(CMO) Mưa lớn cục bộ, dông lốc, bão kèm gió giật mạnh… là những hiện tượng thời tiết mà Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn quốc gia cảnh báo có nguy cơ xảy ra trong thời gian tới trên địa bàn tỉnh. Theo đó, việc chủ động trước một bước được xem là nhân tố quan trọng, nhằm giảm mức độ thiệt hại có thể xảy ra do thiên tai.
Trước dự báo thiên tai của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn quốc gia, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh đã có văn bản đề nghị các đơn vị, địa phương chủ động ứng phó. Theo đó, đề nghị các đơn vị và địa phương theo dõi chặt chẽ các cảnh báo, dự báo thời tiết, thiên tai để kịp thời hướng dẫn cho Nhân dân các giải pháp phòng tránh, giảm thiệt hại thấp nhất.
Với địa hình của tỉnh Cà Mau, vào mùa mưa bão, không chỉ có nỗi lo thiệt hại do dông, lốc, mà khi mưa lớn cục bộ thì tình trạng ngập úng còn diễn ra trên diện rộng từ trung tâm thành phố cho đến các khu vực sản xuất của người dân ở nhiều vùng nông thôn. Câu chuyện cao điểm mùa mưa năm 2020 hầu hết các tuyến đường trong nội ô TP Cà Mau, lộ nông thôn và hàng chục ngàn héc-ta lúa, hoa màu, cá đồng của người dân bị ngập úng, thiệt hại là minh chứng cho thấy ảnh hưởng thiên tai ngày một nghiêm trọng.
Cư dân ven biển là đối tượng dễ bị ảnh hưởng do thiên tai. (Ảnh chụp tại cửa biển Gành Hào, xã Tân Thuận, huyện Ðầm Dơi). |
Trong năm 2020, đã xuất hiện hơn 13 cơn bão trên biển Ðông, 1 áp thấp nhiệt đới, 11 đợt gió mạnh trên biển, 4 đợt triều cường. Ðặc biệt, hầu hết các cơn mưa đều kèm theo dông, lốc, một số ít có kèm sét (thời điểm đầu mùa mưa). Ngoài ra, do ảnh hưởng bởi mưa dông mạnh trên biển Tây kết hợp với triều cường, đã làm mực nước dâng cao bất thường vượt mốc lịch sử (1,05 m). Những hiện tượng thiên tai này đã làm chìm 12 tàu cá và 1 sà lan; 11 người mất tích trên biển; sập, tốc mái 859 căn nhà; thiệt hại, ảnh hưởng 43.460,3 ha lúa, 647,8 ha rau màu, 408,5 ha cây ăn trái; ngập gần 170 km lộ nông thôn, đường Hồ Chí Minh và 24 tuyến lộ đô thị...
Những con số trên là lời cảnh báo thiết thực nhất cho diễn biến bất thường và vô cùng nguy hiểm của thời tiết hiện nay. Từ đó, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đề nghị UBND các huyện và thành phố chỉ đạo các lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, rà soát các điều kiện cần và cơ sở vật chất, con người trong phòng, chống thiên tai.
Giám đốc Sở NN&PTNT Lê Thanh Triều đề nghị, các đơn vị và địa phương sẵn sàng các phương án để ứng phó nhanh nhất có thể khi có tình huống thiên tai xấu, từ lực lượng, phương tiện tại chỗ đến vấn đề bảo đảm an toàn về tính mạng, tài sản cho người dân và hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả sau thiên tai nhanh chóng, hiệu quả.
Từ đầu năm đến nay, dù chưa phải là thời gian cao điểm của thiên tai, nhưng trên địa bàn tỉnh cũng đã ghi nhận có hơn 28 km lộ và 500 ha nuôi thuỷ sản bị ngập, hơn 572 căn nhà bị ảnh hưởng… Ðiều này càng cho thấy thiên tai năm nay diễn biến vô cùng phức tạp. Do đó, ngoài việc chủ động theo phương châm “4 tại chỗ” của các đơn vị và địa phương, ý thức chủ động của người dân là quan trọng nhất, nhất là các ngư dân tham gia khai thác thuỷ sản trên biển.
Ðể chủ động ứng phó với thiên tai, Phó chủ tịch UBND xã Khánh Bình Tây Bắc (huyện Trần Văn Thời) Bùi Chí Ngạn cho biết, địa phương đã tiến hành củng cố ban chỉ đạo xã, lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai của xã; chuẩn bị địa điểm di dời dân cư khi cần thiết… nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, giảm thiểu thiệt hại về tài sản; khắc phục hậu quả, tái thiết sau thiên tai.
Ngư dân phải tự nâng cao ý thức, bảo đảm trang bị các thiết bị an toàn khi tham gia khai thác trên biển. (Ảnh chụp tại cửa biển Rạch Gốc). |
Riêng đối với đội tàu khai thác trên biển của xã, do đa phần là phương tiện nhỏ nên mức độ rủi ro khi có thiên tai là vô cùng lớn. Trước thực tế đó, ông Ngạn cho biết thêm, xã đã thành lập hợp tác xã khai thác và nhiều tổ khai thác để bà con ngư dân có thể hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình đánh bắt, nhất là khi có thời tiết, thiên tai bất thường trên biển. Ðồng thời, địa phương thường xuyên tuyên truyền và tiến hành kiểm tra điều kiện an toàn của các phương tiện khi ra biển, nhất là thiết bị theo dõi thông tin, áo phao cho thuyền viên, phao cứu sinh… cũng như những nơi tránh, trú an toàn./.
Nguyễn Phú