Thu Hiền, Tỉnh uỷ viên, Phó Chủ tịch Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh. |
Đồng thời, tại hội nghị, đồng chí Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam, đã quán triệt và hướng dẫn triển khai công tác cứu trợ theo Nghị định số 93/2021/NĐ-CP, ngày 27/10/2021 của Chính phủ về việc vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.
Nghị định số 93 ra đời đã bổ sung phạm vi áp dụng là hỗ trợ khắc phục khó khăn do “dịch bệnh”, điều này không được nêu trong Nghị định 64 trước đây. Việc bổ sung này đã tạo cơ sở pháp lý đầy đủ để MTTQ Việt Nam triển khai công tác kêu gọi, vận động hỗ trợ Nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố nghiêm trọng…
Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng đã quán triệt, triển khai Kết luận của Đoàn Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam về tăng cường công tác bồi dưỡng để xây dựng đội ngũ cán bộ MTTQ các cấp đáp ứng yêu cầu tình hình mới; triển khai Kế hoạch giám sát, phản biện xã hội năm 2022, đồng thời hướng dẫn giám sát vụ việc cụ thể và giải quyết khiếu nại liên quan đến bồi thường, hỗ trợ, thu hồi đất; triển khai giám sát đầu tư của cộng đồng đối với các công trình, dự án thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Trong đó, đối với hoạt động giám sát, phản biện xã hội, Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam yêu cầu cần có sự đổi mới theo hướng hiệu quả, thực chất và chủ động; nội dung giám sát, phản biện xã hội đảm bảo trọng tâm, trọng điểm, lựa chọn những vấn đề lớn, liên quan mật thiết đến đời sống Nhân dân; hình thức phù hợp, đáp ứng tình hình thực tế, thực hiện đồng bộ, dứt điểm và có kết quả. Kiến nghị sau giám sát, phản biện phải rõ ràng, cụ thể, có tính thuyết phục cao, hiệu quả, thực chất và mang tính xây dựng.
Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 sắp đến. Để đảm bảo mỗi gia đình, mỗi người dân đều có tết đầm ấm, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam thực hiện chương trình phối hợp thăm, tặng quà gia đình người có công, gia đình liệt sĩ tiêu biểu hoặc có hoàn cảnh khó khăn; cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng; thăm công nhân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn; thăm người nghèo, hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; hộ nghèo vùng biên giới, hải đảo, hộ dân gặp ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19…
Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chỉ đạo, MTTQ các cấp phối hợp các tổ chức chính trị - xã hội chăm lo Tết cho người nghèo đảm bảo đúng đối tượng, tránh trùng lặp hoặc bỏ sót; đồng thời sử dụng nguồn vận động xã hội và Quỹ “Vì người nghèo” đảm bảo chặt chẽ, không xảy ra sai sót.
Hàng năm, Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cà Mau thực hiện tốt công tác chăm lo Tết cho người nghèo. Ảnh: Phó Chủ tịch Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Dương Thu Hiền tặng quà người nghèo dịp Tết Nguyên đán 2021. |
Chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, nhấn mạnh, trong năm 2022, MTTQ Việt Nam cần bám sát nhiệm vụ chính trị, tiếp tục tuyên truyền, vận động các tầng lớp Nhân dân thực hiện tốt các yêu cầu về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19, đẩy mạnh phong trào thi đua phục hồi phát triển kinh tế. Đồng thời, nâng cao chất lượng các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, nhất là các cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Ngày vì người nghèo”…
Đối với công tác giám sát, phản biện xã hội, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đề nghị, MTTQ các cấp cần nâng cao thực chất công tác này gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII), Kết luận số 21-KL/TW về kết luận Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII); các quy định, quyết định của Trung ương. Đồng thời, đa dạng hóa cách thức lắng nghe nhiều ý kiến của các tổ chức thành viên; kịp thời tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân để phản ánh tới Đảng và Nhà nước. Tăng cường hơn nữa công tác phối hợp, thống nhất hành động với các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam, để tạo thành sức mạnh tổng hợp của hệ thống Mặt trận từ Trung ương đến cơ sở...
Mộng Thường