ĐT: 0939.923988
Thứ ba, 21-5-24 01:05:55
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Phòng bệnh tiêu hoá và hô hấp ở trẻ nhỏ

Báo Cà Mau So với người lớn, người trưởng thành thì trẻ nhỏ thường dễ mắc các bệnh lý liên quan đến đường hô hấp và tiêu hoá, vì lúc này hệ miễn dịch của trẻ còn non yếu, sức đề kháng, khả năng miễn dịch cũng kém hơn. Do đó, các bậc phụ huynh hết sức lưu ý thực hiện nhiều biện pháp phòng bệnh cùng lúc.

Là tuyến đầu tiếp nhận điều trị các ca bệnh nhi trong tỉnh, thời gian này mỗi ngày tại Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau ghi nhận từ 750-800 bệnh nhi đến thăm, khám, nhập viện điều trị. Trong đó, phần nhiều liên quan đến các bệnh lý về đường tiêu hoá, hô hấp và nhiễm trùng đường ruột.

Bác sĩ CKI Trịnh Thanh Thuý, Trưởng khoa Khám bệnh, thông tin: “Thời tiết diễn biến bất thường là nguyên nhân khiến các ca bệnh nhi tăng mạnh, nhiều nhất là bệnh đường tiêu hoá. Các bệnh lý đường hô hấp như: viêm tiểu phế quản, viêm hô hấp, suyễn, viêm phổi và dị ứng đường hô hấp cũng có dấu hiệu khởi phát lại. Mặc dù biểu hiện ban đầu giống như cảm mạo thông thường nhưng nếu không được điều trị đúng và kịp thời, dứt điểm, bệnh có thể chuyển biến nặng, chuyển sang viêm phổi cấp tính”.

Riêng tại Khoa Nhiễm, các bệnh liên quan đến hệ tiêu hoá và rối loạn đường tiêu hoá rất đa dạng và có xu hướng diễn biến phức tạp. Ðặc biệt, các bệnh tiêu chảy, nhiễm trùng đường ruột, chướng bụng, táo bón, tắc ruột gia tăng. Trung bình mỗi ngày khoa tiếp nhận khoảng 20 ca, trẻ dưới 10 tuổi đến nhập viện tăng.

Số ca bệnh nhi mắc các bệnh lý liên quan đến đường hô hấp và đường tiêu hóa gia tăng (Ảnh chụp tại Khoa Nhiễm Bệnh viện Sản – Nhi Cà Mau).

Bác sĩ CKI Bùi Kim Ðắng, Trưởng khoa Nhiễm, cho biết: “Ða số trẻ nhập viện đều đã điều trị tại các tuyến dưới hoặc đi phòng khám tư bên ngoài nhưng bệnh tình không khỏi. Do đó, khi vào khoa, bệnh chuyển biến nặng. Khuyến cáo phụ huynh, khi trẻ tiêu chảy, sốt cao, đi phân lỏng, nôn ói, đầy hơi khó tiêu, đau vùng bụng và quấy khóc kéo dài nên đưa đi thăm khám sớm, tránh tình trạng mất nước, sốc dẫn đến tình trạng nhiễm trùng nặng, gây khó khăn cho việc điều trị về sau”.

Chị Trương Thị Cẩm Giang (Phường 9, TP Cà Mau) cho biết: “Bé được 11 tháng tuổi, những ngày này có biểu hiện sốt 39 độ, khóc quấy và co giật. Sau khi sử dụng nhiều biện pháp hạ sốt nhanh tại nhà không giảm nên tôi đưa đến nhập viện. Bản thân có con nhỏ, thời tiết nắng nóng nên tôi cũng cẩn trọng trong việc bé ăn uống và vệ sinh cơ thể nhưng vẫn không thể tránh khỏi bệnh".

Bà Nguyễn Ngọc Lợi, xã Phú Hưng, huyện Cái Nước, cho biết: “Trước khi cháu phát bệnh, tại nhà có cho cháu ăn trứng vịt lộn, ít giờ thì có biểu hiện ói, tiêu chảy, dù đã đưa đến bác sĩ tư nhưng vẫn không thuyên giảm. Thấy bệnh tình có chiều hướng nặng, cháu liên tục đi ngoài, tôi liền tức tốc cho nhập viện theo dõi. Sau khi thăm khám, bác sĩ chẩn đoán là nhiễm trùng đường ruột, cần can thiệp sớm để tránh mất nước”.

Theo khuyến cáo của các bác sĩ chuyên khoa nhi, khi trẻ có biểu hiện mệt, khác lạ ngày thường, lịch sinh hoạt thay đổi thì hết sức cẩn trọng, cần xem lại cách chăm sóc, vệ sinh và khâu ăn uống cho trẻ. Ngoài ra, đối với bất kỳ bệnh lý nào xuất hiện ở trẻ nhỏ thì khâu bổ sung dinh dưỡng đều hết sức cần thiết. Nên thực hiện ăn chín, uống sôi, kiểm soát nhiệt độ cơ thể định kỳ. Tuỳ vào thời tiết mà cần mặc đồ thoáng mát hoặc ủ ấm cho trẻ, tránh cảm mạo. Nên bổ sung vitamin và khoáng chất để tăng sức đề kháng. Khi trẻ có biểu hiện lạ, nên đưa đi thăm khám tại các cơ sở y tế, tránh tự ý mua thuốc hoặc sử dụng các bài thuốc dân gian tại nhà.

Khi trẻ có biểu hiện lạ, không hợp tác, phụ huynh nên đưa con đến cơ sở y tế thăm khám sớm nhất có thể. Ngoài ra, để chủ động phòng bệnh ở trẻ nhỏ nên thực hiện tiêm ngừa theo độ tuổi để trẻ có sức đề kháng ngay từ đầu đời. (Ảnh chụp tại Phòng khám Ða khoa Minh Hải).

Tại Phòng khám Nhi, Phòng khám Ða khoa Minh Hải (Phường 6, TP Cà Mau), mỗi ngày tiếp nhận từ 50-60 ca bệnh dưới 2 tuổi.

Bác sĩ Ðỗ Hồng Hoa, Phòng khám Nhi, khuyến cáo: “Ðể phát hiện sớm và điều trị kịp thời, khi trẻ có bất kỳ dấu hiệu lạ nên đưa đi thăm khám ngay để chẩn đoán đúng bệnh. Ngoài ra, để chủ động phòng tránh các bệnh thường gặp ở trẻ, phụ huynh có thể thực hiện thêm các mũi tiêm phòng cần thiết tuỳ theo độ tuổi cho trẻ. Ðặc biệt mùa nóng, thời tiết chuyển mùa, hoặc khi đang bùng phát bệnh dịch bất kỳ, cần cung cấp đủ nước cho trẻ, cho trẻ ngủ đủ giấc, vệ sinh nhà cửa thoáng mát. Cho trẻ đeo khẩu trang khi đến nơi đông người. Ðối với phụ huynh, người nhà có trẻ nhỏ, khi bệnh hạn chế tiếp xúc với trẻ, vì có khả năng cao sẽ lây bệnh cho các bé”./.

 

Nhi Yến

 

Ðảm bảo đủ vắc xin tiêm bù cho trẻ

Thời gian qua, do thiếu một số vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng, nên tỷ lệ trẻ chưa được tiêm và chưa tiêm đầy đủ còn khá nhiều, nguy cơ các bệnh truyền nhiễm ở trẻ có thể quay trở lại. Ngay sau khi được phân bổ vắc xin, ngành y tế đẩy mạnh việc tiêm bù, tiêm vét cho trẻ, nhằm tăng cường miễn dịch phòng bệnh trong cộng đồng.

Hoạt động thể chất có ích cho người ung thư

Hoạt động thể chất (thể dục, thể thao) không những nâng cao sức khoẻ, tăng cường kháng thể, kéo dài tuổi thọ, cải thiện tinh thần và chất lượng cuộc sống… đối với người bình thường, mà còn là một liệu pháp hiệu quả trong công tác điều trị kết hợp dành cho người chẳng may mắc phải căn bệnh ung thư.

Chủ động đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm

Hưởng ứng “Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm” (từ ngày 15/4-15/5), Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Cà Mau kết hợp với trung tâm y tế các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh ra quân thực hiện công tác tổng kiểm tra chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm trên toàn địa bàn.

Phòng, chống bệnh không lây nhiễm

Bệnh không lây nhiễm (KLN), thường là các bệnh mạn tính, bệnh phát triển và tiến triển chậm kéo dài trong nhiều năm, đòi hỏi việc điều trị có hệ thống và lâu dài thậm chí cả cuộc đời.

Chẩn đoán phát hiện sớm để điều trị hiệu quả

Ma tuý là chất kích thích thần kinh gây hưng phấn, giảm đau, buồn ngủ, nếu sử dụng nhiều lần sẽ gây nghiện và lệ thuộc. Hiện nay, ma tuý có nhiều dạng khác nhau: ma tuý tổng hợp, ma tuý đá, heroin, ngoài ra ma tuý còn biến tướng thành các dạng bột nước trái cây hoặc dạng viên kẹo hấp dẫn người sử dụng.

Vấn nạn chó thả rông đô thị

Vấn nạn chó thả rông không đeo rọ mõm hiện hữu nhiều nơi trên địa bàn các phường nội ô thành phố. Ðây luôn là vấn đề nhức nhối, không ít lần được lãnh đạo các cấp nhắc nhở trong các cuộc họp quan trọng, đặc biệt trong tình hình xây dựng các tuyến phố văn minh như hiện nay.

Kỹ thuật tân tiến cứu sống nhiều trẻ sinh non

Bằng những phương pháp và kỹ thuật hiện đại nhất, Khoa Sơ sinh của Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau đã thành công cứu được nhiều trẻ sinh non chỉ với 27 tuần tuổi, cân nặng chỉ 700 gram.

Chủ động phòng bệnh dại

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 3 ổ dịch dại trên động vật ở các huyện Ngọc Hiển, Ðầm Dơi và TP Cà Mau. Tập quán nuôi chó thả rông; ý thức còn chủ quan của người dân, một số trường hợp khi bị chó cắn không tiêm phòng vắc xin bệnh dại; tỷ lệ tiêm phòng vắc xin dại cho đàn chó nuôi đạt thấp, là nguyên nhân chính dẫn đến các trường hợp xuất hiện ổ bệnh dại, tử vong ở người.

Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm những ngày lễ

Đại lễ 30/4-1/5 là kỳ nghỉ lễ dài trong năm, cũng là dịp để người dân vui chơi, giải trí, ăn uống. Để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), Đoàn Kiểm tra liên ngành tỉnh đã và đang tăng cường, liên tục kiểm tra vệ sinh thực phẩm tại các doanh nghiệp, các cơ sở kinh doanh ăn uống trên địa bàn toàn tỉnh, góp phần đảm bảo sức khoẻ cho người dân và du khách trong những ngày lễ.

Tầm soát sớm, nhẹ nỗi lo

Thời gian gần đây, nhiều bậc phụ huynh bắt đầu quan tâm, thực hiện tầm soát ung thư cho bản thân và tự ý thức tìm hiểu việc kiểm tra thăm khám về căn bệnh này cho con trẻ.