Thời gian qua, tình hình sạt lở, sụt lún đất tại vùng ngọt hoá huyện Trần Văn Thời có chiều hướng diễn biến phức tạp. Huyện uỷ, UBND huyện quyết liệt chỉ đạo các ngành chuyên môn huyện và UBND các xã, thị trấn tăng cường các biện pháp phòng, chống.
- Nỗ lực cùng chính quyền phòng, chống sạt lở
- Sụt lún nghiêm trọng lộ nông thôn tại vùng ngọt huyện Trần Văn Thời
- Huyện Trần Văn Thời: Thiệt hại trên 9 tỷ đồng do sụt lún
Thống kê mới nhất, tính đến ngày 21/2, trên địa bàn huyện Trần Văn Thời xảy ra 327 điểm sạt lở, sụt lún đất tại 9 xã, thị trấn thuộc vùng ngọt, với tổng chiều dài gần 9.000 m (trong đó, đường bê tông hơn 6.500 m, còn lại đường đất đen); ước thiệt hại tài sản của Nhà nước và Nhân dân hơn 11,6 tỷ đồng.
Tuyến lộ bê tông ngang 3 m tại ấp Ông Bích, xã Khánh Bình bị sạt lở nghiêm trọng.
Ông Nguyễn Văn Đầy, ấp Phạm Kiệt, xã Khánh Bình, vẫn còn nhớ rõ sự cố xảy ra trước cửa nhà: "Nửa đêm, tôi nghe tiếng động trước cửa nhà, chạy ra thì thấy đất bắt đầu bị sạt lở. Lúc đầu không thấy lún nhiều, nhưng mấy ngày sau, chỗ sạt lở bắt đầu lún sâu, hơn 1,5m so với mặt đất còn lại, gần 2/3 mặt đường bị hư hại". Cùng ấp, ông Bùi Văn Út lo ngại: “Năm nay không hiểu vì sao mực nước dưới sông rút nhanh quá, mặc dù tôi đã mua cây dừa về cặm làm bờ kè từ trước nhưng vẫn xảy ra tình trạng sạt lở, sụt lún đất. Chỉ tính riêng trước cửa nhà tôi đã sạt lở, sụt lún khoảng 70 m chiều ngang mặt tiền, còn nhiều chỗ khác thuộc tuyến kênh này cũng bị như vậy".
Theo nông dân, thời gian qua tình hình sạt lở, sụt lún đất diễn biến phức tạp là do nhiều người tập trung bơm tát nước vào đồng ruộng, ao đìa để phục vụ sản xuất lúa và dự trữ để nuôi cá, trồng hoa màu nên mực nước trong các sông, rạch thuộc vùng ngọt hoá trên địa bàn huyện xuống rất nhanh. Đặc biệt, có những hộ bơm, tích trữ và sử dụng nguồn nước khi chưa thật sự cần thiết.
Tại hội nghị triển khai Chỉ thị số 09 của Ban Thường vụ Huyện uỷ, Bí thư Huyện uỷ Nguyễn Minh Nhứt yêu cầu cấp uỷ, chính quyền các cấp, các ngành từ huyện đến cơ sở phải thực hiện quyết liệt các biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả do hạn hán.
Trước tình hình trên, UBND huyện chỉ đạo các ngành chuyên môn huyện và UBND các xã, thị trấn tăng cường các biện pháp phòng, chống sạt lở, sụt lún đất, bảo vệ các công trình xây dựng và kết cấu hạ tầng giao thông.
Theo đó, Chủ tịch UBND huyện chỉ đạo các ngành chuyên môn phối hợp với các xã, thị trấn hướng dẫn, quy định, theo dõi việc bơm nước phục vụ sản xuất của người dân, không để bơm nước tràn lan làm khô cạn kênh, mương gây thiệt hại. Quản lý chặt chẽ các phương tiện nạo vét, múc kênh rạch, không để các phương tiện thực hiện khi chưa được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền; không để người dân múc, nạo vét đất, cất nhà cặp mé sông, kênh rạch làm tăng nguy cơ sụt lún, sạt lở. Tuyên truyền, vận động để người dân chủ động, tự giác tham gia phòng, chống sạt lở, sụt lún, bảo vệ các công trình kết cấu hạ tầng.
Ông Lê Minh Toàn, Chủ tịch UBND xã Khánh Bình, cho biết: "UBND xã chỉ đạo các ngành, đoàn thể xã và các ấp tuyên truyền đến bà con nông dân phải sử dụng nguồn nước tưới hiệu quả và tiết kiệm, nhằm tránh tình trạng nguồn nước dưới các sông, rạch cạn kiệt, dẫn đến bị sạt lở, sụt lún đất".
Đối với xã Khánh Hưng, ông Nguyễn Vũ Bằng, Chủ tịch UBND xã, thông tin, địa phương tập trung tuyên truyền, nhắc nhở, cảnh báo đến người dân về nguy cơ sạt lở, sụt lún đất trong mùa khô năm nay; đồng thời kiểm soát chặt chẽ việc các hộ dân, các phương tiện tự ý lấy đất dưới các dòng sông, kênh, rạch khi chưa được sự cho phép.
Nhằm hạn chế tình trạng sạt lở, sụt lún đất tại vùng ngọt trên địa bàn huyện trong thời gian tới, Ban Thường vụ Huyện uỷ ban hành Chỉ thị số 09 về tăng cường các biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả do hạn hán trên địa bàn huyện và triển khai đến các ngành chuyên môn, các xã, thị trấn quyết liệt thực hiện.
Tại hội nghị triển khai Chỉ thị 09, ông Trần Tấn Công, Chủ tịch UBND huyện, đề nghị các xã, thị trấn tăng cường các biện pháp phòng, chống sạt lở, sụt lún đất; bảo vệ nguồn nước tưới hiệu quả, đặc biệt là ưu tiên cho những hộ sử dụng nước phục vụ sản xuất vụ lúa đông xuân.
Bí thư Huyện uỷ Nguyễn Minh Nhứt nhấn mạnh: “Cấp uỷ, chính quyền các cấp, các ngành từ huyện đến cơ sở phải tập trung chỉ đạo, thực hiện quyết liệt, không lơ là, chủ quan; xem công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả do hạn hán là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, cấp bách trong thời điểm hiện nay"./.
Anh Quốc